Giá cá tra nguyên liệu tăng; Thị trường phân bón trong nước ổn định; Giá mía giảm; Trồng thanh long ruột đỏ lãi cao

Giá cá tra nguyên liệu tăng

Theo Sở Công Thương tỉnh An Giang, thị trường tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu cá tra trên địa bàn tỉnh có dấu hiệu khởi sắc. Giá cá tra nguyên liệu các loại đều được các cơ sở chế biến thu mua với giá tăng hơn trong từng tuần; cụ thể là giá cá tra thịt trắng (loại từ 0,8 kg đến 1kg/con) có giá từ 23.000 đồng đến 23.200 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg; giá cá tra thịt hồng (loại từ 0,8 kg đến 1kg/con) có giá từ 22.700 đồng đến 23.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Riêng loại cá tra thịt vàng lại có xu hướng tăng mạnh, giá thu mua tăng cao hơn các loại khác cá loại từ 0,8 kg đến 1kg/ con có giá từ 22.000 đồng đến 22.300 đ/kg, tăng từ 300 đồng đến 500 đồng/kg.
Theo bà Mai Thị Ánh Tuyết, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang, tình hình tiêu thụ cá tra nguyên liệu trên địa bàn tỉnh vào thời điểm này đang có chiều hướng phát triển tốt. Thị trường xuất khẩu cá tra đến các nước trên thế giới đang khởi sắc dần, nhu cầu đặt mua cá phục vụ cho các lễ hội và dịp Tết dương lịch sắp tới tăng lên. Mặt khác, các doanh nghiệp chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn bước đầu đã tiếp cận được nguồn vốn vay lãi suất thấp nên đã triển khai đẩy mạnh thu mua, chế biến cá tra xuất khẩu và tiêu thụ trong nội địa.
Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, các doanh nghiệp thu mua, chế biến cá tra xuất khẩu trên địa bàn tỉnh An Giang đã thu mua đạt 89.000 tấn cá nguyên liệu, bằng 91% so cùng kỳ năm trước. Các doanh nghiệp cũng đã chế biến, xuất khẩu đạt 92.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 262 triệu USD, tăng 6% về số lượng và tăng 13% về giá trị so với cùng kỳ năm trước./.

Thị trường phân bón trong nước ổn định

Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, trong thời gian tới, dự báo giá phân bón trên thị trường thế giới tiếp tục diễn biến khó lường sẽ ảnh hưởng đến thị trường trong nước. Bởi vậy, để đảm bảo nguồn cung đáp ứng cho nhu cầu vụ thu đông và vụ đông xuân, các doanh nghiệp sản xuất phân bón cần duy trì sản xuất ở mức cao; tích cực tìm kiếm nguồn hàng nhập khẩu đảm bảo chất lượng, có giá tốt nhất để bổ sung cho nguồn cung trong nước; triển khai thực hiện linh hoạt điều chuyển hàng đến các vùng miền, tăng khả năng cung ứng tại chỗ, can thiệp nhanh khi phát sinh nhu cầu cục bộ tại từng khu vực.
Để chủ động nguồn phân bón trong nước, các doanh nghiệp đang đẩy nhanh tiến độ một số dự án như Nhà máy Đạm Ninh Bình đã hoàn thiện dây chuyền sản xuất, tiến hành chạy thử đơn động, liên động tất cả các công đoạn và đi vào vận hành ổn định 24/24h với công suất 1.460 tấn phân urê/ngày, đạt 85% công suất thiết kế, góp phần quan trọng vào việc ổn định nguồn cung phân bón cho ngành nông nghiệp và tiết kiệm nguồn ngoại tệ lớn từ nhập khẩu phân bón cho đất nước.
Theo Bộ Công Thương, tháng 8, sản xuất phân đạm đạt 127.000 tấn, tăng 41,9%, trong đó phân DAP đạt 24.000 tấn, tăng 81,4% so với tháng 8/2011. Tính chung 8 tháng so với cùng kỳ, phân đạm urê ước đạt hơn 1 triệu tấn, tăng 56,9%; phân DAP ước đạt 180.900 tấn, tăng 58,5%; phân lân ước đạt gần 1,1 triệu tấn, giảm 8,8%.

