THƯƠNG MẠI THỦY SẢN - Số 181+182 | Tháng 1+2/2015

Ảnh hưởng của hội chứng tôm chết sớm (EMS), EU ngừng áp dụng hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP), giá tôm thấp và cáo buộc lạm dụng lao động trong ngành thủy sản là những thách thức không nhỏ đối với ngành tôm Thái Lan trong năm 2014. Dự báo năm nay sản lượng tôm nuôi của nước này chỉ đạt khoảng 200.000 tấn, giảm hơn một nửa so với mức 500.000 – 600.000 tấn trong giải đoạn trước năm 2012.

Ngành tôm Thái Lan đã chuyển đổi hoàn toàn từ nuôi tôm sú sang tôm chân trắng chỉ trong ba năm, điều mà Chủ tịch Hiệp hội Tôm Thái Lan (TSA) Somsak Paneetatyasai gọi là “hiện tượng” ở Thái Lan. Trước đây, khi nuôi tôm sú, Thái Lan gặp khó khăn về con giống do không thể gia hóa được tôm bố mẹ không bị dịch bệnh. Sản lượng nuôi vì vậy giảm dần.

Vào thời điểm đó, Charoen Pokphand Foods (CPF) mang tôm chân trắng vào Thái Lan. Đây là công ty đầu tiên của Thái Lan NK tôm chân trắng bố mẹ và nuôi thành công loài này với mật độ thả nuôi cao, hệ số thức ăn FCR thấp và tốc độ tăng trưởng nhanh. Người nuôi cũng ít gặp khó khăn vào thời điểm chuyển từ nuôi tôm sú sang tôm chân trắng, giúp sản lượng tôm của Thái Lan tăng trở lại trước khi sụt giảm mạnh từ năm 2013.

Sự bùng phát của EMS

Dịch bệnh EMS xảy ra ở khu vực Đông Thái Lan từ cuối 2012, sau đó lan rộng ra khu vực nuôi thủy sản ở miền Nam nước này.

Trước năm 2012, Thái Lan có khoảng 30.000 trại nuôi tôm với sản lượng hàng năm đạt 600.000 tấn. Tuy nhiên, sự bùng phát EMS đã khiến số lượng trại nuôi giảm một nửa và sản lượng giảm mạnh chỉ còn khoảng 270.000 tấn vào năm ngoái. Sản lượng ước sẽ đạt 200.000 tấn trong năm nay do người nuôi vẫn chưa sẵn sàng thả nuôi do chưa thể kiểm soát triệt để dịch bệnh. Tuy nhiên, nhờ một số biện pháp đối phó EMS, tỷ lệ thả nuôi đang tăng dần kể từ Quý 3 năm nay.

Trong đó, biện pháp phổ biến nhất là chuẩn bị thêm ao ương trước khi thả tôm giống trong giai đoạn đầu vào ao nuôi thương phẩm, đồng thời không thả trực tiếp vào ao nuôi thương phẩm như trước, người nuôi phải chuẩn bị thêm ao ương để ương tôm trong khoảng một tháng nhằm giúp tôm giống khỏe hơn và tăng sức đề kháng với dịch bệnh trước khi thả vào ao nuôi thương phẩm. Với mô hình này, tôm có tỷ lệ sống cao hơn, nhờ đó ngày càng nhiều người nuôi đang cố gắng nuôi tôm trở lại.

EU ngừng áp dụng GSP đối với tôm Thái Lan

Do EU ngừng áp dụng GSP, từ 1/1/2014, thuế suất đối với tôm chế biến của Thái Lan NK vào EU đã tăng từ 7% lên 20%, từ 1/1/2015, các sản phẩm tôm đông lạnh sẽ chịu mức thuế 12% thay vì 4% như trước. Do đó, kim ngạch XK tôm của Thái Lan sang EU có thể giảm 5% trong cơ cấu XK tôm của nước này.

“EU là thị trường quan trọng đối với tôm Thái Lan, chiếm khoảng 50% tổng giá trị XK tôm của Thái Lan. Nếu chúng tôi bán tôm sang Mỹ nhiều hơn, chúng tôi sẽ gây áp lực với thị trường này. Do đó, chúng tôi đã cố gắng làm việc cùng Chính phủ để dành lại ưu đãi GSP từ EU, nhưng việc đó tốn rất nhiều thời gian – khoảng 7 năm. Với GSP cũ, chúng tôi XK 35.000 tấn tôm sang EU, nhưng khối lượng đã giảm mạnh xuống còn chỉ 5.000 tấn sau khi EU ngừng áp dụng GSP. Tuy nhiên, XK sẽ tăng lên 60.000 tấn khi chúng tôi được hưởng GSP trở lại,” Somsak nói.

