Sản lượng cá rô phi toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 4,3 triệu tấn/năm trong năm 2010 lên 7,3 triệu tấn/năm vào năm 2030.

Theo ước tính, bên cạnh việc phát triển nuôi cá chép, cá tra và cá da trơn, sản lượng cá rô phi sẽ tăng nhanh, góp phần lớn vào tăng trưởng nuôi trồng thủy sản toàn cầu. Châu Á vẫn là nguồn cung cấp cá rô phi chính, trong đó sản xuất của Trung Quốc đứng đầu. Tuy hạn hán tại Brazil làm giảm 30% sản lượng cá rô phi, nguồn cung cá rô phi tại khu vực Mỹ Latinh cũng sẽ tăng. Mỹ Latinh là 1 trong những vùng sản xuất cá rô phi lớn với sản lượng hàng năm đạt khoảng 22.000 tấn. Trong nửa đầu năm 2014, khoảng 200.000 tấn cá rô phi được XK trên toàn cầu.

Nguồn cung chủ yếu là Trung Quốc với sản phẩm cá rô phi đông lạnh và thị trường lớn nhất là Mỹ. NK cá rô phi tăng tại hầu hết các thị trường.

Trung Quốc

Trong nửa đầu năm 2014, giá trị XK cá rô phi đông lạnh của Trung Quốc tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2013. XK cá rô phi philê đông lạnh, sản phẩm XK chủ lực của Trung Quốc, giảm khoảng 1%. Giá trị XK của mặt hàng cá rô phi đông lạnh tăng 2,8% và giá trị XK cá rô phi tẩm bột tăng 3,9%. Trung Quốc tăng cường XK cá rô phi sang Mỹ do nhu cầu tại thị trường này tăng và giá cũng đang tăng. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng XK cá rô phi sang Trung Đông và các nước Mỹ Latinh.

Mỹ

Cá rô phi tiếp tục là một trong những mặt hàng thủy sản phổ biến nhất tại Mỹ. NK cá rô phi tăng trưởng ổn định ở mức 5% trong nửa đầu năm 2014.

Khối lượng cá rô phi tươi vào Mỹ trong nửa đầu 2014 giảm 4,3% so với cùng kỳ 2013, trong khi giá trị NK tăng nhẹ 0,4%. Honduras là nguồn cung cấp chính cho sản phẩm cá rô phi tươi sang thị trường Mỹ. XK cá rô phi từ Honduras tăng 39%, do các nguồn cung khác cho sản phẩm này là Ecuador và Costa Rica đã chuyển sang nuôi tôm.

NK cá rô phi đông lạnh nguyên con và phi lê trong nửa đầu năm 2014 tăng 6,6% so với cùng thời kỳ. NK cá rô phi đông lạnh giảm 10% do Trung Quốc đang chuyển hướng XK sang thị trường châu Phi. Tai Foong USA (thành phố Seattle, bang Washington, Mỹ) là công ty đầu tiên tại Mỹ bán các sản phẩm cá rô phi có chứng nhận ASC với thương hiệu "Northern Chef". Với chất lượng cao và nhấn mạnh đến trách nhiệm của người nuôi, cá rô phi có chứng nhận ASC là sản phẩm bán chạy nhất trong dòng sản phẩm "Northern Chef".

Cá philê đông lạnh chiếm phần lớn trong cơ cấu các sản phẩm đông lạnh NK vào Mỹ. NK cá rô phi đông lạnh vào Mỹ tăng tăng 13,3% và Trung Quốc vẫn là nguồn cung cá rô phi lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, Mỹ đang tăng NK cá rô phi từ các nguồn khác.

EU

Tiếp tục tăng trưởng so với quý 1/2014, NK cá rô phi phi lê đông lạnh vào EU-28 tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2013, báo hiệu nhu cầu ngày càng tăng. Dù NK từ Trung Quốc giảm 16,2% nhưng Trung Quốc vẫn là nhà cung cấp cá rô phi chính cho thị trường EU. Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Bangladesh, Đài Loan và Costa Rica đã tận dụng việc giảm NK từ Trung Quốc để tìm chỗ đứng trong thị trường EU trong nửa đầu 2014. Việt Nam chiếm 18% (tăng 13,6%) và Indonesia chiếm 14% (tăng 3%) thị phần EU. Nhu cầu tăng một phần do có các sản phẩm được chứng nhận ASC.

