Hội nghị toàn quốc về thị trường phân bón trong nước, thế giới và dự báo năm 2008-2009 đã diễn ra tại thành phố Hồ Chí Minh.

Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho biết: từ năm 2007 đến tháng 9/2008, các loại phân bón như: urê, DAP, kali...lần đầu tiên suốt 35 năm qua đồng loạt tăng giá liên tục và vẫn chưa có dấu hiệu hạ giá. Hiện cả nước có hơn 200 tổng công ty, công ty, xí nghiệp, cơ sở sản xuất phân bón. Trong đó, nhiều cơ sở sản xuất phân bón quy mô nhỏ, với thiết bị công cụ thô sơ, lợi dụng thị trường biến động giá phân bón tăng cao, đã sản xuất phân giả, phân kém chất lượng bán ra thị trường với giá rẻ. Tuy khối lượng phân bón kém chất lượng không vượt quá 5% tổng lượng phân bón đang sử dụng nhưng đã gây ra thiệt hại cho người nông dân, làm ảnh hưởng tới sản xuất nông nghiệp và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh của thị trường phân bón trong nước.

Theo thống kê chưa đầy đủ, tính đến ngày 30/8/2008, cả nước đã có 61 cơ sở, công ty sản xuất phân NPK, phân hữu cơ, phân nhái nhãn mác và phân nhập khẩu kém chất lượng. Trong khi đó, cơ quan quản lý thị trường và cơ quan kiểm định chất lượng tuy đã hoạt động tích cực nhưng vì diện quá rộng, cộng với việc chế tài và hiệu lực pháp lý của nghị định 191/NĐ-CP ngày 31/12/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý sản xuất, nhập khẩu, kinh doanh phân bón còn mang tính chất hành chính chưa đủ sức răn đe, nên tình hình sản xuất phân bón kém chất lượng, phân bón giả, phân bón nhái nhãn mác vẫn đang phát triển mạnh.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, ngoài các cơ sở sản xuất phân bón qui mô nhỏ, còn có những cơ sở làm ăn gian dối, không chú trọng đến xây dựng thương hiệu, kinh doanh theo kiểu chụp giựt, sản xuất trong thời gian ngắn, làm hàng giả, hàng kém chất lượng rồi giải thể và thành lập lại doanh nghiệp khác. Trong 8 tháng đầu năm 2008, các Chi cục Quản lý thị trường đã kiểm tra phát hiện và xử lý trên 200 vụ vi phạm chủ yếu là chất lượng, số lượng phân bón các loại bị tạm giữ và xử lý hơn 2.000 tấn. Qua kiểm tra, lấy mẫu đi giám định của các cơ quan chức năng thuộc các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Tây Ninh cho thấy có tới 40-50% số mẫu có chất lượng thấp hơn mức đã công bố. Chi cục Quản lý thị trường Vĩnh Long lấy 7 mẫu đưa đi giám định thì cả 7 mẫu đều kém chất lượng. Cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng, đã kiểm tra lấy 250 mẫu của 54 công ty sản xuất phân bón, trong đó có 9 công ty nhập khẩu, kết quả 92/250 mẫu (tỷ lệ 36,8%) không đạt chất lượng.

Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho rằng việc quản lý, điều hành giá, triển khai các biện pháp bình ổn giá phân bón trong thời gian qua còn những bất cập như: lúc thì cung lớn hơn cầu, khi thì cầu lớn hơn cung tạo nên giá phân bón “nóng, lạnh” bất thường. Tình trạng nhập khẩu phân bón về rồi lại xuất ngược phân bón ra nước ngoài, điều này cũng thể hiện rõ sự lúng túng trong điều hành vĩ mô về thị trường phân bón.

Tại hội nghị, nhiều Bộ, ngành liên quan đã đưa ra các giải pháp về quản lý chất lượng và tăng hiệu suất sử dụng phân bón để góp phần làm trong sạch thị trường phân bón như: Cần thiết phải xây dựng khung pháp lý về phân bón, đưa phân bón vào nhóm mặt hàng sản xuất kinh doanh có điều kiện để tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát từ khâu sản xuất đến nhập khẩu. Bên cạnh đó, cần thống nhất về công tác quản lý chất lượng phân bón từ trung ương đến địa phương, giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm chính đối với công tác kiểm tra chất lượng phân bón, tránh sự chồng chéo dẫn đến hiệu lực quản lý không cao như hiện nay. Đầu tư trang thiết bị hiện đại, bảo đảm phân tích nhanh, chính xác, khách quan tất cả các chỉ tiêu về dinh dưỡng đa, trung, vi lượng, đặc biệt chất độc có trong phân bón; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng; đồng thời khuyến cao, hướng dẫn nông dân sử dụng phân bón tiết kiệm thông qua việc tăng hiệu suất sử dụng phân bón cần thiết để giảm lượng phân nhập khẩu, hạn chế nhập siêu, góp phần vào việc chống lạm phát, giảm chi phí sản xuất và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường./.

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam