Nông sản

ĐBSCL mới bước vào đầu vụ thu hoạch lúa hè thu nhưng giá lúa sụt giảm mạnh, từ 300 - 400 đồng/kg so với tuần trước. Việc tiêu thụ khó khăn khiến nhiều nông dân lo lắng.

Giá ngô hạt đỏ khô tại Đồng Nai giảm 200 đồng, xuống 6.400 đ/kg; ngô hạt đỏ tươi giữ giá ở mức 4.600 đ/kg.

Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), 6 tháng đầu năm 2012, Việt Nam có thể xuất khẩu tổng cộng 3,3 triệu tấn gạo, vượt mốc một nửa mục tiêu xuất khẩu gạo là 3,2 triệu tấn.

Hóa chất phân bón, thuốc trừ sâu

Tại Đồng Nai, giá phân lân Long Thanh và lân Ninh Bình tăng lần lượt 300 đ và 80 đ lên mức 3.150 đ/kg và 3.100 đ/kg.

Thời gian qua thị trường phân bón trong nước diễn biến bất thường, chuyển từ thái cực này sang thái cực khác, từ nóng sang lạnh và từ lạnh sang nóng rất đột ngột. Trong gần 2 tháng nay, đã xảy ra tình trạng phân bón lên giá và khan hiếm cục bộ ở một số nơi, nhất là khu vực ĐBSCL. Theo TCT Phân bón và Hóa chất dầu khí (PVFCCo) – nguyên nhân do đúng vào mưa, việc điều chuyển của PVFCCo gặp khó khăn, đồng thời do lãi suất ngân hàng cao, các doanh nghiệp hạn chế nhập khẩu phân bón. Hơn nữa, một số dự án nhà máy đạm Cà Mau và Ninh Bình cũng chưa hoạt động đúng tiến độ, vì vậy có thời điểm khan hiếm ure ở nhiều địa phương trên cả nước , khiến giá phân bón tăng cao.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, tới đây, thị trường phân bón sẽ sớm ổn định, bởi Nhà máy đạm Cà Mau hiện đã hoạt động ổn định và sẽ chạy hết công suất (800.000 tấn/năm), đồng thời, tháng 7 tới Nhà máy đạm Ninh Bình công suất 560.000 tấn/năm cũng chính thức có sản phẩm thương mại. Hơn nữa, tháng 7 - tháng 8 tới là thời kỳ thấp điểm nên nguồn cung phân bón dự báo sẽ ổn định cả về lượng và giá.

Cao su

Giá cao su SVR3L tại cửa khẩu Móng Cái – Đông Kinh ngày 18/6/2012, giá chưa bao gồm thuế được chào quanh mức 19.000 – 19.100 NDT/tấn, tăng từ 500-600 NDT/tấn so với cuối tuần trước. Thị trường vẫn tiếp tục đóng cửa.

Cà phê

Giá cà phê nhân xô tại các vùng ở Tây Nguyên ngày hôm nay giảm 400 đồng, xuống quanh mức 42.100 – 42.200 đ/kg.

Cà phê Robusta xuất khẩu giá FOB (HCM) có giá 2.050 USD/tấn với mức trừ lùi là 30.

Nấm mối khan hiếm

Các tỉnh có nấm mối nhiều như Hậu Giang, Vĩnh Long, Bến Tre, Cần Thơ, Tiền Giang, thì năm nay cũng rất khan hiếm.

Giá bán tại nhà vườn từ 350 - 400 ngàn đồng/kg, còn trong siêu thị hoặc đưa lên TP.HCM giá từ 500 - 600 ngàn đồng/kg, tăng gấp đôi so với năm ngoái. Theo nhiều nhà vườn ở ĐBSCL: Hàng năm cứ vào mùa mưa từ tháng 4-7 âl, nấm mối xuất hiện nhiều trong các khu vườn cây ăn trái, năm nay do thời tiết không thuận lợi nên nấm mọc giảm hơn so với các năm trước.

