Trái cây mùa tết ở ĐBSCL: Giá tăng nhờ... sản lượng giảm" 

Gần một tháng nay, giá các loại bưởi Năm Roi, da xanh ở vùng ĐBSCL liên tục tăng. Bưởi Năm Roi ở Hậu Giang, Vĩnh Long nhà vườn bán được giá 13.500 - 14.000 đồng/kg (loại 1kg/trái trở lên).

Riêng bưởi da xanh giá vọt lên đến 36.000 đồng/kg, tăng gần gấp đôi so với ngày thường. Ông Nguyễn Văn Phúc ở xã Phú Hữu (huyện Châu Thành, Hậu Giang) cho biết, 5 công bưởi Năm Roi của gia đình sản lượng ước đạt trên 5 tấn trái. Cách nay hơn một tháng, thương lái đã vào “đặt hàng” với giá trên 50 triệu đồng. Quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp) - loại trái cây đặc sản nổi tiếng mùa tết - giá liên tục nhích lên và hiện ở mức 25.000 - 30.000 đồng/kg, mức giá cao nhất từ trước tới nay.

Còn ở huyện Long Mỹ (Hậu Giang), giá quýt đường thương lái đặt cọc lên đến 35.000 đồng/kg. Nhà vườn trồng nhãn ở Sóc Trăng, Đồng Tháp... cũng bán được giá cao: Từ 17.000 - 20.000 đồng/kg, trong khi hơn một tháng trước giá chỉ dao động 10.000 - 12.000 đồng/kg.
Theo ước tính của ngành NNPTNT các địa phương vùng ĐBSCL, diện tích vườn bưởi Năm Roi bị sâu đục trái gây hại ước lên đến 50%, vì vậy sản lượng giảm khá mạnh do đó, càng cận tết, giá loại quả này cũng như quyết hồng Lai Vung càng tăng mạnh.

Thực phẩm gia đình sản xuất lên ngôi

Thực phẩm “homemade”, do cá nhân hoặc gia đình sản xuất và bán với số lượng nhỏ đang trở thành một xu hướng sắm Tết của người dân Hà Nội.

Điển hình như chủ cửa hàng Bể Cá (Tô Hiến Thành, Hà Nội). Món “tủ” ở đây được nhiều người ưa thích, là cá kho, bánh chưng bờ đậu, mứt quất, lõi bò ngâm nước mắm… cả canh măng ninh móng sườn bán Tết, nhưng số lượng rất hạn chế, chỉ hơn chục bát bán cho bạn bè.

Để thỏa mãn niềm đam mê ẩm thực, nấu nướng, chế biến món ăn, mới đầu chủ cửa hàng này chỉ nấu trong quy mô gia đình, rồi chia sẻ bạn bè.

Về sau, từ bạn bè, các món ăn ở đây được nhiều người rỉ tai nhau, đặt làm thêm. Dần dần, khách hàng tìm tới đặt hàng ngày một đông, nhất là dịp Tết. Nay thì đã thành lệ, cứ trước Tết tại đây tấp nhận đơn hàng.

Tự tay chọn, kiểm soát thực phẩm đầu vào, chủ cửa hàng này luôn cố gắng loại bỏ các thực phẩm kém chất lượng. Với cá, tôm thì con nào phải nhảy tanh tách mới được lựa chọn...

Đồ ăn homemade, đặc biệt là các thực phẩm bán Tết, đang trở thành lựa chọn ưu tiên của các gia đình ở Thủ đô. Giá loại thực phẩm này thường đắt hơn ngoài thị trường, nhưng vẫn được người mua chấp nhận, vì thường bán qua kênh bạn bè, gia đình, người quen… và được “chứng nhận” bằng mắt thấy, tai nghe về nguồn gốc thực phẩm cũng như cách thức chế biến.

Nắng nóng, mai cảnh giảm giá 50%

Chỉ còn 4 ngày nữa là sang năm Quý Tỵ, nhưng lượng cây cảnh phục vụ Tết tại nhiều khu vực Hà Nội vẫn còn khá lớn. Cách đây 1 tuần, nhiều chủ cửa hàng bán mai Tết còn hét giá 600.000 đồng đến 900.000 đồng một chậu mai bonsai, đắt gấp rưỡi năm ngoái, thì đến thời điểm này, nhiều nơi đã phải trưng biển giảm giá, thậm chí khuyến mãi tới 50%.

