Ngành da thuộc:
Ngành da là một phần quan trọng của nền kinh tế Trung Quốc, có liên quan chặt chẽ với ngành chăn nuôi. Đây cũng là một ngành chế biến tái chế quan trọng. Nếu không có lĩnh vực thuộc da, da sống và da thô của động vật sẽ trở thành nguồn gây ô nhiễm lớn.
Chế biến da là ngành kinh tế cơ bản với lịch sử lâu đời như các ngành dệt may và thực phẩm của Trung Quốc, đáp ứng nhu cầu của đời sống con người. Da thuộc được sử dụng để sản xuất giày dép, quần áo, túi xách và nhiều vật dụng khác phục vụ đời sống con người. Đây cũng là một ngành có vai trò xúc tiến sự phát triển của ngành chăn nuôi, và đem lại thêm thu nhập cho người nông dân.
Hiện ngành da thuộc của Trung Quốc cung cấp việc làm cho 5 triệu người mỗi năm, đó là chưa kể 11 triệu việc làm ở các ngành có liên quan, và có thể tạo thêm 500.000 việclàm mới mỗi năm cho các khu vực nông thôn. Đây không chỉ là ngành giúp giải quyết việc làm cho số lao động dôi dư ở nông thôn, mà còn tăng thu nhập đáng kể cho người dân ở các khu vực này. Ngoài ra, ngành da thuộc có thể tạo thêm thu nhập ngoại tệ 39 tỷ USD mỗi năm cho Trung Quốc, đứng đầu trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ.
Trong 5 tháng đầu năm nay, ngành da của Trung Quốc vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng vững trong 5 tháng đầu nămnay, với tổng trị giá sản lượng của ngành đạt 222,093 tỷ NDT, tăng 6,91% so với cùng kỳ nămngoái, với trị giá bán tăng 7,07% đạt 217,096 tỷ NDT. Tỷ lệ tiêu thụ da trong 5 tháng đầu năm đạt 97,75% sản lượng, tăng 0,15% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, trị giá xuất khẩu giảm 8,14%.
 
Da lông thú:
Sau nhiều năm tăng trưởng liên tiếp, Trung Quốc đã trở thành nước sản xuất và xuất khẩu da lông thú hàng đầu thế giới. Hàng năm, Trung Quốc nhập khẩu 500 – 700 triệu bộ da lông chồn và 200 triệu bộ da lông cáo, chiếm 40% tổng khối lượng mậu dịch da lông thú toàn cầu. Trong mấy năm gần đây, công nghệ chế biến da lông thú ở Trung Quốc đã vươn lên hàng đầu thế giới, và ngành này vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng không ngừng.
Trung Quốc có lịch sử và kinh nghiệm lâu đời về chăn nuôi thú lấy lông. Hiện ở Trung Quốc có hàng ngàn trang trại nuôi thú lấy lông, với số lượng chồn vào khoảng 20 triệu con, số lượng cáo khoảng 12 triệu con và thỏ khoảng 5 triệu con. Tuy nhiên, cho tới nay, việc nuôi thú lấy lông ở Trung Quốc mới chỉ tập trung vào số lượng, chưa đạt chất lượng đồng đều.
 
Giày dép:
Xuất khẩu giày dép đứng ở vị trí thứ 2 về trị giá sản phẩm công nghiệp nhẹ xuất khẩu của Trung Quốc. Mặt hàng giày dép hiện là một trong những nguồn thu ngoại tệ chính của Trung Quốc. Hiện nay, Trung Quốc đang dẫn đầu thế giới về sản xuất giày dép với sản lượng hàng năm khoảng 6 tỉ đôi (chiếm ½ tổng sản lượng của cả thế giới). Trên thị trường gia dày xuất khẩu, Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh chính của nhiều quốc gia. Đó là cuộc cạnh tranh không chỉ về giá cả mà cả chất lượng sản phẩm.
Với ưu thế sản phẩm có giá thành rẻ, mẫu mã đẹp, mặt hàng giày dép đã có một vị thế lớn trên thị trường quốc tế. Mặc dù vậy, xuất khẩu hàng giày dép của Trung Quốc cũng đang trong xu hướng sụt giảm chung do suy thoái kinh tế toàn cầu. Theo số liệu thống kê của hải quan Trung Quốc, kim ngạch xuất khẩu giày dép của nước này 4 tháng đầu năm đạt 8,35 tỉ USD, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong tháng 4 cũng chỉ tăng 3,8% so với tháng trước, đạt trên 2,06 tỉ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang các thị trường lớn đều sụt giảm như sang Mỹ giảm 0,5%, sang Nhật Bản giảm 0,6%, sang Nga giảm 1,2%...
Hiện nay, xuất khẩu giày dép của Trung Quốc sang thị trường Mỹ phải đáp ứng những quy định chặt chẽ về độ an toàn sản phẩm. Theo đạo luật mới về an toàn sản phẩm tiêu dùng có 4 sửa đổi về quy định đối với giày dép trẻ em: giới hạn mức chì và phthalate ở giày dép trẻ em, có qua kiểm tra và xác nhận của bên thứ 3; quy định về nhãn mác trong sản phẩm và những hình phạt nếu vi phạm những quy định này. Xuất khẩu giày dép trẻ em của Trung Quốc sang Mỹ phải tuân thủ những quy định chặt chẽ trong đạo luật mới này. Kể từ khi áp dụng đạo luật sửa đổi này, đã có 2 trường hợp vi phạm liên quan tới giày dép Trung Quốc, do có khả năng gây hại sức khoẻ trẻ em. Tại EU, sản phẩm giày dép của Trung Quốc cũng vi phạm an toàn sức khoẻ. Các doanh nghiệp Việt Nam cần tranh thủ cơ hội này nhằm gia tăng thị phần giày dép tại các thị trường lớn trên.
 
 

Nguồn: Vinanet