Giá lúa ĐBSCL tăng trở lại

Từ mức giá 3.500 đồng/kg hồi đầu tháng 10, giá lúa các tỉnh ĐBSCL đã tăng trở lại mức 5.800-6.600 đồng/kg tùy loại.

Sau thời gian giá lúa giảm mạnh xuống còn 3.500 đồng/kg (lúa thường thu hoạch bằng tay do bị đổ ngã) và 4.400 đồng/kg (lúa thường thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp) vào thời điểm đầu tháng 10/2012, do ảnh hưởng mưa dầm, vài ngày qua giá lúa ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại.

Chiều 15/10, thương lái các tỉnh Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long thu mua lúa khô loại thường giá 5.800 đồng/kg, lúa dài giá 6.100 đồng/kg, lúa thơm giá 6.500 - 6.600 đồng/kg. Với giá này nông dân làm lúa thu đông ở Đồng bằng sông Cửu Long đảm bảo có lời.


Trong khi đó, gạo 5% tấm được các kho gạo ở Đồng Tháp, Tiền Giang, Cần Thơ tăng giá thu mua lên 7.900 đồng/kg; gạo 15% tấm giá 7.700 đồng/kg…


Dù giá lúa gạo đang tăng, song các thương lái và doanh nghiệp xuất khẩu than phiền chất lượng gạo vụ thu đông năm nay kém. Bình quân 20kg lúa chỉ xay được 12,3kg gạo, mất khoảng 1,7kg gạo so với các vụ trước. Nguyên nhân do lúa thu đông thu hoạch đợt này bị mưa dầm, đổ ngã khiến chất lượng gạo không đạt.

Giá cà phê trong nước giảm thêm 200 nghìn đồng/tấn

Sáng nay (16/10), giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giao dịch tại 40,4 – 40,6 triệu đồng/tấn, giảm thêm 200 nghìn đồng/tấn so với phiên cuối tuần trước.

Trong nước, vụ thu hoạch mới đã bắt đầu được nửa tháng, và kể từ khi bắt đầu vụ thu hoạch mới đến nay, giá cà phê trong nước giảm khoảng 2,5 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê robusta giao tại cảng FOB (TPHCM) giảm 15 USD so với phiên cuối tuần trước, xuống còn 1.985 USD/tấn, trừ lùi 50 USD so với giá giao tháng 11 tại sàn London.

Phiên hôm qua, giá cà phê robusta sàn Liffe (London) giảm phiên thứ 3 liên tiếp. Hợp đồng cà phê giao tháng 11 giảm 16 USD, tương đương 0,8%, xuống còn 2.036 USD/tấn. Hợp đồng giao tháng 1 giảm 4 USD xuống còn 2.064 USD/tấn.

Trên sàn ICE (New York), giá cà phê arabica cùng đồng loạt giảm. Hợp đồng giao tháng 12 giảm 0,85 cent, tương đương 0,5%, xuống còn 160,85 cent/pound. Hợp đồng giao tháng 3 giảm 0,8 cent xuống còn 165,35 cent/pound.

Theo hãng tin Bloomberg, Brazil, nước sản xuất và xuất khẩu cà phê arabica lớn nhất thế giới đã bán ra được 43% cà phê thu hái từ vụ 2012-2013, so với tỷ lệ 56% cùng kỳ mùa vụ trước. Điều này cho thấy, nông dân Brazil vẫn có xu hướng găm hàng chờ giá lên cao.

Tại Việt Nam, bà con đã bắt tay vào thu hoạch vụ cà phê 2012-2013 được nửa tháng. Dự kiến đầu tháng sau mới có hàng vụ mới bán ra thị trường.

Trồng khoai lang hiệu quả gấp 3 lần trồng lúa

Năm nay các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã mở rộng diện tích khoai lang lên 21.500 ha, tăng 1.800 ha so năm 2011 và trồng nhiều nhất tại các tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Trà Vinh. Năng suất khoai làng toàn vùng bình quân đạt 22,8 tấn/ha/vụ, cao hơn năm 2011 là 0,9 tấn/ha, dẫn đầu 8 vùng kinh tế của cả nước; ước sản lượng cả năm của vùng ĐBSCL đạt 513.000 tấn, tăng 102.500 tấn so năm 2011.