Mỹ Latinh

Ở các nước Mỹ Latinh, sản xuất cá rô phi tăng từ đầu năm, làm XK tăng trưởng dương, bù đắp cho việc giá quốc tế giảm. Khu vực này có triển vọng ổn định. Honduras và Costa Rica là nhà cung cấp philê cá rô phi tươi chủ yếu của Mỹ. Trong nửa đầu năm 2014,  Honduras XK 5.300 tấn sang Mỹ và Costa Rica cung cấp 2.900 tấn sang thị trường này. trong nửa đầu của năm 2014. XK từ Ecuador giảm 56% so với cùng kỳ năm 2013 do nông dân chuyển từ nuôi cá rô phi sang nuôi tôm. Các sản phẩm giá trị gia tăng được sản xuất nhiều thêm, tăng nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng.

Cá rô phi sản xuất trong khu vực dành cho tiêu thụ trong nước nhiều hơn XK. Các dự án sản xuất quy mô vừa và nhỏ được hỗ trợ để đáp ứng nhu cầu của thị trường trong nước cũng như thay thế hoặc bổ sung cho các loài thủy sản truyền thống. Bất chấp những nỗ lực này, người tiêu dùng ở khu vực Mỹ Latinh tiếp tục quan tâm đến giá hơn là chất lượng. Điều đáng nói là các nhà sản xuất quy mô vừa và nhỏ không có các biện pháp đảm bảo chất lượng sản phẩm cho các thị trường XK. XK đang bị chi phối bởi các nhà sản xuất lớn.

Giá cá rô phi tại các nước duy trì mức ổn định.Tại Honduras, cá rô phi nguyên con có giá bán buôn trong khoảng 1,43- 2,00 USD tại Guatemala, sản phẩm này có giá 1,15 -1,41 USD.

Châu Á

Indonesia là nước XK cá rô phi philê đông lạnh lớn thứ 2 thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Theo số liệu thống kê quốc gia của nước này, so với cùng kỳ năm 2013, XK cá rô phi của Indonesia tăng 22% trong nửa đầu năm 2014. Mỹ tiêu thụ 60% tổng lượng cá rô phi XK của Indonesia. Đài Loan XK 11.391 tấn cá rô phi nguyên con đông lạnh trong nửa đầu của năm 2014. Gần 53% lượng cá rô phi này được XK sang Mỹ. Trung Đông cũng là một thị trường quan trọng đối với cá rô phi Đài Loan.

NK cá rô phi của các nước châu Á khá khiêm tốn do các nước tập trung vào phục vụ nhu cầu trong nước. Trong nửa đầu 2014, tổng NK vào Singapore, Malaysia, Hồng Kông, Hàn Quốc và Nhật Bản đạt khoảng 2.000 tấn. Cá rô phi NK vào Nhật Bản chủ yếu là loại có chất lượng để làm sashimi. Loại sản phẩm này phần lớn có xuất xứ từ Đài Loan. Nhật Bản cũng có hàng NK từ Philippines, chủ yếu hướng đến cộng đồng người Philippines ở Nhật Bản. Gần đây, các thị trường như Iran, Ukraine và Kazakhstan cũng NK cá rô phi đông lạnh.

Ghana

Ghana ban hành lệnh cấm NK cá rô phi nhằm xây dựng ngành sản xuất trong nước thực sự lớn mạnh, thúc đẩy tăng trưởng trong nuôi trồng thủy sản tại quốc gia này. Ghana hiện đang phải đối mặt với các vấn đề liện quan đến sự phụ thuộc vào các sản phẩm NK. Theo Bộ trưởng Bộ Nghề cá và Phát triển Nuôi trồng thủy sản Ghana, lệnh cấm sẽ tạo ra khoảng 50.000 việc làm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, tạo sinh kế cho người dân. Tuy nhiên việc lệnh cấm NK có làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm cá rô phi Ghana hay không vẫn còn đang bỏ ngỏ.

Triển vọng

Thị trường cá rô phi sẽ duy trì mức ổn định. Nhu cầu ổn định và giá sẽ ở mức cao. Nếu giá cá rô phi vẫn ở mức cạnh tranh, các thị trường mới có thể sẽ củng cố và phát triển hơn nữa.