I. Trong nước:

Theo Trung tâm Tin học và Thống kê, Bộ Nông nghiệp và PTNT, giá cao su nguyên liệu tiếp tục xu hướng giảm trong 20 ngày đầu tháng 6. Nếu như vào những ngày cuối tháng 5, mủ cao su tự nhiên loại 1 tại Bình Phước vẫn được thu mua với giá 16.500 đồng/kg thì sang tuần đầu tháng 6 đã giảm xuống còn 15.600 đồng/kg, và tiếp tục giảm xuống mức 14.400 đồng/kg và chỉ còn 14.100 đồng/kg vào ngày 19/6. Cao su đã sơ chế loại 1 được thu mua với giá 24.000 đồng/kg vào đầu tháng 6, và tụt xuống 20.000 đồng/kg vào ngày 19/6. Nguyên nhân là do phía Trung Quốc, bạn hàng mua cao su lớn nhất của Việt Nam, vẫn tiếp tục phong tỏa khu vực biên giới khiến lượng cao su xuất khẩu theo đường tiểu ngạch sụt giảm mạnh.

Hiện, cao su SVR 3L xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ còn 18.500 NDT/tấn – mức rất thấp và kém tuần đầu tháng 6 tới 2.500 NDT/tấn. Theo nguồn tin từ Trung tâm Thông tin CN&TM Bộ Công Thương (VITIC), giá cao su thiên nhiên xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Móng Cái tuần 14/6 đột ngột lao dốc. Giá sản phẩm cao su SVR3L của doanh nghiệp tư nhân giảm xuống còn 18.500 NDT/tấn, sản phẩm cùng mã hiệu của công ty quốc doanh cũng chỉ đạt 19.000 NDT/tấn. So với tuần đầu tháng 6, mỗi tấn sản phẩm đã mất đi hơn 2.500 NDT. Nguyên nhân chính của sự sụt giá này là do nhu cầu tiêu thụ loại sản phẩm cao su SVR3L trên thị trường Trung Quốc giảm sút nghiêm trọng.

Trước đó, giá cao su thiên nhiên trên các sàn giao dịch trong khu vực tăng cao, trong đó có thị trường xuất nhập khẩu ở cặp cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng. Lượng sản phẩm cao su nhập vào thị trường Trung Quốc ở vùng giá này tương đối nhiều dẫn đến lượng tồn đọng lớn nhưng các nhà máy săm lốp lại không tiếp nhận bởi giá đắt. Giá săm lốp cao khiến cho hàng không tiêu thụ được, nhất là trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy yếu, khủng hoảng nợ châu Âu ngày càng leo thang. Việc ngành sản xuất săm lốp của Trung Quốc không chịu nổi mua giá nguyên liệu cao khiến cho nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh.

Mặc dù vậy, các sản phẩm cao su xám và đen (SVR10, SVR20) giá thấp vẫn giao dịch tương đối ổn định. Loại sản phẩm SVR10 giá xuất là 17.200 NDT/tấn; loại SVR20 đạt xấp xỉ 17.000 NDT/tấn. Đây là những sản phẩm vẫn tiêu thụ tương đối bình thường trên thị trường Trung Quốc.

II. Thế giới:

Các thành viên của Hiệp hội các nước sản xuất cao su thiên nhiên (ANRPC) đang điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng sau quý 1/2012 lạc quan. Năm nay, nhu cầu dự kiến sẽ tăng trưởng  3 – 4%, thấp hơn tỉ lệ được dự báo vào tháng trước là 4 – 5%.

Dự báo sản lượng cao su năm 2012 cũng được ANRPC điều chỉnh tăng nhẹ lên 10,5 triệu tấn từ mức dự báo tháng trước là 10,3 triệu tấn. Sản lượng cao su thiên nhiên tăng 1% trong quý 1/2012 so với cùng kỳ, và Hiệp hội dự báo quý 2 sẽ tăng 3,2% so với cùng kỳ. Tốc độ tăng trưởng sản lượng chậm lại này có thể bù trừ cho việc nhu cầu yếu, mặc dù cung và cầu có thể ít nhiều trùng khớp với nhau trong năm, thị trường dường như tiếp tục trong chiều hướng ảm đạm trên cơ sở các xu thế không thuận lợi về tỷ giá tiền tệ và giá dầu mỏ.

Khủng hoảng tại châu Âu đã ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Á thông qua giao dịch mua bán yếu, các thị trường hàng hóa bấp bênh và các nhà đầu tư lo lắng, theo ANRPC. Các hợp đồng dầu thô tại Hoa Kỳ đã giảm 17,5% chỉ trong tháng 5. Đồng đô la Mỹ mặc dù vừa mới vững lên nhưng dường như lại mờ nhạt, do vậy các nhà đầu tư đang quay lại với đồng yên Nhật vì an toàn.

Giá cao su thiên nhiên giao kỳ hạn tại thị trường Tocom, Nhật Bản giảm thấp vào ngày 6/4, với giá giao kỳ hạn tháng 6/2012 thiết lập mức thấp 245,9 yen/kg. Nguyên nhân là do giá dầu giảm mạnh trong phiên giao dịch trước đó đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của các nhà đầu tư khiến sức mua giảm. Thêm vào đó, thông tin tồn kho cao su của Trung Quốc, nước tiêu thụ cao su lớn nhất thế giới, vẫn đang ở mức cao, trên 200.000 tấn.

 Mất tới 6 tuần giao dịch ảm đạm, thị trường cao su  kỳ hạn Tocom mới khởi sắc trong tuần 8/6 nhờ tin các ngân hàng trung ương sẽ có các động thái nhằm hỗ trợ tăng trưởng khi kinh tế toàn cầu ngày càng suy yếu. Trên sàn giao dịch Tocom, giá cao su kỳ hạn tháng 11/2012 – kỳ hạn giao dịch sôi động nhất – đã tăng 2,1% trong ngày 14/6 lên 248,4 yên/kg, tương đương 3,140 USD/kg. Trong tuần này, giá tăng tổng cộng 4,4%, chấm dứt chuỗi thời gian giảm dài nhất kể từ năm 2008.

Giá cao su kỳ hạn trên sàn Tocom tăng lên mức cao nhất hai tuần trong hôm thứ hai (18/6) sau khi các đảng ủng hộ gói cứu trợ đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Hy Lạp. Chốt phiên giao dịch, kỳ hạn tháng 6/2012 đạt 257,5 yên/kg, tăng 7,5 yên/kg so với phiên giao dịch trước đó.

* Nhận định: Tại Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, đang có mưa ở khu vực phía nam, vùng trồng cao su chủ lực và chiếm tới 80% sản lượng cả nước – làm ảnh hưởng tới hoạt động cạo mủ và khiến sản lượng giảm sút. Thông tin này dự kiến sẽ tác động tích cực lên giá cao su trong thời gian tới.

Tuy nhiên, từ quý 2/2012, sản lượng cao su trên thế giới sẽ tăng dần cho đến cuối năm do vào mùa khai thác. Với nguồn cung dồi dào, giá cao su có thể sẽ giảm nhưng khó giảm sâu nhờ chính sách thu mua cao su khi giá xuống quá thấp để hỗ trợ giá của Chính phủ Thái Lan.

Nguồn: Vinanet