Theo Bộ Công Thương, tính chung 5 tháng, sản xuất phân bón tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể: phân đạm urê tăng 39%; phân lân tăng 0,6%; phân DAP tăng 39,3%, riêng phân NPK giảm 20,4%.

Hiện nay đang vào vụ hè thu nên nhu cầu sử dụng phân bón khá cao, nhất là tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Tại Đông Nam bộ và Tây Nguyên, nhu cầu phân bón tăng để phục vụ bón phân cho cây cà phê và cao su.
Mặc dù nhu cầu sử dụng phân bón tăng nhưng do nguồn cung dồi dào nên giá phân bón ổn định, không có sự sốt giá và mua hàng cho nhu cầu dự trữ như cùng kỳ năm trước, riêng giá urê vẫn ở mức cao.
Tuy nhiên, Bộ Công Thương đưa ra dự báo trong thời gian tới, thị trường phân bón trong nước sẽ có biến động do ảnh hưởng bởi sự biến động của thị trường phân bón quốc tế. Các thị trường lớn như Ấn độ, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng giá nhiều loại phân bón (đặc biệt là urê phục vụ cho sản xuất nông nghiệp). Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ thực hiện chính sách không khuyến khích xuất khẩu phân bón.

Một số doanh nghiệp trong ngành cho biết, hiện nay tình trạng phân bón giả, kém chất lượng gây ảnh hưởng đáng kể đến tình hình tiêu thụ phân bón của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì vậy, các ngành chức năng cần tăng cường công tác quản lý thị trường, chống hiện tượng đầu cơ tích trữ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; thực hiện việc niêm yết giá và bán hàng theo giá niêm yết tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Nguồn:  Tamnhin.net

 

Nguồn: Vinanet