Tổng thâm hụt tài khoản vãng lai của Mỹ trong cả năm 2007 đứng ở mức 738,64 tỷ USD, giảm 9% so với mức cao kỷ lục 811,5 tỷ USD năm 2006, và chiếm khoảng 5,3% GDP (giảm so với mức 6,2% năm 2006). Trong đó, mức thâm hụt trong quý IV/07 đã giảm tới 2,5% xuống 172,94 tỷ USD so với mức 177,4 USD của quý trước đó. Như vậy, trung bình mỗi ngày nước Mỹ vẫn phải vay khoảng 2 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa.
Trong năm 2007, Mỹ bị thâm hụt 708,52 tỷ USD trong xuất nhập khẩu hàng hoá và dịch vụ, giảm 6,6% so với năm trước đó. Trong đó, thâm hụt thương mại hàng hoá giảm 2,7% xuống 815,37 tỷ USD, còn thương mại dịch vụ lại thặng dư 106,85 tỷ USD, tăng 3,4%.
Sự cải thiện trong cán cân tài khoản vãng lai của Mỹ đạt được nhờ sự co lại trong thâm hụt thương mại, bắt nguồn từ sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu được thúc đẩy bởi đồng USD yếu. Năm 2007, tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ đạt khoảng 1.620 tỷ USD, tăng 12,7% so với năm 2006, trong khi tổng giá trị nhập khẩu tăng 5,9% lên hơn 2.360 tỷ USD.
Cũng trong năm qua, trong quan hệ buôn bán với Trung Quốc, Mỹ bị thâm hụt tới 256,3 tỷ USD -mức thâm hụt lớn nhất của nước này với một bạn hàng nước ngoài. Trong khi đó, thâm hụt thương mại của Mỹ với Nhật Bản lớn thứ 2 ở mức 82,8 tỷ USD, song đã giảm 6,5% so với năm 2006. Thâm hụt buôn bán với đối tác thương mại lớn nhất Canađa cũng giảm 10,6%, chỉ còn 64,2 tỷ USD, trong khi thâm hụt mậu dịch với Mêhicô tăng 15,5%, đạt mức kỷ lục 74,3 tỷ USD.
Do đồng USD giảm giá mạnh so với đồng euro, kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Liên minh châu Âu trong năm 2007 đã tăng mạnh, giúp giảm 7,8% thâm hụt thương mại với khối này xuống 107,4 tỷ USD. Tổng thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ năm 2007 cũng giảm mạnh xuống 163 tỷ USD (chiếm 1,2% GDP), so với 248,2 tỷ USD năm 2006 (chiếm 1,9% GDP); 318 tỷ USD năm 2005 (chiếm 2,6% GDP) và 422 tỷ USD năm 2004 (chiếm 3,6% GDP).

Nguồn: Internet