Bức tranh toàn cảnh màu ‘‘xám’’
Theo thống kê của hãng nghiên cứu thị trường Canalys, ngay trong quí 3/2008, số lượng điện thoại thông minh (smartphone) trên toàn cầu đạt mức trên 39 triệu chiếc, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Nokia vẫn tiếp tục nằm ở vị trí đầu tiên của bảng xếp hạng với hơn 15 triệu chiếc, nhiều hơn gấp đôi hãng thứ 2 là Apple.
Tuy nhiên, Nokia lại là nhà sản xuất duy nhất trong danh sách 5 nhãn hiệu hàng đầu được Canalys xếp hạng có tốc độ tăng trưởng âm. Gặt hái thành công tiếp theo là 2 thương hiệu là Apple và HTC, 2 nhà sản xuất có nhiều sản phẩm màn hình cảm ứng đa chạm và đa điểm. Apple có mức độ tăng trưởng "kinh ngạc" 523% từ chỉ hơn 1,1 triệu sản phẩm được bán ra vào quí 3 năm ngoái lên đến gần 7 triệu sản phẩm vào quí 3 năm nay. HTC đạt mức tăng trưởng đến 171,4%.
 Trong khi đó, theo nghiên cứu của IDG, tổng số lượng ĐTDĐ toàn cầu tính đến hết quý 3/2008 đạt mức 299 triệu chiếc, tăng 3,1% so với quí 3/2007. Trong đó Nokia chiếm 39,4% thị phần, tiếp theo sau là Samsung 17,3% thị phần và Sony Ericsson là 8,6% thị phần. So với cùng kỳ năm 2007, Samsung đã đạt mức tăng trưởng kỷ lục đến 21,6%, trong khi Nokia chỉ có 5,5% và Sony Ericsson tệ hơn với mức tăng trưởng âm 0,8%.
Vẫn theo IDG, thị trường ĐTDĐ năm năm 2009 sẽ giảm 2,2% so với năm 2008, lần đầu tiên số lượng ĐTDĐ bán ra sẽ giảm kể từ năm 2001.
Trở lại thị trường Việt Nam, ở nửa đầu năm 2008, thị trường ĐTDĐ Việt Nam đã phát triển khá khả quan. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương trong quí 1/2008, kim ngạch nhập khẩu điện thoại di động khoảng 273 triệu USD, bộ này cũng cho rằng với tốc độ nhập khẩu như vậy thị cả năm 2008, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ĐTDĐ của Việt Nam có thể lên đến 1,2 – 1,3 tỷ USD. ĐTDĐ được coi là một trong những ngành hàng khiến Việt Nam nhập siêu, chính vì thể kể từ tháng 6/2008 thuế nhập khẩu ĐTDĐ đã tăng từ 5% lên 8%.
 Tất nhiên, bất chấp khủng hoảng kinh tế diễn ra vào nửa cuối năm 2008 và việc tăng thuế nhập khẩu, việc kinh doanh ĐTDĐ Việt Nam vẫn khá lạc quan, bởi theo số liệu đáng tin cậy tính đến tháng 10/2008 tổng giá trị thị trường di động Việt Nam đạt khoảng trên 800 triệu USD, và dự đoán đến hết năm, giá trị thị trường ĐTDĐ Việt Nam có thể là 1 tỷ USD, thấp hơn dự đoán của bộ Công Thương nhưng lại cao hơn con số hơn 700 triệu USD của năm 2007.
Tuy nhiên, không thể nói là thị trường ĐTDĐ Việt Nam không bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Giới kinh doanh ĐTDĐ cho biết, ở nửa cuối năm 2008, các sản phẩm giá trên 3 triệu khó bán hơn so với các model có giá dưới 3 triệu. Điều đó sẽ khiến cho các nhà sản xuất có nhiều sản phẩm cao cấp sẽ gặp nhiều khó khăn và dự đoán tình trạng này sẽ kéo dài sang đến năm 2009.
Tương lai của dịch vụ giá trị gia tăng?
