Theo đó, tổng vốn đầu tư cho phát triển ngành sản xuất thiết bị điện trong giai đoạn 2006-2010 ước tính khoảng 43 nghìn tỷ đồng, trong giai đoạn 2011-2015 khoảng 136 nghìn tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư chủ yếu là trong nước, kết hợp huy động từ các nguồn vốn tự có, vốn vay ưu đãi (đối với các sản phẩm ưu tiên và khuyến khích phát triển), vốn vay thương mại, trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu công trình, ngoài ra cần kêu gọi thu hút các nguồn vốn đầu tư nước ngoài.
Quan điểm phát triển ngành sản xuất thiết bị điện là phải phù hợp với Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 và Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2006-2015, có xét đến 2025; phát triển phải ổn định, bền vững, đầu tư các công nghệ, thiết bị hiện đại, giảm tiêu hao nguyên liệu, nhiên liệu, năng lượng để sản xuất các sản phẩm có hiệu suất sử dụng năng lượng cao, thân thiện môi trường và gắn kết chặt chẽ công nghiệp sản xuất thiết bị điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội với phục vụ quốc phòng.
Mục tiêu phát triển của ngành sản xuất thiết bị điện giai đoạn đến năm 2010 tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất đạt khoảng 19-20%/năm và giai đoạn 2011- 2015 đạt khoảng 17-18% /năm. Đến năm 2010, ngành phấn đấu đáp ứng 60% nhu cầu trong nước về các loại thiết bị đường dây điện và trạm biến áp, nâng dần tỷ lệ này lên trên 70% vào năm 2015. Đến năm 2015 ngành sẽ đáp ứng 55% nhu cầu trong nước về các loại động cơ điện và một số chủng loại máy phát điện thông dụng. Mục tiêu đến năm 2015, ngành sản xuất thiết bị điện Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực về công nghệ sản xuất máy biến thế, động cơ điện máy phát điện, khí cụ điện trung và cao thế, dây và cáp điện phục vụ trong nước và xuất khẩu; tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành dự kiến đạt 18%/năm vào giai đoạn 2011-2015, đạt 15%/năm vào giai đoạn 2016-2025. Đến năm 2025, Việt Nam có thể sản xuất và cung ứng trọn bộ thiết bị điện trong các công trình đường dây điện và trạm biến áp.
Định hướng phát triển của ngành trong giai đoạn quy hoạch là đầu tư mới, đầu tư chiều sâu với công nghệ tiên tiến để phát triển sản xuất các sản phẩm đang có thế mạnh, nâng cao năng lực chế tạo, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm của các doanh nghiệp; khuyến khích đầu tư sản xuất các sản phẩm thay thế nhập khẩu có hiệu quả kinh tế và đẩy mạnh xuất khẩu ra khu vực và thế giới; khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành, đa dạng hoá phương thức đầu tư trong hợp tác nghiên cứu triển khai, chuyển giao công nghệ; liên doanh, liên kết sản xuất, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm; chú trọng công tác nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm mới, sản phẩm chất lượng cao; tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các ngành và các lĩnh vực liên quan, khai thác tối đa năng lực của các ngành hỗ trợ trong nghiên cứu, thiết kế, sản xuất các hệ thống thiết bị phục vụ ngành điện.
(Bộ Công Thương)

Nguồn: Vinanet