Hàng tiêu dùng chưa giảm; trồng chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao; gà Đông Tảo ở Đồng Nai “cháy” hàng;..  

Trồng chanh không hạt mang lại hiệu quả kinh tế cao

Huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ nổi tiếng là vùng đất cây sai, trái ngọt với nhiều mô hình trồng cây hiệu quả kinh tế cao. Những năm gần đây, địa phương này xuất hiện ngày càng nhiều hộ trồng chanh không hạt với vốn đầu tư thấp nhưng năng suất và thu nhập cao, tập trung nhiều ở ấp Thuận Hòa, xã Trường Long.

Chanh là loại cây dễ trồng, tuy tán dày đặc, cành có gai nhưng cũng không khó để chăm sóc. Người trồng chanh không cần học hỏi kỹ thuật phức tạp mà chỉ lưu ý nhiệt độ, ủ gốc khi gặp nắng hạn vì nhiệt độ rất quan trọng cho sự sinh trưởng và phát triển của cây, chất lượng của trái. Cây chanh tuy cần nhiều nước vào thời kỳ ra hoa, kết quả, nhưng không hợp ngập nước. Vì vậy, đất luôn được giữ tơi xốp, thông thoáng, tránh trồng ở đất thấp trũng. Trường hợp đất thấp phải đào mương lên luống.

Các hộ trồng chanh không hạt cho biết, giá chanh thường cao vào mùa hè, nhưng hiện khá ổn định do chanh được thu mua để xuất khẩu sang Hà Lan, châu Âu và các nước châu Á. Khi thu mua, các thương lái thường phân chanh thành 4 loại, từ loại 1 đến loại 4. Chanh loại 1 vỏ có màu xanh đậm, đều màu và không bị sần sùi, giá từ 19.000 - 22.000 đồng/kg. Thông thường giá chanh trong khoảng 15.000-16.000 đồng/kg.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ cho biết: Nhận thấy chanh không hạt là loại cây có vốn đầu tư ít, hiệu quả kinh tế cao, thu nhập lâu dài và thường xuyên nên huyện có chủ trương thành lập hợp tác xã trồng chanh không hạt. Huyện đang thực hiện trợ giá hơn 5.000 cây giống cho trên 30 hộ với tổng diện tích trồng gần 25 ha. Diện tích chanh mỗi hộ trung bình từ 3.500 m2 trở lên. Việc thành lập hợp tác xã trồng chanh không hạt thực sự là́ tin vui, mang lại niềm phấn khởi cho các hộ dân. Nhất là gần đây đầu ra của chanh không hạt khá thuận lợi vì các doanh nghiệp, công ty phân bón, thương lái và công ty thu mua có hướng bao tiêu sản phẩm đối với chanh không hạt.

Gà Đông Tảo ở Đồng Nai “cháy” hàng

Tết Ất Mùi đang đến gần, do nhu cầu tăng mạnh nên gà Đông Tảo tại Đồng Nai đang "cháy hàng". Mặc dù nhiều hộ nuôi gà Đông Tảo trên địa bàn đã tăng số lượng nuôi nhưng hiện vẫn không đáp ứng được lượng khách đặt mua.

Trước đây ở miền Nam, người dân chỉ mua gà Đông Tảo về cúng dịp giỗ, Tết. Nay, tất cả các ngày trong năm, trại gà đều có khách hàng đến đặt mua. Đến thời điểm này, dù còn ít gà, nhưng người dân các tỉnh vùng Đông Nam bộ vẫn trực tiếp đến, gọi điện đặt hàng, có người muốn mua với số lượng lớn.

Gà tùy vào trọng lượng, chân, hình dáng sẽ có giá từ 300.000 – 500.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai, trước đây, số người nuôi gà Đông Tảo ở Đồng Nai chỉ đếm trên đầu ngón tay, khoảng 2 năm trở lại đây, một số hộ dân đã đầu tư nuôi gà Đông Tảo với số lượng hàng chục con. Do khí hậu ôn hòa, nguồn thức ăn dồi dào nên Đồng Nai phù hợp nuôi gà Đông Tảo, song vì chưa nắm được nhu cầu của thị trường, chi phí đầu tư lớn nên người dân trong tỉnh vẫn chưa mặn mà với mô hình này.

Vận tải giảm cước

Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiệp hội đã kiến nghị với các thành viên điều chỉnh giảm giá cước cho phù hợp. Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp taxi và 60 doanh nghiệp vận tải tuyến cố định giảm giá cước trong đầu năm 2015. Các doanh nghiệp taxi sẽ giảm 3-5% giá cước và nhiều đơn vị vận tải giảm mạnh tới 10-15% giá cước.

Hàng tiêu dùng chưa giảm

Mặc cho giá xăng giảm, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người tiêu dùng như rau, thịt, cá... vẫn giữ giá so với thời điểm tháng 11 và 12 năm 2014.

Tại các chợ Hà Nội, giá cả các loại thực phẩm không có nhiều thay đổi so với thời điểm quý IV/2014. Giá thịt bò vẫn ở mức 170.000-200.000 đồng/kg, giá gà ta từ 100.000-120.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn giá 100.000 đồng/kg. Giá trứng vịt vẫn giữ ở mức 35.000 đồng/chục, trứng gà ở mức 37.000-40.000 đồng/chục. Tôm sú dao động từ 400.000-460.000 đồng/kg...

Các loại rau, củ quả có giảm nhẹ khoảng 10-20% vào những ngày nắng ấm Tết dương lịch, nhưng đến nay đã tăng trở lại mức giá cuối năm 2014. Rau muống có giá 18.000 đồng/mớ; rau cải xong 5.000 đồng/mớ; rau cải thảo 10.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg...
Với tình hình thị trường như hiện tại, rõ ràng giá hàng hóa không giảm là bất hợp lý và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo ý kiến từ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp hàng hóa cần cân nhắc, điều chỉnh giảm giá để đồng hành với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bàn tay điều hành từ phía nhà nước cũng là vô cùng quan trọng.

T.Nga
Nguồn: Vinanet tổng hợp
 

Nguồn: Vinanet