Giá gạo xuất khẩu tăng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu Việt Nam trong tuần qua đã tăng lên bởi nguồn cung đang hạn hẹp dần khi vụ thu hoạch sắp kết thúc, trong khi Thái Lan tiếp tục chương trình thu mua tạm trữ cũng đẩy giá tăng lên.

VFA đã khuyến cáo các hội viên tăng giá xuất khẩu sau khi vụ thu hoạch kết thúc do giá sẽ còn tăng hơn nữa sau kỳ nghỉ lễ dài ngày. Hiện gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng từ 425 USD/tấn lên 430-440 USD/tấn; gạo 25% tấm tăng từ 370-380 USD/tấn lên 400-410 USD/tấn.

Theo VFA, khối lượng gạo đã ký hợp đồng xuất khẩu đến nay đạt 4,219 triệu tấn, tăng gần 24% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện các doanh nghiệp đã mua tạm trữ được gần 1,1 triệu tấn gạo, đạt 108% so với kế hoạch. Các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long sắp thu hoạch xong 1,7 triệu ha lúa vụ đông xuân, vụ có năng suất cao nhất từ trước tới nay.

Có khả năng thiếu đường trong 4 tháng tới

Theo bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nếu không có chính sách tạm trữ thì khả năng đến tháng 8, 9/2012 thị trường sẽ bị thiếu đường.

Theo bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến ngày 15/4 đã có 16 nhà máy đường dừng sản xuất. Các nhà máy đã ép được 12,615 triệu tấn mía, sản xuất được 1,118 triệu tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng 1,28 triệu tấn, lượng đường sản xuất tăng 78,7 nghìn tấn.

Lượng đường tồn tại kho các nhà máy tính đến ngày 15/4 là 355 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 169,9 nghìn tấn. Lượng đường các nhà máy bán ra từ  15/3 đến 15/4 là 219,7 nghìn tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 146,8 nghìn tấn.

Lượng đường tiêu thụ tăng được giải thích là do các doanh nghiệp kinh doanh thu mua và xuất khẩu sang Trung Quốc.

Theo số liệu báo cáo của các nhà máy cho Hiệp hội mía đường Việt Nam, vụ sản xuất 2011-2012 dự kiến ép được 14,6 triệu tấn mía, sản xuất được 1,313 triệu tấn đường, giảm 87 nghìn tấn so với kế hoạch ban đầu.

Sản lượng đường dự kiến sản xuất được từ nay đến cuối vụ là 195 nghìn tấn, cộng với số lượng đường tồn kho 355 nghìn tấn và lượng đường sẽ nhập khẩu theo thỏa thuận WTO 70 nghìn tấn thì tổng lượng đường có từ nay đến đầu vụ sau là 620 nghìn tấn. Lượng đường này vừa đủ cho nhu cầu trong nước từ nay đến đầu vụ sau và thực tế còn bị thiếu nếu không tính đường nhập lậu.

Hiện do nhu cầu tăng nên giá đường khu vực miền Nam và miền Trung tăng khoảng 200-500 đồng/kg. Ở miền Bắc, giá vẫn giữ nguyên và có nhà máy giảm giá khoảng 300 đồng/kg so với tháng trước. Hiện nay, giá bán đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại kho nhà máy trên cả nước phổ biến ở mức 16,5 -16,7 nghìn đồng/kg.

Nắng nóng, hoa quả đắt hàng

Các loại hoa quả giải nhiệt mùa hè đang đắt hàng và giá tăng. Những loại hoa quả được người tiêu dùng chọn lựa nhiều nhất để giải nhiệt trong những ngày nắng nóng thường là dưa hấu, cam, dừa tươi, chanh leo, thanh long...
Tại thị trường Hà Nội: cam sành có giá 45.000 đồng/kg, cam đường 40.000 đồng/kg, dưa hấu giá 20.000 đồng/kg loại ngon, dưa hấu loại thường giá 12.000 đồng/kg, thanh long giá 42.000 đồng/kg.
Hiện giá dừa cũng tăng thêm 1.000 đồng/quả, từ mức 13.000đồng lên 14.000 đồng/quả. Tuy nhiên, lượng dừa bán gia vẫn không hề giảm.

Theo một số tiểu thương tại Hà Nội, ngoài lý do thời tiết nắng nóng, phần lớn các loại hoa quả bán trên thị trường Hà Nội đều được nhập khẩu và gom về từ khắp các tỉnh trong nước, trong khi đó giá xăng dầu, cước vận chuyển liên tục tăng khiến hoa quả cũng "đội giá" lên theo là điều khó tránh khỏi.
Đại diện siêu thị BigC Thăng Long cũng cho biết, do thời tiết nắng nóng nên lượng hoa quả tiêu thụ tại các siêu thị cũng tăng lên đáng kể.

Nguồn: Vinanet