Theo thống kê sơ bộ của Bộ Thông tin Truyền thông, tổng số thuê bao hiện nay của 4 mạng di động lớn nhất Việt Nam ở vào khoảng 80 triệu thuê bao. Trong đó, MobiFone chiếm nhiều nhất - 28 triệu thuê bao, Vinaphone 20 triệu, Sfone 6 triệu và cuối cùng là Viettel với 26 triệu thuê bao. Nếu làm phép so sánh đơn giản với khoảng hơn triệu thuê bao tính đến hết năm 2007 và con số 80 triệu thuê bao trong năm 2008 đã cho thấy đây là một năm thành công hơn bao giờ hết của thị trường ĐTDĐ Việt Nam.
Nhưng không như năm 2007, điểm sáng rõ nhất của các nhà khai thác mạng ĐTDĐ tại Việt Nam lại không phải là chạy đua ra tăng số lượng thuê bao. Khi trên thị trường ĐTDĐ hai chữ "bão hòa" đang được nhắc đến nhiều hơn, các nhà khai thác mạng đã chuyển hướng sang việc cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hữu ích hơn dù cơ sở hạ tầng mạng của Việt Nam chưa cho phép các đơn vị cung cấp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiến và cần 1 đường truyền tốc độ cao.
Lấy ví dụ, chỉ trong thời gian ngắn vào thời điểm từ tháng 9/2008, các nhà khai thác đã "thi nhau” công bố nhiều dịch vụ giá trị gia tăng hơn bất kỳ thời điểm nào khác suốt trong nhiều năm qua. Người ta có thể thấy dịch vụ DataSafe của Vinaphone, dịch vụ LiveInfo của MobiFone hay gần đây nhất là dịch vụ được trông đợi từ lâu Push email BackBerry, và S-Fone đã thử nghiệm nhóm dịch vụ Excite trên nền BREW lần đầu tiên v.v...
Trên khía cạnh dịch vụ giá trị gia tăng, các chuyên gia trong ngành dự đoán, năm 2008 thực tế chỉ là cú hích nhẹ để các nhà khai thác tăng tốc trong năm 2009 và các năm sau đó khi họ triển khai được công nghệ 3G – công nghệ cho phép các nhà khai thác và đối tác của họ triển khai được nhiều dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiên tiến hơn so với công nghệ 2,5G như Việt Nam đang có hiện nay.
 Đó là chưa kể đến việc, từ năm 2009, Bộ Thông Tin - Truyền Thông dự kiến ra qui định hướng dẫn các chương trình khuyến mãi của các mạng di động thực hiện theo nghị định 37/2006/NĐ-CP về hoạt động khuyến mãi, theo đó: Giá trị vật chất dùng để khuyến mãi cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mãi không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hoá, dịch vụ được khuyến mãi đó trước thời gian khuyến mại. Điều này khiến cho các nhà khai thác dịch vụ khó lòng đưa ra được các chương trình khuyến mãi "hấp dẫn" như kiểu tặng 100% giá trị tài khoản như lâu nay họ vẫn làm để thu hút thuê bao.
Nhìn lại năm 2008 cũng là năm đánh dấu thêm 1 năm nữa Việt Nam tiếp tục đứng ngoài danh sách các quốc gia triển khai công nghệ 3G. Theo kế hoạch danh sách các nhà khai thác được cấp giấy phép triển khai 3G tại Việt Nam sẽ được công bố vào trước nửa đầu năm 2009. Song việc bao giờ các đơn vị này thương mại hóa dịch vụ, triển khai cụ thể thế nào thì chưa được bất kỳ nhà khai thác mạng nào nhắc đến tính đến thời điểm này.
Năm 2008, mạng di động HT Mobile, sau khi công bố chuyển qua sử dụng công nghệ GSM thay cho công nghệ CDMA cũng chưa thấy tiến hành thương mại hóa dịch vụ và có thể công việc này sẽ được tiến hành trong quí I/2009. Trong khi đó, một mạng ĐTDĐ mới mang tên Gtel cũng đã xuất hiện, nâng tổng số các nhà khai thác ĐTDĐ tại Việt Nam lên con số 7.
(Theo Xã Hội Thông Tin)

Nguồn: Internet