Phân bón sản xuất trong nước sẽ dư khoảng 30%, giá phân bón thế giới tiếp tục giảm sâu. Các doanh nghiệp (DN) sản xuất phân bón phải đối mặt với tình trạng này và giải bài toán chi phí sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh.

Phân bón thế giới tiếp tục giảm giá

Theo Bộ Công Thương, 6 tháng đầu năm 2014, ước sản lượng phân đạm urê đạt 1.133,6 nghìn tấn, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2013; phân NPK ước đạt 1.244,7 nghìn tấn, tăng 1,7% so với cùng kỳ; phân lân (Tập đoàn Hóa chất Việt Nam) ước đạt 818,5 nghìn tấn, tăng 0,3%. Nhập khẩu phân bón 6 tháng đầu năm 2014 giảm 13,2% về số lượng và giảm 32,7% về trị giá.

Dự báo trong thời gian tới, nguồn cung phân bón sẽ tiếp tục dồi dào, giá ure tiếp tục ổn định. Thị trường phân bón urê thế giới sẽ được bổ sung mạnh từ Trung Quốc. Bởi bắt đầu từ 1/7 này, Trung Quốc áp dụng mức thuế xuất khẩu urê thấp. Trong khi đó, ở trong nước năng lực sản xuất của các nhà mày phân bón vẫn tiếp tục tăng. Ngoài năng lực sản xuất hơn 2 triệu tấn hiện có, Dự án mở rộng Nhà máy Đạm Hà Bắc dự kiến hoàn thành trong cuối năm 2014, tiếp tục tăng thêm 500.000 tấn phân đạm nữa, dự kiến nguồn cung urê trong nước sẽ dư khoảng 30%. 

Cũng theo ghi nhận thì từ đầu năm đến nay, giá phân bón thế giới có xu hướng giảm dần do nguồn cung dồi dào. Tại thời điểm tháng 4/2014, giá chào bán phân đạm tại Ukraine là 310-316 USD/tấn; giá tại Trung Quốc là 295-307 USD/tấn. Mức giá này giảm 30-40 USD/tấn so với đầu năm và giảm 80-110 USD/tấn so với cùng kỳ năm 2013. Trong đó giảm mạnh nhất là giá phân bón tại Trung Quốc.

Nhận định về giá cả thị trường urê thế giới, ông Nguyễn Hạc Thúy - Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam cho rằng, tình trạng cung vượt cầu đối với mặt hàng phân đạm ở Trung Quốc có thể kéo dài tới năm 2017. Theo thống kê của Bộ Công Thương, trong tổng số 800 nghìn tấn đạm nhập khẩu năm 2013 thì có tới 731 nghìn tấn được nhập từ thị trường này.

Giải bài toán giá thành

Chính vì lượng nhập khẩu phân bón quá lớn nên để giảm áp lực cho các DN phân đạm trong nước, Bộ Công Thương đã xem xét đến các biện pháp tạm dừng nhập khẩu tiểu ngạch. Tuy nhiên, cần nhìn nhận thẳng thắn và lâu dài, vấn đề của tình trạng phân bón hiện nay nằm ở hiệu quả chứ không phải là việc nhập khẩu dư thừa. Chính các DN sản xuất phân bón trong nước phải tự giải bài toán này.

Thực tế, với giá hiện tại chỉ khoảng 290 USD/tấn như hiện nay, khi nhập về tới Việt Nam, giá urê từ Trung Quốc chỉ dao động ở mức 6.000- 6.500 đồng/kg, trong khi giá urê của các nhà máy trong nước vẫn dao động ở mức từ 7.500 đồng đến 8.000 đồng/kg. Mức giá phân urê Trung Quốc rõ ràng có chênh lệch lớn so với giá urê sản xuất trong nước. Chỉ có đạm Ninh Bình là bán thấp hơn, xấp xỉ khoảng 7.000 đồng hoặc nhỉnh hơn đôi chút. Tuy nhiên, xem xét bảng chi phí sản xuất phân đạm ở Nhà máy đạm Ninh Bình cho thấy, chi phí khấu hao chiếm tỷ trọng lớn trong giá thành sản phẩm. Chi phí về than để sản xuất đạm tại đây cũng cao hơn nhiều so với các tính toán trong dự án đầu tư trình Chính phủ vào tháng 2/2007. Trong khi đó, tại Nhà máy Đạm Phú Mỹ và Đạm Cà Mau, từ tháng 4/2014 vừa qua giá khí đầu vào cũng đã được điều chỉnh tăng 12% so với mức giá cũ.

Với mức giá này, rõ ràng các nhà máy đạm trong nước sẽ khó cạnh tranh được với nguồn đạm từ Trung Quốc. Chính vì thế, lượng tồn kho urê trong nước càng tăng cao. Ghi nhận đến hết tháng 4/2014, tồn kho phân đạm của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam vào khoảng 130 nghìn tấn. Trong khi đó, chỉ khoảng 2 tháng nữa, dây chuyền mở rộng sản xuất của Nhà máy Đạm Hà Bắc đi vào vận hành thì nguồn cung phân đạm năm 2014 sẽ tăng thêm 500 nghìn tấn nữa.

Hơn lúc nào hết, các DN sản xuất phân bón trong nước phải xem xét lại bài toán sản xuất để giảm giá thành để có thể cạnh tranh được với hàng nhập khẩu.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử

Nguồn: Vinanet