Nấm mối là loại nấm mọc tự nhiên, một năm chỉ xuất hiện một lần, kéo dài khoảng 1-2 tháng là tàn. Nếu thu hoạch không đúng cách như đào xới làm sụp lún nơi gò mối thì năm sau, nơi đó không còn xuất hiện nấm mối nữa. Hương vị nấm mối đặc trưng hơn so với các loại nấm khác, nấm ăn rất ngon, ngọt, dòn, có nhiều chất xơ giúp dễ tiêu hóa. Ngoài ra, nấm giúp bổ thận và tăng cường sức khỏe.

Cá chua: giá giảm mạnh

Do tình hình dịch bệnh tôm thường xuyên phát sinh gây hại. Để hạn chế rủi ro trong nuôi trồng thuỷ sản, trong những năm gần đây, xã Cát Khánh , huyện Phù Cát (Bình Định), đã vận động và hướng dẫn ngư dân chuyển sang nuôi trồng theo phương pháp nuôi cộng đồng, dưới hình thức nuôi quảng canh cải tiến, nuôi hỗn hợp tôm, cua, cá...và chỉ nuôi 1 vụ/năm. Từ đó con cá chua đã trở thành vật nuôi chính, góp phần nâng cao hiệu quả nuôi trồng, đem lại thu nhập cho người dân.

Hiện nay người nuôi cá chua ở Cát Khánh đang phải đối mặt với khó khăn, bởi giá cá chua hiện bị rớt một cách thê thảm: Nếu ở thời điểm này năm trước, 1 kg cá chua bán được 110.000 đồng, thì hiện chỉ còn 50.000 đến 60.000 đồng/ 1kg, giảm hơn một nửa, trong khi giá thức ăn tăng hơn 15%. Giá cá giảm cộng với việc tiêu thụ khó khăn, mỗi ngày người nuôi cá ở đây chỉ bán được 30 – 40 kg, trong khi sản lượng cá đến thời kì xuất bán lên trên 40 tấn.

Theo tính toán của người nuôi cá: Để có được 1 kg cá chua tính từ thời điểm vớt ươm cá bột đến khi xuất bán ít nhất là 8 tháng, chi phí hết 80.000 đồng. Với giá cả hiện tại thì mỗi kg cá bị lỗ vốn từ 20.000 đến 30.000 đồng, nhưng mà cũng chẳng bán được vì người mua không có. Còn nếu để đầu tư nuôi tiếp thì không kham nổi tiền thức ăn, mà càng để lâu thì chi phí càng nhiều, mà cá càng lớn lại càng khó tiêu thụ hơn.

Cá chua là loại đặc sản đã từng nổi tiếng, và chỉ có riêng Phù Cát, Phù Mỹ. Nó đã làm hài lòng khách trong và ngoài nước mỗi khi đến Bình Định có dịp được thưởng thức, bởi vị ngọt đậm đà, đằm thắm. Song vị ngon ngọt đó chỉ có thể có sau khi vớt từ ao lên và chế biến ngay. Nên là loại cá không thể chế biến để lâu được.

Giá cá tra giảm mạnh

Tại ĐBSCL, các doanh nghiệp chế biến thủy sản hạn chế mua nên cá tra nguyên liệu giảm giá mạnh chỉ còn 20.000 đồng/kg và rất khó tiêu thụ.

Theo Phó chủ tịch Hiệp hội Nghề nuôi và chế biến thủy sản An Giang, cá tra nguyên liệu khó tiêu thụ và giảm giá do thị trường xuất khẩu tiếp tục gặp khó, đồng thời nhiều doanh nghiệp thiếu vốn mua để chế biến.

Với mức giá trên người nuôi lỗ từ 5.000 đồng/kg nên có thêm hàng loạt nông dân bỏ nghề, treo ao. Giá cá nguyên liệu giảm cùng với việc người nuôi ngưng đầu tư nuôi mới đã làm giá cá giống sụt giảm mạnh, hồi đầu năm trên 40.000 đồng, hiện dưới 20.000 đồng/kg.

Nguồn: Vinanet