Giá bán khoai củ trong thời điểm bình thường (không khan hàng, sốt giá) dao động từ 3.000 – 4.000đồng/kg, riêng giống khoai tím Nhật có giá từ 6.000 – 7.000 đồng/kg. Nhờ năng suất khoai lang rất cao, tính bình quân mỗi héc ta, người trồng bán được từ 68 – 91 triệu đồng. Trừ hết chi phí (17 – 20 triệu đồng/ha), người trồng thu lãi ít nhất 48 triệu đồng mỗi vụ, gấp 3 lần trồng lúa. Những hộ trồng giỏi, đạt năng suất từ 40 – 50 tấn/ha thì lãi còn cao hơn. Ngoài khoai củ, nông dân còn bán dây khoai giống để có thêm thu nhập. Cứ 200 cọng (đọt non, dài 25-27 cm) bó lại bán được 20.000 đồng (trồng mỗi héc ta cần 500 bó).


Giống khoai lang được nông dân sử dụng phổ biến là khoai lang bí (vỏ đỏ, ruột vàng), khoai trắng (vỏ trắng, ruột trắng), khoai sữa (vỏ màu hột gà, ruột trắng), khoai Dương Ngọc (vỏ tím, ruột tím) và khoai tím Nhật. Ở vùng đất phù sa, nông dân đưa nước vào ngập ruộng, diệt cỏ, sâu rầy và sau đó cuốc, dầm đất và lên giồng. Chân giồng này cách chân giồng kia 30 cm (làm lối đi chăm sóc), mỗi giồng rộng 50 – 60 cm, cao từ 40 – 50 cm.


Các tỉnh ĐBSCL đang phấn đấu mở rộng thị trường tiêu thụ khoai lang tại nước ngoài nhằm tăng diện tích khoai lang, nâng cao thu nhập cho nông dân. Riêng tỉnh Vĩnh Long bắt đầu đã xuất khoai lang sang Nhật Bản, Xingapo , Malaixia , Hồng Công , Hàn Quốc với số lượng 400 tấn, góp phần thúc đẩy diện tích khoai lang của tỉnh tăng thêm 1.300 ha trong năm 2012, chiếm 46% tổng diện tích khoai lang tăng thêm trong vùng ĐBSCL./.

Cà Mau khắc tình trạng thiếu tôm nguyên liệu

Ông Lý Văn Thuận, Chủ tịch Hiệp hội chế biến thuỷ sản tỉnh Cà Mau, cho biết: để khắc phục tình trạng thiếu tôm nguyên liệu phục vụ cho yêu cầu chế biến xuất khẩu, các nhà máy trong tỉnh đã hình thành hơn 100 đại lý thu mua thông qua các thương lái. Thương lái có trách nhiệm đến tận nhà dân ký hợp đồng với nông dân thu mua tôm tại chỗ. Cách làm này nhằm ổn định nguồn tôm nguyên liệu trong dân, tránh để dân bán tôm sang các tỉnh khác trong khi nhà máy tại chỗ thiếu tôm nguyên liệu. Ngoài ra, m ột biện pháp khác cũng được tiến hành đồng thời, đó là tiến hành ký hợp đồng nhập tôm nguyên liệu từ các nước Thái Lan, Ấn Độ… Như vậy về cơ bản hiện nay đã tạm khắc phục được tình trạng thiếu nguyên liệu kéo dài dai dẳng năm này sang năm khác.

Tỉnh Cà Mau có diện tích nuôi tôm cao nhất cả nước với 270.000 ha; sản lượng tôm mỗi năm đạt xấp xỉ 150.000 tấn. Tuy nhiên, sản lượng trên chỉ đáp ứng 60% nhu cầu chế biến. bên cạnh đó, tỉnh cũng có 25.000 công nhân đang trực tiếp làm việc tại 30 nhà máy chế biến hàng thuỷ sản xuất khẩu, đây là lực lượng hùng hậu. Những lúc thiếu nguyên liệu, Cà Mau có trên 15.000 công nhân phải nghỉ việc, các nhà máy không đủ hàng giao cho đối tác. Việc các nhà máy tiến hành nhiều biện pháp thu mua tôm nguyên liệu, kể cả nhập nguyên liệu từ nước ngoài cơ bản đã khắc phục được khó khăn.

Nguồn: Vinanet