Hiện tại, một số vùng của đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu xuống giống cho vụ ba nhưng diện tích chưa nhiều; các tỉnh miền Đông Nam bộ cũng qua thời kỳ chăm sóc các loại cây công nghiệp; thị trường phân bón trong nước ổn định; giá có xu hướng giảm do chi phí sản xuất giảm, lượng tiêu thụ phân bón các loại không tăng./.

Hậu Giang: giá mía giảm
Sau thời gian tạm ngừng hoạt động do thiếu nguyên liệu, đến nay, tất cả các nhà máy đường (NMĐ) trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã hoạt động trở lại.

Tuy nhiên giá mía được thương lái thu mua tại ruộng hiện tại giảm so với trước trước từ 100 đến 150 đồng/kg, còn từ 800 đến 900 đồng/kg, tương đương với giá thành sản xuất. Với giá này, nông dân trồng mía đạt lợi nhuận rất thấp do chi phí vụ này tăng cao, thậm chí nhiều hộ sản xuất chỉ thu đủ vốn đầu tư. Nông dân chấp nhận bán sớm để kịp thời gian gieo sạ lại 1 vụ lúa ngay trên nền đất mía.

Ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (Casuco), cho biết, hiện lượng mía được các thương lái chở tới các cầu cảng NMĐ Phụng Hiệp và Vị Thanh khá phong phú, từ 8.000 đến 9.000 tấn, đảm bảo cho các NMĐ chạy ổn định hết công suất từ 7 đến 10 ngày nên không lo thiếu nguyên liệu. Giải thích về việc giá mía giảm, ông Ngoan cho biết, trước đây công ty ra giá cho các thương lái thu mua mía tại ruộng là 1.000 đồng/kg đối với mía có chữ đường 10 CCS, nhưng thực tế do mía ở Hậu Giang chưa đủ chữ đường nên công ty có thay đổi thông báo giá thu mua mía tại ruộng là 900 đồng/kg đối với mía có chữ đường 9 CCS và chênh lệch mỗi chữ đường là 90 đồng. Như vậy, nếu mía có chữ đường 10 CCS thì giá thu mua tại ruộng là 990 đồng/kg, không thấp hơn giá cũ là bao nhiêu.

Hiện tại trên địa bàn tỉnh chỉ có giống mía ROC 16 chín sớm đạt được từ 9,5 đến 10 CCS. Riêng các giống còn lại có chữ đường đạt rất thấp, khả năng từ 1 đến 1,5 tháng nữa thu hoạch mới đạt.

Trồng thanh long ruột đỏ lãi cao

Ông Trần Văn Tuấn ở ấp Phú Hựu, xã Phú Hựu, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp là người đầu tiên trong tỉnh Đồng Tháp trồng thử nghiệm thành công thanh long ruột đỏ thay cho cây nhãn bị bệnh chổi rồng. Ông Tuấn trồng 200 gốc thanh long ruột đỏ trên diện tích 2.000m2, trong 8-10 tháng cho thu hoạch, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 100 triệu đồng.

Huyện Châu Thành có hơn 4.000 ha trồng nhãn nhưng hiện có hơn 70-80% diện tích bị bệnh chổi rồng. Nhận thấy điều đó, ông Tuấn đã loại bỏ cây nhãn chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ - loại cây ở Đồng Tháp chưa ai dám trồng. Ông Tuấn đã tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn mua giống về trồng 200 gốc thanh long. Thanh long ruột đỏ là loại cây dễ chăm sóc, ít bệnh, chỉ có các loại côn trùng như sâu, kiến lửa và ruồi đục trái tấn công. Thanh Long từ lúc trồng đến khi cho trái từ 8-10 tháng, thời gian cho trái từ tháng 4 đến tháng 10.

Từ đầu năm đến nay, ôngTuấn thu hoạch được 6 tấn trái thanh long ruột đỏ bán với giá 35.000-40.000 đồng/kg, lãi hơn 100 triệu đồng.

Nguồn: Vinanet