Dẫn nguồn Đại Đoàn Kết, thời gian qua, mặc dù cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát tình trạng sản xuất, kinh doanh nhưng trên thị trường vẫn tràn ngập phân bón giả, kém chất lượng.

Từ báo cáo của Bộ Công thương cho biết, hàng năm ngành này đều tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành các cơ sở sản xuất phân bón vô cơ. Qua kiểm tra, các vi phạm chủ yếu liên quan đến ghi nhãn phân bón, chất lượng kém, quá hạn sử dụng, phân bón giả... Có khoảng trên 50% số mẫu phân bón NPK có mức sai số lớn hơn mức sai số quy định.

Đại diện của Cục Trồng trọt còn cụ thể các hình thức vi phạm: điều kiện sản xuất không đạt (máy móc lạc hậu, không có phòng kiểm nghiệm...); vi phạm nhiều nhất là vi phạm về công bố tiêu chuẩn chất lượng; nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh không có giấy phép sản xuất. Các địa phương có tỉ lệ phân bón giả cao là An Giang 63,6%, Long An 55,5%, Tiền Giang 48%, Vĩnh Long 37%... Ví dụ như phân con én HP hàm lượng ghi trên bao bì N 2,5%, P 0,7%, K 1,5%, giá bán 4.000 đ/kg; phân bón Cty Sơn Trang dòng sản phẩm Nam Kinh ghi can xi 5%, đạm 0,8%, lân 0,8%, giá bán 4.400 đ/kg…. Nếu so sánh đối chiếu, thành phần và tỷ lệ tiêu chuẩn quá thấp. Tuy nhiên, việc phát hiện phân bón giả chỉ được kiểm chứng sau khi đã bón xuống ruộng. Nếu mua nhầm phân bón kém chất lượng thì mỗi mùa vụ, người nông dân mất đi vài trăm ngàn, nếu nhân con số này với 1ha lúa, vị chi chi phí đội lên cả triệu đồng.

Theo phân tích của các chuyên gia, phân bón giả không chỉ làm nông dân "tiền mất, tật mang” như: Giảm năng suất, ảnh hưởng đến cây trồng, mà còn gieo vào lòng đất những tạp chất "phụ gia” khiến làm hư rễ, vàng lá, rụng trái, chết cây…

Nguyên liệu chính được sử dụng làm phân bón là bột đá. Chỉ cần rắc lên đó bột nhuộm màu sau đó trộn đều, bột đá được "phù phép” không khác gì phân kali chính hãng. Trước đây, các đối tượng làm giả phân kali dùng gạch, ngói nghiền nhỏ rồi trộn vào bột đá. Để sản phẩm giống thật hơn, họ trộn thêm một lượng muối nhằm tạo màu và kết dính. Tuy nhiên hiện nay chất nhuộm màu cho bột đá được sử dụng có khả năng kết dính rất tốt (khi dính vào quần áo không thể giặt sạch dù dùng chất tẩy) nên càng khó phân biệt phân bón thật và giả.

Thực trạng là vậy nhưng công tác giám sát, quản lý hiện nay còn rất lỏng lẻo. Trong lúc lực lượng thanh tra chuyên ngành rất mỏng (5-7 người/tỉnh) và lực lượng này ở địa phương cũn quá mờ nhạt.

Việc dẹp hẳn hàng nhái, hàng giả phân bón rất khó bởi nhiều nguyên nhân trong đó một nguyên nhân chính là do có quá nhiều đại lý buôn bán nhỏ, lẻ.

Nguồn: Vinanet