Tuy nhiên, dù giảm giá, những cây mai như thế này vẫn được rao ở mức 200.000 đồng đến 400.000 đồng một chậu. Ngoài những gốc mai nở sớm phải bán gấp, những chậu mai còn nhiều nụ và dáng đẹp vẫn giữ giá trên 500.000 đồng một chậu. Nhiều chủ hàng cho hay, phải đến chiều ngày 28 Tết mới phá giá, vì nhiều người vẫn giữ thói quen mua sắm cận Tết, nên có thể sức mua sẽ chuyển biến trong mấy ngày tới.

Giá gà, thủy hải sản nhích lên

Hai ngày nay, gà ta mái dầu đắt thêm 5.000 đồng một kg, lên 190.000 đồng. Là mặt hàng nóng mỗi khi đến Tết nên giá gà đã nhích từ 23 tháng chạp và dự báo còn tăng cao, nhất là vào sáng 29 Tết.

Người tiêu dùng chọn gà ta để cúng Tết nên đây là mặt hàng biến động giá mạnh nhất so với gà công nghiệp, gà tam hoàng. Trong ảnh là gà công nghiệp, sáng nay tăng 2.000 đồng một kg. Riêng gà ta tăng 5.000 đồng, bán ra 190.000 đồng.

Người tiêu dùng chọn gà ta để cúng Tết nên đây là mặt hàng biến động giá mạnh nhất so với gà công nghiệp, gà tam hoàng. Trong ảnh là gà công nghiệp, sáng nay tăng 2.000 đồng một kg. Riêng gà ta tăng 5.000 đồng, bán ra 190.000 đồng.

Những nơi đặt gà cúng hiện đã báo giá lên so với ngày thường.

Tại các điểm bình ổn, cánh gà công nghiệp 82.000 đồng một kg, đùi tỏi 54.000 đồng, đùi gà góc tư 49.000 đồng.

Thủy hải sản hôm nay cũng lên giá so với trước 23 tháng chạp. Cá điêu hồng tăng 5.000-10.000 đồng một kg, lên 45.000 đồng; cá lóc 60.000 đồng, thay vì 50.000 đồng như trước; cá rô bán 40.000 đồng, đắt thêm 5.000 đồng.

Giá muối tăng, giá đường giảm mạnh

Thông tin khảo sát từ Bộ NN-PTNT cho biết, hiện nay giá thu mua muối của diêm dân đang có dấu hiệu nhích lên.

Nguyên nhân do trong tháng đầu năm 2013, thời tiết ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung thường xuyên chịu ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc, trời ít nắng còn các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long lại liên tục có mưa trái vụ nên lượng muối làm ra sụt giảm.

Ước tính đến gần cuối tháng 1-2013, sản lượng muối đạt 19.237 tấn, giảm khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước. Hiện tại, giá muối ở miền Bắc đang tăng nhẹ lên mức 1.500 - 2.800 đồng/kg, Trung bộ từ 1.600 - 2.200 đồng và đồng bằng sông Cửu Long là 1.500 - 1.800 đồng/kg.

Trong khi đó, giá đường bán ra hiện lại đang sụt giảm, nguồn cung tăng mạnh. Đến cuối tháng 1-2013 đã có 36/38 nhà máy đường đi vào sản xuất, các nhà máy đã ép được 6.191.000 tấn mía, sản xuất được 517.100 tấn đường. So với cùng kỳ năm trước, lượng mía ép tăng 635.000 tấn, lượng đường sản xuất tăng 56.000 tấn. Đến thời điểm này lượng đường tồn tại kho các nhà máy vẫn còn khoảng 243.600 tấn, cao hơn cùng kỳ năm trước 92.600 tấn.

Mặc dù trong thời gian qua, các doanh nghiệp kinh doanh đã và đang đẩy mạnh thu mua đường để xuất bán sang Trung Quốc nhưng giá bán đường trắng loại 1 đã có thuế VAT tại kho nhà máy trên cả nước vẫn tiếp tục bị sụt giảm, giá tại miền Nam và miền Trung phổ biến từ 13.500 - 14.000 đồng/kg, miền Bắc 14.000 - 14.500 đồng/kg (giảm so với tháng trước khoảng 500 đồng và cùng kỳ năm trước là 3.000 đồng/kg).

 

Nguồn: Vinanet