Cuộc khủng hoảng trên thị trường tài chính đang ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế thế giới. Từ Nhật Bản, châu Âu cho tới Mỹ, tất cả các nhà sản xuất phải chịu chung số phận là sản lượng đều sụt giảm, và đứng trước một tương lai ảm đạm.
Theo các cuộc điều tra tiến hành đối với khu vực sản xuất trong tháng 9/08, tình hình đang xuống dốc một cách đáng lo ngại. Chỉ có một điểm sáng duy nhất trong bức tranh ngành sản xuất công nghiệp toàn cầu đó là Trung Quốc, với các hoạt động sản xuất đã tăng trở lại trong tháng 9 vừa qua.
Cuộc điều tra tại Nhật, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cho thấy niềm tin của các nhà sản xuất lớn nước này tiếp tục suy giảm. Tại Anh, tình hình cũng tương tự mặc dù đồng bảng Anh đã giảm 15% giá trị trong năm qua. Theo ông Ben Broadbent thuộc Goldman Sachs, việc đồng bảng Anh giảm giá đã giúp giảm bớt gánh nặng cho các nhà sản xuất nước này, nhưng cũng không đủ để phục hồi năng suất sản xuất. Các nhà kinh tế tại khu tài chính Luân Đôn dự đoán có thể ngân hàng trung ương Anh sẽ phải xem xét hạ lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới như là một giải pháp để thúc đẩy sản xuất.
Tại Mỹ, theo điều tra của Viện quản lý cung (ISM), sản xuất công nghiệp cũng đang suy giảm với tốc độ nhanh nhất kể từ năm 2001 đến nay. Chủ tịch IMS Norbert Ore cho biết các hoạt động sản xuất sụt giảm mạnh hơn trong tháng 9/08, làm lu mờ triển vọng của toàn bộ ngành sản xuất công nghiệp Mỹ. Vào năm 2001, trước tình trạng sản xuất công nghiệp bất ngờ sụt giảm, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang lúc bấy giờ là Alan Greenspan đã phải cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm để cứu vãn tình hình.

Nguồn: Internet