Những tháng đầu năm, suy thoái kinh tế đã tác động nặng nề tới thị trường đồ điện tử thế giới. Những dấu hiệu hồi phục đã bắt đầu xuất hiện từ giữa năm 2009, song thị trường năm 2010 sẽ hoàn toàn khác.

Năm nay, nhiều công ty bán dẫn và linh kiện bán dẫn đã cắt giảm mạnh chi phí sản xuất, nhằm vực giá tăng lên. Tuy nhiên, tác động của biện pháp này sẽ chưa rõ rệt kể cả ở cuối năm, mà phải đến năm 2010 mới thấy được. Mặc dù giá nhiều sản phẩm đã tăng trở lại kể từ quý II năm nay, song nhiều sản phẩm vẫn tiếp tục giảm giá do nguồn cung dư thừa. Tính chung trong cả năm 2009, giá vi mạch sẽ giảm khoảng 2% - 3% so với năm ngoái.

Tuy nhiên, sang năm 2010, bức tranh của thị trường sẽ hoàn toàn khác. Nhu cầu tăng trở lại, nguồn cung trở nên khan hiếm, và giá đối với hầu hết các sản phẩm sẽ tăng lên, do chương trình cắt giảm sản lượng năm 2009 bắt đầu có hiệu quả.

Theo hãng nghiên cứu thị trường điện tử, IC Insights, năm 2009, chi phí vốn của các công ty bán dẫn sẽ giảm 40% xuống chỉ 26,1 tỷ USD, so với 43,3 tỷ USD năm 2008. Intel, hãng bán dẫn lớn nhất thế giới, sẽ chỉ cắt giảm chi phí vốn khoảng 2% xuống 5,1 tỷ USD. Tuy nhiên, Samsung, hãng sản xuất DRAM hàng đầu thế giới, sẽ cắt giảm chi phí vốn khoảng 33% - 45%. Công ty cung cấp bộ nhớ Memory IC supplier Micron thậm chí cắt giảm 74% chi phí vốn, từ 2,3 tỷ USD năm 2008 xuống chỉ khoảng 600 triệu USD năm 2009.

Bộ vi xử lý

Trong quý I năm nay, giá bộ vi xử lý trung bình là 67,23 USD, song đến quý IV sẽ  mức 63,46 USD. Một trong những nguyên nhân chính là do nhu cầu tăng đối với những bộ vi xử lý giá rẻ như loại Atom của Intel sử dụng trong netbook. Những loại vi xử lý đó không có nhiều chức năng, nhưng bù lại giá thành rẻ, gọn nhẹ và có thị phần tăng mạnh trên thị trường máy vi tính.

Giá bộ vi điều khiển (MCU) cũng sẽ giảm, từ mức trung bình 1,17 USD trong quý I/2009 xuống chỉ 1,01 USD vào quý IV.

Thẻ nhớ

Với thẻ nhớ flash memory cũng tương tự. Chi phí sản xuất cho loại sản phẩm này năm 2007 đạt 13,6 tỷ USD, song đến năm 2009 chỉ còn lại 3 tỷ USD. Nhu cầu thẻ nhớ NAND dự báo sẽ tăng 50% trong vài năm tới. Tuy nhiên hiện tại, giá NAND năm 2009 sẽ không thay đổi nhiều so với năm 2008. IC Insights cho biến giá NAND trung bình trong quý I năm nay là 3,29 USD, và đến quý IV sẽ giảm nhẹ xuống khoảng 3,25 USD.

Chip

Với con chip, nhu cầu tăng và nguồn cung giảm do việc cắt giảm chi phí sẽ đẩy giá tăng 5% trong năm tới. Tuy nhiên, không phải giá chip nào cũng tăng. Một số loại sẽ ổn định, thậm chí tiếp tục giảm.

DRAM

Đầu năm nay, giá DRAM đã chạm mức thấp nhất kể từ nhiều năm. Thị trường DRAM đang hồi phục mạnh, giá tăng khá nhanh, hiện cao hơn 20% so với hồi đầu năm.

Các hãng sản xuất DRAM cắt giảm chi phí vốn nhiều nhất, do giá DRAM giảm mạnh suốt từ năm 2007 tới đầu năm 2009. Theo tính toán của Bill McClean, chủ tịch IC Insights, tổng chi phí vốn của các hãng sản xuất DRAM năm nay sẽ chỉ khoảng 4,2 tỷ USD, trog khi chỉ 2 năm trước, con số vốn của họ lên tới 18,7 tỷ USD, tức là hiện chỉ bằng 20% của năm 2007. Trong số những công ty sản xuất chip cắt giảm mạnh chi phí sản xuất trong năm 2009 có Infineon giảm 81%; Toshiba giảm 57%; Hynix giảm 69%; STMicroelectronics giảm 49% và SanDisk giảm 69%. McClean cho rằng việc giảm chi phí trong năm 2009 là hợp lý, song sẽ không phù hợp vào năm 2010 hay 2011, khi nhu cầu chip tăng mạnh.

Giá DRAM tiếp tục tăng trong tháng 9, đem lại lợi nhuận cho hầu hết các nhà sản xuất vi mạch sau nhiều tháng thua lỗ.

Kết thúc tháng 9, giá chip DDR2 (second generation) tăng 8,5% lên 1,53 USD/con, so với 1,45 USD một tháng trước đó. Giá chip DDR3 (double data rate, third generation) tăng 5,1% từ 1,58 USD/con lên 1,66 USD/con.

Giá modules DDR2 2GB đã tăng lên 27,50 USD, trong khi modules DDR3 2GB tăng lên 29,50 USD.

Giá chíp DDR2 đã tăng 116,9% trong 8 tháng đầu năm nay. Trong quý III, giá chip DDR3 tăng 25,8%, và tính chung thị trường chip đã tăng giá 45,3% trong quý.

Hoạt động sản xuất và tiêu thụ máy tính cá nhân tăng (PC) trên toàn cầu đang hỗ trợ xu hướng giá DRAM. Tại nhiều nước, học sinh sinh viên bắt đầu vào năm học mới. Thị trường PC luôn xác định xu hướng giá cho thị trường DRAM.

Như vậy, đà tăng giá DRAM vẫn tiếp diễn, nhờ nhu cầu máy tính cá nhân (PC) đang hồi phục trên toàn cầu.

Brian Matas, phó chủ tịch hãng nghiên cứu thị trường IC Insights dự báo nhu cầu DRAM sẽ tăng lên nữa trong những tháng cuối năm nay do nhu cầu máy tính cá nhân tăng (PC) lên – đây là lĩnh vực chính tiêu thụ DRAM. Nhu cầu tăng, cộng với việc các nhà sản xuất DRAM cắt giảm sản lượng sau khi giá giảm mạnh trong những tháng vừa qua, sẽ gây ra tình trạng khan hiếm nguồn cung, và là cơ sở để nâng giá lên.

Theo IC Insights, giá DRAM trong quý I năm nay ở mức trung bình 1,27 USD, đã tăng lên 1,44 USD vào quý II năm nay. Dự báo tới quý III, giá linh kiện này sẽ tăng lên 1,63 USD, và tiếp tục lên mức 1,73 USD vào quý IV/2009.

Tính chung trong cả năm 2009, giá DRAM sẽ trung bình ở mức 1,54 USD, vẫn thấp hơn so với mức 1,83 USD của năm 2008.

Bởi các nhà cung cấp DRAM mạnh tay cắt giảm chi phí, nhu cầu và giá các sản phẩm này đang tăng trở lại, và xu hướng này sẽ mạnh dần lên vào năm 2010 và 2011. McClean dự báo tiêu thụ DRAM sẽ tăng 40% mỗi năm trong vòng 3 -4 năm tới.

Giá DRAM dự báo sẽ tăng từ nay tới cuối năm do các nhà sản xuất DRAM cắt giảm sản lượng, trong khi nhu cầu các sản phẩm điện tử sẽ tăng lên, và xu hướng thị trường chuyển sang sử dụng những sản phẩm có dung lượng lớn hơn dù giá đắt hơn.

Ngoài ra, nhu cầu tăng cũng vì ngày càng nhiều PC đòi hỏi sử dụng hệ điều hành Windows 7 của Microsoft. Các hệ điều hành mới thường đòi hỏi gia tăng bộ nhớ hơn so với những hệ điều hành cũ. Đó cũng là lý do khiến người tiêu dùng chuyển sang dùng những DRAM có dung lượng lớn hơn, như 2 gigabit (Gb) dù giá cao hơn.

Mặc dù giá tăng, thị trường DRAM nhìn chung sẽ vẫn giảm trong năm 2009 so với năm trước, với mức giảm khoảng 16%, từ 25,7 tỷ USD xuống 18,6 tỷ USD. Nguyên nhân bởi sự ế ẩm trong những tháng đầu năm.

Từ cuối năm 2008, thị trường vi mạch (IC) sụt giảm mạnh do suy thoái kinh tế toàn cầu tác động xấu tới mọi lĩnh vực kinh tế, kể cả sản phẩm điện tử. Vào tháng 1/2009 hãng sản xuất chip nhớ Qimonda đã nộp đơn xin phá sản, và một số nhà cung cấp chip nhớ khác cũng có nguy cơ tương tự.

Giai đoạn khó khăn nhất rồi cũng qua đi. Các nhà sản xuất DRAM đang hy vọng về một tương lai sán lạn trong năm 2010 và 2011. Nhu cầu DRAM khi đó sẽ tăng lên bởi những PC tiêu thụ lúc đó chắc chắn sẽ cần dung lượng bộ nhớ lớn hơn, khi chuyển đổi sang hệ điều hành mới của Microsoft.

Dự báo nhu cầu và giá linh kiện này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2010, khi đó giá DRAM trung bình sẽ tăng lên 1,71 USD, và thị trường sẽ tăng 32% so với năm nay lên 24,6 tỷ USD. Thị trường DRAM nửa cuối năm 2010 sẽ rất thuận lợi, với nhu cầu và giá đều tăng rất mạnh. Nhu cầu tiêu thụ netbook tăng lên cũng sẽ khiến các nhà sản xuất DRAM tăng sản lượng những linh kiện thoả mãn nhu cầu của người tiêu dùng đối với những máy tính nhẹ hơn, và ngày càng phổ biến những người tiêu dùng sở hữu hơn một máy tính.

Dự báo sẽ có ngày càng nhiều khách hàng sử dụng những bộ nhớ có dung lượng lớn hơn như chip DRAM dòng 2 Gb và chip DRAM dòng DDR3. Hãng Samsung đã cho ra đời chip DRAM DDR3 2 Gb có thể sử dụng trong sản xuất những module 16 GB.

DDR3 là dòng DRAM thế hệ mới sẽ được sử dụng ngày càng phổ biến ở hầu hết các máy tính hơn là dòng DDR2. Ưu điểm vượt trội của DDR3 là khả năng truyền dữ liệu gấp đôi so với DDR2. Ngoài ra, DDR3 cho phép dung lượng chip từ 512 Mb đến 8Gb. Samsung, nhà cung cấp chip nhớ lớn nhất thế giới, dự kiến thị trường DRAM DDR3 sẽ tăng trưởng mạnh ngay từ nửa cuối năm 2009 và năm 2010.

Dự báo giá một số linh kiện bán dẫn năm 2010 (Nguồn: IC Insights)

Sản phẩm
QI/09
QIV/09
T.Bình 2010
DRAM
1,24 USD
1,62 USD
1,67 USD
NAND flash
3,29 USD
3,25 USD
3,34 USD
Vi xử lý (Microprocessor)
67,23 USD
63,46 USD
63,78 USD
Vi điều khiển (Microcontroller)
1,17 USD
1,01 USD
1,05 USD

Nguồn: Vinanet