Cà phê Robusta đứng giá, Arabica tiếp tục giảm mạnh

Cà phê nhân xô trong nước hôm nay đồng loạt tăng trở lại lên mức 41,3-41,4 nghìn đồng/kg, tăng 200 đồng so với ngày hôm qua và lấy lại mức giá hồi đầu tuần. Trong khi đó, giá cà phê Robusta đứng giá, Arabica tiếp tục giảm mạnh.

Giá cà phê giao tại cảng FOB HCM duy trì tại 2.050 USD/tấn, trừ lùi 10 USD.

Giá thép giảm mạnh

Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho biết, nhằm tăng lượng tiêu thụ, giải pháp tồn kho, nhiều DN thép lớn như Hòa Phát, Thái Nguyên, Vina Kyoei, Thép Việt, Thép miền Nam đều thông báo giảm giá bán 200.000 – 300.000 đồng/tấn.

Tính đến 11/6, giá thép xuất xưởng của các nhà sản xuất thép lớn chỉ còn 15 triệu đồng/tấn (chưa VAT), giảm khá mạnh so với mức 15,3 triệu đồng/tấn trong tháng 5. Theo VSA, một trong những nguyên nhân khiến các DN thép đua nhau giảm giá là do giá nguyên liệu đầu vào như phôi, thép phế nhập về giảm 15-20 USD/tấn.

Thống kê của VSA cho biết, trong tháng 5, lượng thép bán ra chỉ khoảng 350.000 tấn, đây là lượng bán ra quá thấp nên các DN bắt đầu tính đến chuyện giảm giá. Tính đến 31/5, lượng thép tồn kho khoảng 315.000 tấn, rất nhiều nhà máy thép đang phải ngưng sản xuất hoặc chỉ sản xuất phôi cầm chừng.

Giá thực phẩm giảm 40%

Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết hiện nay giá các loại thịt, thực phẩm trong cả nước đang giảm mạnh. Trong đó, giá thịt heo hiện đã giảm tới 17%-18% so với tháng 1-2012, giá thịt gia cầm giảm 20%-25%, đặc biệt giá trứng đã giảm 40%. Nguyên nhân do nhu cầu về thực phẩm giảm rất mạnh, ở các bếp ăn tập thể, khu công nghiệp có nơi giảm 30%-40%. Trong khi đó, nguồn thịt xuất khẩu đang gặp khó khăn do Trung Quốc tăng cường kiểm soát thịt nhập khẩu qua đường tiểu ngạch. 

Thị trường ô tô vẫn tụt dốc

Theo Hiệp hội Ô tô Việt Nam, kết quả bán hàng của tháng 5 cho thấy thị trường ô tô vẫn tiếp tục ế ẩm với mức bán ra thấp.

Trong tháng này, sản lượng bán hàng của toàn thị trường đạt 6.870 xe, giảm 2% so với tháng 4-2012 và giảm 32% so với tháng 5-2011. Trong đó, xe con tăng nhẹ ở mức 0,5% so với tháng trước trong khi xe tải giảm 3%.

Sản lượng của xe lắp ráp trong nước đạt 5.339 xe, giảm 3% so với tháng trước trong khi xe nhập khẩu tăng 3,6%. Đặt biệt, so với năm ngoái, sản lượng bán hàng của thị trường trong 5 tháng đầu năm giảm 40%.

Dự báo thị trường năm nay sẽ kết thúc với mức tiêu thụ chỉ 80.000 xe, giảm mạnh so với mức tiêu thụ năm ngoái, cho dù các hãng đều đẩy mạnh nhiều chính sách khuyến mãi, ưu đãi...

VietJet Air giảm 49% giá tour để kích cầu

Ngày 12-6, hãng hàng không tư nhân giá rẻ VietJet Air (VJ) đã ký kết chương trình hợp tác với Hiệp hội Du lịch TPHCM (HTA) và các công ty lữ hành uy tín để thực hiện kích cầu du lịch Theo đó, các bên sẽ phối hợp triển khai tour du lịch khuyến mãi trọn gói cho du khách từ ngày 15-6 đến hết năm 2012 với giá tour giảm đến 49% so với giá bán thông thường. Mức giảm giá này nhờ vào sự ưu đãi giá vé máy bay của VJ, chủ yếu trên đường trục Hà Nội - TPHCM và các đường bay đến các điểm du lịch quan trọng khác, kết hợp với việc giảm giá các dịch vụ mặt đất của những công ty lữ hành.

Giá nông sản ế do Trung Quốc giảm mua

Nông sản đặc biệt là khoai lang tím Nhật xuất sang thị trường Trung Quốc rất khó khăn, mặc dù giá giảm mạnh.

Tại Vĩnh Long, mỗi ngày thương lái Trung Quốc thua mua khoảng 600 tấn khoai lang tím Nhật, thì nay số lượng tiêu thụ giảm khoảng 50%. Hiện tại, diện tích khoai lang chưa thu hoạch chiếm rất lớn, đa phần là khoai đã quá lứa (từ 3 củ/kg trở lên) bị thương lái Trung Quốc chê lớn không mua nên tiêu thụ nội địa với giá chỉ từ 30.000- 50.000 đồng/tạ.