Mặc dù GSP có ảnh hưởng quan trọng đối với XK tôm của Thái Lan, nhưng việc đàm phán để được hưởng tiếp GSP lại rất khó khăn vì vậy nước này đang tập trung đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) thay vì dành lại ưu đãi GSP. Nếu Thái Lan có thể đàm phán thành công FTA, tôm XK sang EU sẽ được hưởng mức thuế 0%.

“Lẽ ra chúng tôi có thể kết thúc đàm phán vào năm tới, nhưng vì vấn đề chính trị của Thái Lan trong vài năm gần đây, EU đã tạm dừng đàm phán. Tôi nghĩ đàm phán sẽ kéo dài thêm một năm nữa,” Somsak cho biết.

Giá tôm biến động

Năm nay, người nuôi tôm Thái Lan giảm mật độ thả nuôi để tránh dịch bệnh và tập trung hơn vào sản xuất tôm cỡ nhỏ. Tuy nhiên, các thị trường NK lại tăng nhu cầu tiêu thụ tôm cỡ lớn, khiến giá tôm cỡ nhỏ giảm, ảnh hưởng đến người nuôi.

Một trong những biện pháp hết sức hiệu quả của Chính phủ Thái Lan nhằm đối phó với tình trạng này là triển khai dự án PLUDT. Theo đó, khi giá tôm thấp, người nuôi sẽ mang tôm đến kho lạnh do Chính phủ quản lý. Khi giá tăng trở lại, họ sẽ đến nhận lại tôm và bán ở mức giá cao hơn. Dù kho lạnh chỉ có dung tích 10.000 tấn, bằng khoảng 2% tổng sản lượng tôm của Thái Lan, PLUDT được xem là dự án thành công với hiệu ứng giá tôm tăng ngay khi Chính phủ tuyên bố dự án. “Dự án chỉ quản lý được 10.000 tấn tôm, nhưng nó đã khiến hàng trăm nghìn tấn tôm tăng giá. Thực sự là rất nhạy cảm,” Somsak cho biết.

Chính phủ Thái chọn các nhà chế biến phân bố theo các khu vực để tham gia vào dự án. PLUDT thiết lập mức giá mục tiêu hay giá cố định mà người nuôi sẽ bán tôm cho các nhà chế biến trong dự án. Ví dụ, năm năm trước, khi tôm cỡ 70 con/kg giảm xuống còn 95 bạt/kg, người nuôi bị ảnh hưởng nặng nề. Dự án PLUDT khi đó cùng với người nuôi và các nhà chế biến đã ấn định mức giá mới cho tôm cỡ này là 125 bạt/kg để có thể đủ bù đắp được chi phí sản xuất. Tương tự, mức giá cho tôm cỡ 80 con/kg, 60 con/kg và 50 con/kg lần lượt là 115 bạt/kg, 135 bạt/kg và 150 bạt/kg. Người nuôi cảm thấy hài lòng khi bán tôm với các mức giá như vậy.

Đến nay, dự án PLUDT đã được triển khai 5-6 lần ở Thái Lan.

Cáo buộc lạm dụng lao động trong ngành thủy sản

Tháng 6 vừa qua, ngay sau khi tờ Guardian của Anh đưa tin về việc tàu khai thác thủy sản của Thái Lan – chuyên cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến bột cá, trong đó có CPF – sử dụng lao động bất hợp pháp, Tập đoàn bán lẻ Carefour đã tuyên bố tạm ngừng mua hàng từ CPF cho đến khi sự việc được làm sáng tỏ.

Sau một tuần tranh cãi về lạm dụng lao động trong ngành thủy sản Thái Lan, nước này đã phản đối nghị định thư chống lạm dụng lao động của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) gây sốc và phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế.

Tuy nhiên, nghị định thư này sau đó đã được thông qua tại hội nghị ILO ở Geneva, Thụy Sĩ với 437 phiếu thuận, 27 phiếu trắng, và tám phiếu phản đối. Bốn trong số đó là từ Thái Lan.

Ngoài vấn đề lạm dụng lao động, việc bị hạ bậc trong báo cáo về nạn buôn người của Mỹ công bố vào tháng 6 vừa qua cũng tác động không nhỏ tới XK tôm của Thái Lan, đặc biệt là XK sang Mỹ.

Tuy nhiên, yếu tố gây ảnh hưởng nặng nề nhất đối với ngành tôm Thái Lan trong năm 2014 là dịch bệnh EMS, khiến các nhà chế biến trong nước lao đao do thiếu nguồn nguyên liệu. Bên cạnh việc chuyển hướng sang sản xuất nhiều mặt hàng GTGT hơn, nước này vẫn phải tăng cường NK tôm nguyên liệu để bù đắp cho nguồn cung thiếu hụt trong nước. Ước tính Thái Lan cần NK khoảng 40.000 tấn tôm trong năm nay.

Nguồn: vietfish.org