Dù kinh tế khó khăn, tăng trưởng của ngành sữa Việt Nam vẫn đạt ở mức cao và sức khỏe là một trong những quan ngại hàng đầu của người Việt Nam.
Theo kết quả nghiên cứu của công ty Nielsen công bố hôm nay 16/5, trong 12 tháng tính đến tháng 3/2013, tốc độ tăng trưởng sản lượng của ngành hàng tiêu dùng (trừ bia) tăng 11% so với cùng kỳ năm trước, và tăng 15% về doanh thu.
Trong đó, tăng trưởng sản lượng của sản phẩm chế biến từ sữa tăng 19% so với một năm trước, và tăng trưởng 22% về doanh thu. Ông Vaughan Ryan, Tổng giám đốc Nielsen Việt Nam, cho biết, đây là con số ấn tượng, cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đang ngày càng quan tâm đến các sản phẩm bảo vệ sức khỏe hơn dù kinh tế vẫn còn nhiều bất ổn.
Ngoài ra, sản lượng của sữa uống liền trong 12 tháng qua tính đến tháng 3/2013 tăng 24% so với năm trước, nước uống đóng chai tăng 17%, nước uống thể thao tăng 127%, và thực phẩm/thức uống bổ dưỡng tăng 46%.
Kết quả nghiên cứu chi tiết tại 6 thành phố lớn do Nielsen thực hiện cho thấy, vai trò của sức khỏe và dinh dưỡng tại Việt Nam vẫn còn khá cơ bản so với hầu hết các nước trong khu vực. Cụ thể, người Việt Nam vẫn còn nhận thức đơn giản về ăn uống lành mạnh, với 94% người tiêu dùng được hỏi cho rằng thức ăn cần phải an toàn/sạch sẽ, 91% khác cho rằng thức ăn cần phải tươi.
Người tiêu dùng Việt Nam nhận thức các thực phẩm lành mạnh là sữa (90%), dầu ăn ít cholesterol (73%), thực phẩm tự nhiên (63%) và một vài chế phẩm từ sữa khác.
Gần 34% người tiêu dùng được hỏi cho biết họ không tự tin vào tình trạng sức khỏe của họ và 48% thấy họ vẫn chưa vừa cân, mặc dù Tổ chức Y Tế Thế Giới (WHO) đánh giá Việt Nam là một trong những nước có ít dân số béo phì nhất (chỉ chiếm 10,2% tổng dân số).
Theo nghiên cứu của Nielsen, việc cung cấp đầy đủ thành phần chất dinh dưỡng là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự nổi bật của thương hiệu trong bối cảnh hiện nay. Các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định mua hàng bao gồm đầy đủ các chất dinh dưỡng (36%), giảm nguy cơ bệnh (25%), giá cả phải chăng (23%) và một số yếu tố khác.
Nhãn mác về thành phần dinh dưỡng cũng đóng vai trò quan trọng, khi 64% người được hỏi đều đọc nhãn sản phẩm và 67% hiểu được các nhãn đó, trong khi gần 68% tin vào nội dung nhãn.
TBKTSG