Giá khoai lang tím Nhật xuất khẩu sang thị trường giảm xuống còn 170.000 - 220.000 đồng/tạ (1 tạ 60kg). Đây là mức rất thấp trong nhiều năm qua. Nông dân trồng khoai lang xuất khẩu ở ĐBSCL đang lỗ nặng do thương lái Trung Quốc không còn thu mua ồ ạt với giá cao như mấy tháng trước. Nhiều nông dân đã bỏ khoai lang để trồng các loại cây màu khác như hành lá, bắp cải, đậu bắp, xà lách.

Tình hình tiêu thụ dừa khô, dứa tại các vùng nguyên liệu ở ĐBSCL cũng đang gặp nhiều khó khăn. Mấy ngày qua, giá dừa khô được thương lái thu mua tại vườn có giá từ 12.000 - 14.000 đồng/chục (1 chục 12 quả), đã tăng từ 2.000 - 3.000 đồng/chục so với tuần trước nhưng giá chỉ bằng 1/10 so với cùng kỳ năm rồi. Tình hình vẫn không được cải thiện, khi lượng dừa còn tồn rất lớn. Khi giá dừa xuống thấp, những tàu mua dừa khô của thương lái Trung Quốc đã gần như biến mất và chỉ thu mua nhỏ giọt.

Taxi rục rịch giảm giá

Sau ba lần giá xăng dầu giảm liên tiếp, giá cước taxi của một số hãng bắt đầu giảm theo. Ngày 12/6, hãng taxi Mai Linh tuyên bố giảm giá cước trên toàn hệ thống từ 200 – 1.000 đồng/km. Trước đó, taxi Vinasun công bố giảm cước 500 đồng/km, áp dụng cho tất cả các loại xe. Hãng taxi Hương Lúa cũng cho biết đang tính toán hạ thêm giá cước.

Chủ tịch hiệp hội Vận tải Việt Nam cho biết, sắp tới dự kiến các hãng taxi sẽ đồng loạt giảm giá cước để cạnh tranh. Tuy nhiên, hai đợt tăng giá xăng dầu trước tổng cộng là 3.000 đồng/lít, giá cước của nhiều hãng taxi tăng thêm từ 800 – 1.000 đồng/km. Trong khi đó với ba lần giảm giá xăng dầu gần đây, tổng mức giảm mới chỉ là 1.900 đồng/lít, nên giá cước của các hãng sẽ giảm không nhiều.

Giá nghêu giống tăng hơn 3 triệu đồng/kg

Năm nay, nguồn nghêu giống tự nhiên xuất hiện khu vực biển Tân Thành (huyện Gò Công, Tiền Giang) không nhiều nên giá nghêu giống cũng theo đó tăng cao. Hiện nghêu giống kích cỡ 600 – 800 ngàn con/kg được các thương lái thu mua với giá 16 -18 đồng/con (khoảng 10 - 15 triệu đồng/kg), tăng tăng 5 - 7 đồng/con (tương đương 3 - 5 triệu đồng/kg) so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo Trạm Thủy sản số 2 (huyện Gò Công Đông), năm 2012, nghêu giống tự nhiên xuất hiện tại các bãi nuôi nghêu khu vực biển Tân Thành vào cuối tháng 4 dương lịch trên diện tích khoảng 15 héc ta với mật độ nghêu giống xuất hiện không cao. Đến nay, nghêu giống tự nhiên đã thu hoạch được 4 đợt với lượng giống khoảng 3 tấn, với kích cỡ khoảng từ 2 – 3 triệu con/kg.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn mua nghêu giống từ các địa phương khác về ương lên nghêu giống cỡ lớn hơn. Đến nay, 80 hộ ương nghêu (với diện tích ao ương khoảng 11 héc ta) trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã thu hoạch được 3 đợt nghêu giống với tổng sản lượng thu được khoảng 11 tấn.

Giá phân bón tăng đột biến

Từ dầu tháng 6, giá phân bón, đặc biệt là phân vô cơ, ở các tỉnh Tây Nguyên tăng đột biến. Tại Đắk Lắk, giá phân ure Phú Mỹ hiện là 600.000 đồng/bao 50 kg, tăng 70.000 đ/bao; NPK các loại giá từ 600.000 – 700.000 đ/bao, tăng từ 30.000 – 40.000 đ/bao so với tháng trước… Không chỉ tăng giá, hiện tượng khan hiếm hàng cũng xảy ra ở nhiều nơi. Theo tính toán của ngành nông nghiệp, với giá tăng khoảng 1 triệu đồng/tấn phân, ước tính các tỉnh Tây Nguyên phải chi thêm 500 tỉ đồng cho diện tích hơn 500.000 ha cà phê.

Nguồn: Vinanet