Thủy sản

Giá tôm sú loại 20 con/kg tại Cà Mau giảm 5.000 đồng xuống 195.000 đ/kg;tôm sú loại 40 con/kg tăng 5.000 đồng lên 150.000 đ/kg.

Tại Đà Nẵng, giá tôm sú cỡ 15-30 con/kg cũng giảm khá mạnh, riêng giá tôm cỡ 40 con/kg tăng thêm 10.000 đồng/kg. Tại Khánh Hóa, giá ôtm sú cỡ 40 con/kg cũng tăng 5.000 đồng/kg so với tuần trước.

Giá cá tra tại ĐBSCL tăng trở lại 1.000 đồng/kg. Hiện, giá cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu dao động từ 19.000 - 21.500 đồng/kg. Tuần qua, bất ngờ giá cá tra nguyên liệu tại ĐBSCL đã quay đầu tăng trở lại với mức cao nhất đạt 1.000 đồng/kg, theo Hiệp hội thủy sản tỉnh An Giang.

Cụ thể, cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trong lượng 0,8 - 0,9 kg/con) được các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản ở An Giang mua với giá dao động từ 19.000 – 21.000 đồng/kg, tăng 500 – 1.000 đồng/kg so với mức giá cách nay 1 tuần.

Tại các tỉnh ĐBSCL như Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ giá cá tra nguyên liệu cũng bắt đầu chuyển biến tích cực hơn và hiện dao động từ 19.000 - 21.500 đồng/kg đối với cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (tùy địa phương).

Lý giải nguyên nhân giá cá tra tăng trở lại, Tổng thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, tâm lý người dân đã ổn định lại; một số vấn đề như gói giải cứu thu mua, thị trường tiêu thụ khởi sắc, nguồn nguyên liệu ít lại... Quan trọng nhất vẫn là vấn đề tâm lý, người nuôi cá yên tâm hơn, thu hoạch ổn định lại theo kế hoạch chứ không phải ồ ạt như lúc trước.

Lúa gạo

Giá lúa gạo tại vùng ĐBSCL đã bắt đầu tăng. Sau 7 ngày triển khai quyết định của Thủ tướng Chính phủ về mua 500.000 tấn gạo tạm trữ (từ 10/7-10/8), đến nay các doanh nghiệp đã mua được khoảng 10-15% số gạo dự kiến phải mua vào, nhờ đó hiện giá lúa ở các tỉnh ĐBSCL đang tăng 250-300 đồng/kg.

Tại An Giang giá lúa IR50404 được thương lái mua tại ruộng với giá 4.350 – 4.400 đ/kg, lúa khô 5.000 – 5.200 đ/kg; tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang là 4.300 – 4.350 đ/kg đối với lúa tươi, lúa khô là 5.000 – 5.100 đ/kg.

Ngày hôm nay, 19/7, giá lúa gạo tại Cà Mau ổn định, 6.750 đ/kg đối với gạo loại 1 và 6.500 đ/kg đối với gạo loại 2; 5% tấm có giá 8.150 đ/kg và 7.300 đ/kg đối với gạo xuất khẩu 25% tấm.

Giảm thuế xuất khẩu dừa quả xuống 0%

Ngày 18/7, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 114/2012/TT-BTC về sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dừa quả thuộc nhóm 0801 trong Biểu thuế xuất khẩu.

Thông tư quy định sửa đổi mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dừa quả thuộc nhóm 0801 trong Biểu thuế xuất khẩu theo Danh mục mặt hàng chịu thuế quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 157/2011/TT-BTC ngày 14/11/2011 của Bộ Tài chính ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi theo danh mục mặt hàng chịu thuế. Cụ thể, giảm thuế xuất khẩu đối với mặt hàng dừa quả từ 3% xuống 0%.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 01/9/2012.

Cà phê

Giá cà phê nhân xô tại các vùng Tây Nguyên tăng 500 đồng lên 43.400 – 43.500 đ/kg. Cà phê xuất khẩu FOB (HCM) có giá 2.090 USD/tấn với mức trừ lùi là 20.

Với mức tăng này so với khoảng thời gian cuối tháng 6, giá cà phê mua vào của các công ty đã tăng thêm khoảng 1,4 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê tăng do nông dân bắt đầu trữ hàng để chờ giá tăng thêm trước khi bước vào mùa thu hoạch mới  vào tháng 10. Vào thời điểm này mọi năm, lượng cung cà phê ra thị trường thường giảm đã đẩy giá cà phê lên cao. Đồng thời, giá cà phê xuất khẩu  tăng cũng tác động đến giá cà phê nhân trong nước. Hiện giá cà phê Việt Nam đang chào bán cho các nhà nhập khẩu cao hơn 80 đô la Mỹ/tấn so với giá cà phê giao tháng 9 được niêm yết tại sở giao dịch hàng hóa London.

Cao su

Thị trường biên giới tiếp tục bị đóng cửa. Giá cao su SVR3L (chưa bao gồm thuế) tại thị trường cửa khẩu Móng Cái – Đông Hưng ngày 18/7 được chào quanh mức 18.300 – 18.400 NDT/tấn, giảm 200 NDT/tấn so với ngày hôm trước.

Dự báo, thời gian tới giá thép tiếp tục giảm nhẹ

Sáu tháng đầu năm, giá bán thép xây dựng của một số nhà sản xuất được điều chỉnh tăng, giảm dựa vào sức mua của thị trường và với mức điều chỉnh dao động trong khoảng 100.000-200.000 đồng/tấn.

Lượng thép xây dựng bán ra của các thành viên Hiệp hội Thép đạt khoảng 2,2 triệu tấn, giảm 7,57% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng thép xây dựng tồn đến thời điểm hết tháng 6 chỉ hơn 350 nghìn tấn - mức tồn kho bình thường gối đầu cho tháng sau, do các công ty đã chủ động tiết giảm sản xuất.

Bên cạnh thép xây dựng, lượng phôi thép tồn (gồm cả phôi thép sản xuất và nhập khẩu) ở các công ty sản xuất thép cây trong tháng 6 chỉ là 500.000 tấn, đáp ứng nhu cầu phôi cho các nhà máy cán.

Lượng thép xây dựng tồn cuối tháng 6 chỉ hơn 350 nghìn tấn - mức tồn kho trung bình do các công ty đã chủ động tiết giảm sản xuất.

Dự báo, tiêu thụ thép xây dựng trong 6 tháng cuối năm sẽ tăng dần khi Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường phát huy hiệu quả. Giá thép xây dựng tại thị trường trong nước sẽ tiếp tục giảm nhẹ theo đà giảm trong 6 tháng đầu năm khi doanh nghiệp đẩy mạnh tiêu thụ hàng tồn kho.

Nguồn: Vinanet