Trong năm 2015, ngành cao su tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá cao su nguyên liệu vẫn đang có xu hướng giảm sâu.

Ngày 10/2, tại cuộc họp triển khai công tác sản xuất và kinh doanh năm 2015 của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tổ chức ở Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng: Trong năm 2015, ngành cao su tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi giá cao su nguyên liệu vẫn đang có xu hướng giảm sâu. Tuy nhiên, đây cũng là thời điểm để Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam tập trung xem xét, tổ chức thực hiện chủ trương của Chính phủ và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn về tái cơ cấu ngành cao su theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Theo Bộ trưởng, tái cơ cấu ngành cao su phải bắt đầu từ việc xác định lại cách tiếp cận và chiến lược phát triển về thị trường. Mặc dù, Việt Nam xuất khẩu gần 2 tỷ USD cao su nguyên liệu, song lại nhập khẩu một lượng các sản phẩm cao su, cao su nhân tạo có giá trị lớn hơn rất nhiều. Từ thực tế này, ngành cao su cần điều chỉnh lại cơ cấu sản phẩm. Mặt khác, trong lúc cung vượt cầu, ngoài việc kiềm chế sản lượng cao su nguyên liệu, ngành cần tập trung các giải pháp để kích thích nhu cầu trong nước về cao su chế biến.

Trong thời gian tới, ngành cao su cần cân nhắc không chạy theo diện tích và sản lượng. Trước mắt, cần tập trung vào cắt giảm giá thành để đảm bảo duy trì lợi nhuận và hoạt động sản xuất kinh doanh. Đồng thời, nghiên cứu kỹ hơn về nhu cầu thị trường thế giới, tiếp cận nhiều hơn những phân khúc thị trường có giá trị cao, giảm phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Trung Quốc.

Để giải quyết tình trạng khó khăn của ngành trong việc giá cao su tiếp tục giảm giá sâu trong thời gian tới, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam cho biết: Tập đoàn đang đẩy mạnh chiến lược tái cơ cấu lại chủng loại sản phẩm cao su theo hướng thị trường yêu cầu và thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đặc biệt là thị trường Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ… Tập đoàn cũng đang đặt trọng tâm vào thị trường nội địa thông qua việc liên kết với các nhà máy sản xuất vỏ xe trong nước cung cấp nguyên liệu cao su lâu dài. Ngoài ra, Tập đoàn cũng tiếp tục đẩy mạnh sản xuất công nghiệp chế biến gỗ từ cây cao su; công nghiệp chế biến cao su chuyên sâu và các ngành nghề khác nhằm khai thác hết thế mạnh của ngành, hướng đến phát triển bền vững và lâu dài…

Mặc dù năm 2014 là năm ngành cao su gặp nhiều khó khăn, do giá cao su nguyên liệu giảm sâu, tuy nhiên, Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt nam đã chủ động xây dựng kế hoạch điều hành linh hoạt, theo sát thị trường và hoàn thành các kế hoạch đề ra. Với tổng diện tích trên 405.000 ha, năm 2014, sản lượng khai thác cao su của Tập đoàn đạt gần 270.000 tấn mủ khô, tăng khoảng 10% so với năm trước đó; đồng thời thực hiện thu mua 63.000 tấn cao su tiểu điền. Trong năm này, Tập đoàn đã tiêu thụ được gần 339.000 tấn cao su các loại, vượt 6% so với năm 2013 và không có tồn kho. Tuy gặp khó khăn nhưng trong năm 2014, Tập đoàn đã nỗ lực đạt doanh thu tiêu thụ cao su ước đạt 11.509 tỷ đồng, đạt 106% kế hoạch năm.

Nguồn: TTXVN

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam