* Giá gạo Thái Lan vững đến giảm bởi khả năng Chính phủ bán gạo dự trữ ra
   * Giá gạo Việt Nam vững, mặc dù nguồn cung tăng.
   * Philippine đã mua đủ dùng

Theo nguồn tin Reuters, giá gạo Châu Á vững đến giảm trong 10 ngày qua (25/3 – 5/4/2010) do có sự can thiệp của hai Chính phủ Thái Lan và Việt Nam, song khả năng giá giảm là rất lớn bởi nguồn cung tăng theo mùa vụ, và khả năng Chính phủ Thái Lan sẽ bán gạo dự trữ ra.

Gạo 100% B của Thái Lan giá giảm nhẹ xuống 510 USD/tấn so với 520 USD/tấn một tuần trước đây, thấp hơn nhiều so với mức 600 USD/tấn hồi đầu năm, và chưa bằng một nửa mức 1.080 USD/tấn hồi tháng 4/2008.

Một thương gia cho biết: “Nhu cầu vẫn thấp bởi khách hàng đang theo dõi nguồn cung ngày một tăng lên, và họ không vội vã mua vào”.

Giá gạo Châu Á đã liên tục giảm từ tháng 12 năm ngoái, và có thể sẽ tiếp tục giảm nữa.

Có người dự báo giá gạo Châu Á trong vài tháng tới có thể sẽ giảm khoảng 40 USD/tấn so với hiện nay.

Nguồn cung đang tăng lên ở cả Thái Lan và Việt Nam. Thái Lan bước vào vụ thu hoạch thứ 2. Theo nguồn tin Bộ Nông nghiệp, nước này chắc chắn sẽ sản xuất 7 triệu tấn thóc trong vụ mùa này.

Chính phủ Thái Lan đã bắt đầu chương trình thu mua thóc lúa kể từ cuối tháng 2, với giá thu mua từ dân là 10.000 Baht (310 USD)/tấn.

Các thương gia cho biết tin Chính phủ có kế hoạch bán một phần trong 6 triệu tấn gạo dự trữ sẽ tiếp tục ảnh hưởng xấu tới xu hướng giá.

Chính phủ Thái Lan muốn bán gạo theo các hợp đồng liên Chính phủ trong hai tháng tới. Bộ trưởng Bộ Thương mại cho biết họ có thể bán khoảng 1 hoặc 2 triệu tấn.

Thái Lan cần giải phóng một phần kho dự trữ sau khi tăng lượng thu mua từ nông dân nhằm ngăn chặn đà giảm giá trong vụ thu hoạch.

Kể từ tháng 1, Chính phủ Thái Lan đã thất bại trong việc bán gạo cho các nhà xuất khẩu và các nhà giao dịch trong nước trong một số đợt đấu thầu, do các mức giá được đưa ra quá thấp.

Các nhà xuất khẩu hoan nghênh kế hoạch xuất khẩu gạo của chính phủ, song lo ngại do một phần lượng gạo dự trữ đã khá lâu nên việc tìm kiếm người mua sẽ khó khăn, dẫn tới việc phải đưa ra mức giá mềm.

Giá xuất khẩu chắc chắn sẽ giảm hơn nữa nếu Chính phủ bán thành công khối lượng gạo theo kế hoạch. Thái Lan là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, còn Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 2.

Tại Việt Nam, mặc dù nguồn cung tăng, giá gạo 10 ngày qua tương đối vững, nhờ chương trình mua trữ lúa của Chính phủ.

Một nhà xuất khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết một số công ty nước ngoài đang trả giá gạo 5% tấm là 380 – 390 USD/tấn, FOB, thấp hơn mức giá sàn là 400 USD/tấn mà Hiệp hội Lương thực đặt ra.

Các nhà xuất khẩu phải được Hiệp hội thông qua giá bán trước khi ký hợp đồng.

Hiệp hội Lương thực cho biết các thành viên đã mua khoảng 1 triệu tấn lúa vụ đông xuân và đang bàn bạc về kế hoạch tích trữ thêm gạo để đạt 1,5 triệu tấn gạo vào tháng tới.

Theo các số liệu thống kê chính thức, xuất khẩu gạo trong 3 tháng đầu năm nay đã giảm 31% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 1,23 triệu tấn, do nhu cầu thấp.

Các thương gia cho biết kế hoạch dự trữ gạo sẽ ngăn giá giảm, song sẽ làm tăng nguồn cung khi việc thu hoạch sắp bước vào lúc cao điểm.

Sản lượng lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long năm nay có thể sẽ tăng 1,2% lên 9,9 triệu tấn.

Nông dân ở khu vực này đã thu hoạch 1,4 triệu hécta lúa đông xuân, trong đó 83% có năng suất cao nhất từ trước tới nay.

Trong khi các dự báo đều cho thấy triển vọng dài hạn của thị trường gạo rất khả quan, khi nhu cầu tăng trong khi thiếu nước khiến sản lượng giảm, triển vọng ngắn hạn lại hoàn toàn ngược lại.

Trong khi nguồn cung từ vụ mới đang dồi dào, những khách hàng chính, chủ yếu là Philippine, đã mua đủ dùng và không có nhu cầu mua trước cuộc bầu cử sẽ diễn ra vào tháng 5 tới.

(Vinanet)