Có hai yếu tố chính sẽ hậu thuẫn ngành da giày Ấn Độ vượt qua cuộc khủng hoảng khốc liệt trên toàn cầu hiện nay: tiêu thụ nội địa tăng mạnh và khả tăng khả năng cạnh tranh về giá cả với Trung Quốc trên thị trường thế giới.

Trên thị trường nội địa, ngành công nghiệp bán lẻ Ấn Độ tăng trưởng mạnh, trong đó phải kể đến ngành công nghiệp bán lẻ giày dép. Thị trường bán lẻ ở nước này đang thay đổi theo hướng năng động hơn, hiện đại hơn. Kinh tế tăng trưởng nhanh, nguồn nguyên liệu dồi dào, lao động lành nghề, giá nhân công thấp sẽ là yếu tố hậu thuẫn nhu cầu giày dép Ấn Độ duy trì tốc độ tăng trưởng trung bình 20% mỗi năm từ nay đến năm 2011.

Trên thị trường xuất khẩu, Ấn Độ đang vươn lên trở thành nhà cung cấp giày dép giá thấp có tầm cỡ trên thế giới.

Do kinh tế thế giới suy yếu, người tiêu dùng có xu hướng chuyển sang các loại giày dép có giá thành trung bình hoặc thấp. Tại châu Âu và nhiều nước phát triển khác, nhu cầu giày dép cao cấp đang giảm rõ rệt. Đây sẽ là cơ hội lớn cho ngành giày dép Ấn Độ và nhiều nước châu Á khác mở rộng thị trường.

Các sản phẩm của Trung Quốc từ trước tới nay thường rẻ  hơn khoảng 10% so với sản phẩm của Ấn Độ. Tuy nhiên, các nhà sản xuất Trung Quốc đang vấp phải những vấn đề nghiêm trọng do chi phí lao động tăng - thêm 40% kể từ tháng 1/2008, đồng nội tệ - Nhân dân tệ - tăng giá và các quy định chặt chẽ về môi trường làm tăng chi phí sản xuất. Do vậy, phẩm Trung Quốc nay không còn ưu thế cạnh tranh về giá so với sản phẩm Ấn Độ nữa. Điều này sẽ tạo cơ hội lớn cho Ấn Độ trên thị trường giày dép thế giới.

Các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới bắt đầu hướng về Ấn Độ để tìm kiếm các sản phẩm chi phí thấp. Nhiều nhà sản xuất giày dép châu Âu đặt cơ sở sản xuất taị Trung Quốc đang chuyển hướng sang thị trường Ấn Độ. Hai hãng hàng đầu thế giới là Adidas và Puma đều có những cơ sở sản xuất lớn, và đang dự kiến sẽ chuyển hướng sang mua nguyên liệu và đặt cơ sở sản xuất ở Ấn Độ.

Ấn Độ cũng đang cố gắng vươn lên sánh vai với Trung Quốc trên thị trường phụ liệu da giày. Nhu cầu loại sản phẩm này trên thị trường thế giới khá cao, song Ấn Độ chưa để lại được ấn tượng lớn trong lĩnh vực này. Ngành da Ấn Độ hầu như vắng mặt ở thị trường phụ kiện thời trang nữ và phụ kiện giày dép. Còn trên thị trường phụ kiện da nam giới thì thiếu vắng những nhãn hiệu lớn. Khách hàng nước ngoài thường vẫn chỉ tìm kiếm nguồn hàng này từ Trung Quốc, trong khi tiềm năng của Ấn Độ không hề thua kém.

Để mở rộng thị phần trên thị trường thế giới, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế hiện nay, Chính phủ Ấn Độ đã dành những ưu đãi đặc biệt cho ngành này. Chính phủ đã thông báo gói kích thích 3250 triệu Rupi dành cho các lĩnh vực da và dệt may. Ngoài ra, từ ngày 1/4/2009, xuất khẩu các sản phẩm da và dệt may từ Ấn Độ sang Liên minh châu Âu và Mỹ sẽ được ưu đãi 2% thuế. Chính sách ưu đãi này sẽ được áp dụng tới hết tháng 9/2009. Đây là 2 thị trường tiêu thụ hàng đầu thế giới.

Với các chính sách ưu đãi và những lợi thế riêng của mình, ngành da giày Ấn Độ sẽ không chịu tác động nhiều từ cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới như những đối thủ cạnh tranh khác.

 

Nguồn: Vinanet