Ca cao được mùa, giá tăng; sầu riêng đạt giá kỷ lục; lúa Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long được giá; giá cà phê Tây Nguyên tăng;… 

Ca cao được mùa, giá tăng

Theo nhiều hộ trồng ca cao ở các huyện Đinh Quán, Tân Phú, Thống Nhất tỉnh Đồng Nai, vụ thu hoạch ca cao năm nay không chỉ đạt về sản lượng mà còn được cả giá bán. Hiện giá ca cao tươi bán tại vườn đạt hơn 5.000 đồng/kg, hạt khô có giá 56.000 đồng/kg, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với được mùa, được giá, một số doanh nghiệp còn xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Hiện nay doanh nghiệp và Trung tâm ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai đang triển khai đề tài mô hình chuỗi liên kết sản xuất và chế biến ca cao chất lượng. Theo đó, giai đoạn đầu doanh nghiệp sẽ xây dựng mô hình thí điểm trồng ca cao năng suất với vườn cây giống đầu dòng để tạo ra những giống tốt, năng suất cao từ đó nhân rộng ra cho nông dân.
Sầu riêng đạt giá kỷ lục

Những ngày đầu tháng 11/2014, nông dân vùng chuyên canh sầu riêng ở Tiền Giang phấn khởi bởi loại quả đặc sản này có giá kỷ lục. Theo Bí thư Đảng ủy xã Tam Bình (huyện Cai Lậy), vùng chuyên canh sầu riêng lớn của tỉnh, giá sầu riêng thương lái thu mua trên dưới 70.000 đồng/kg đối với giống sầu riêng Mong Thong, trên 60.000 đồng/kg đối với giống sầu riêng Ri 6, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm trước, tăng khoảng 20.000 đồng/kg so với tháng trước. Đây là giá cao kỷ lục từ trước đến nay.

Thời gian qua, Tiền Giang đã xây dựng được vùng trồng chuyên canh sầu riêng khoảng 7.000 ha tập trung tại các xã ven sông Tiền thuộc huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Trong đó, khoảng 6.000 ha đang cho trái. Gần đây, áp dụng kỹ thuật xiết nước và thâm canh khoa học, nông dân vùng trồng sầu riêng chủ động thu hoạch rải vụ quanh năm tránh tình trạng trúng mùa, mất giá. Với năng suất bình quân 20 tấn/ha và giá hiện nay, nông dân có sầu riêng thu hoạch đúng thời điểm này đạt giá trị sản lượng 1,2 - 1,4 tỷ đồng/ha, sau khi trừ chi phí lãi không dưới 1 tỷ đồng. Những nông dân sản xuất giỏi có thể đạt năng suất đến 40 tấn/ha, thu nhập cao gấp đôi. Nhiều hộ dân vùng chuyên canh sầu riêng trở thành tỉ phú chỉ sau một vụ bội thu.

Lúa Thu Đông tại Đồng bằng sông Cửu Long được mùa, được giá

Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, hiện nay, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã thu hoạch được 470.000 ha trong trong số 732.000 ha lúa Thu Đông, với năng suất bình quân đạt 5 tấn/ha, tăng 0,1 tấn/ha so vụ Thu Đông năm ngoái, và sản lượng đạt 2,35 triệu tấn.
Các trà lúa còn lại đang phát triển tốt nên sản lượng vụ Thu Đông có thể đạt 3,7 triệu tấn.

Cộng với sản lượng lúa Đông Xuân, Hè Thu và vụ mùa, sản lượng lúa năm 2014 toàn vùng ước đạt 25,5 triệu tấn, tăng 500.000 tấn so năm 2013, chiếm 56% sản lượng lúa cả nước. Với lượng lúa dồi dào, đến nay, các tỉnh ĐBSCL đã chế biến xuất khẩu 5,1 triệu tấn, đạt 78% kế hoạch năm, giá trị đạt 2,32 tỷ USD.

Cùng với được mùa, nông dân cũng phấn khởi vì đạt mức lãi 35% trở lên, cao nhất từ trước đến nay. Mức giá lúa khô tại kho (loại thường) từ 5.700-5.800 đồng/kg, lúa dài khoảng 5.850-5.950 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm từ 7.550-7.650 đồng/kg. Gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm có giá từ 7.400-7.500 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm 5% tấm từ 8.900 – 9.000 đồng/kg, gạo 15% tấm từ 8.550 - 8.650 đồng/kg và gạo 25% tấm khoảng từ 8.000 - 8.100 đồng/kg.

Gía cá sấu tăng đột biến

Thời gian gần đây, giá cá sấu tại Cà Mau tăng đột biến. Cụ thể, nếu thời gian trước (tháng 10 trở về trước), giá cá sấu thương phẩm trung bình từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, thì hiện nay lên tới 400.000 đ/kg. Mỗi ngày, hàng chục thương lái tới địa phương mua hàng, nhiều hộ nuôi cá sấu đạt được mức lợi nhuận khá từ đợt tăng giá này.

Việc giá cá sấu tăng mạnh đã khiến nhiều nhà xây chuồng nuôi cá sấu. Theo đó, giá cá sấu con với chiều dài 2 cm, trước đây chỉ 200.000 đồng/con nay lên tới 500.000 đồng/con nhưng vẫn không đủ hàng để bán.

Trước tình hình trên, ông Lê Văn Hải, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cho biết, bà con nên thận trọng khi nuôi cá sấu bởi thị trường tiêu thụ không ổn định. Từ trước tới nay, cá sấu chỉ xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng số lượng không đáng kể. Thời điểm nào, cá sấu xuất được nhiều thì thương lái đẩy giá lên cao, nhưng về lâu dài, cá sấu khó xuất khẩu được nhiều vì phụ thuộc chủ yếu vào một thị trường. Trường hợp, bà con ồ ạt nuôi cá sấu sẽ gặp nhiều rủi ro.


Theo quy định, cá sấu là loài động vật hoang dã quí hiếm, người dân muốn nuôi cá sấu phải đến đăng ký cơ quan chức năng, cụ thể là Chi cục Kiểm lâm để được cấp phép. Hiện, Cà Mau có khoảng 30.000 con cá sấu, nhiều hộ nuôi cá sấu đẻ. Một số hộ, mỗi năm, lượng cá sấu con ra đời lên tới 3.000 con. Trong khi đó, số hộ đăng ký chỉ chiếm 50%, còn lại là nuôi chui, chuồng trại không an toàn, rất nguy hiểm cho cộng đồng và xã hội.

Giá cà phê Tây Nguyên tăng
Sáng nay (4/11), giá cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên, nối tiếp phiên cuối tuần trước, tăng tiếp 300.000 đồng/tấn lên 39,5-40,5 triệu đồng/tấn.

Giá cà phê robusta giao tại cảng TP.HCM giá FOB hôm nay tăng 15 USD/tấn từ 2.023 USD/tấn hôm qua lên 2.038 USD/tấn.

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet