(VINANET)

Hoa quả tăng giá

Tuy giá cả tăng cao, nhưng các loại hoa quả giải nhiệt mùa hè vẫn đắt hàng. Những loại quả được người tiêu dùng lựa chọn nhiều nhất trong những ngày nắng nóng là dưa hấu, cam, dừa tươi, chanh leo, thanh long.

Các loại hoa quả tươi như dưa hấu tăng 5.000 -7.000 đ/kg so với tháng trước. Hiện cam sành có giá 45.000 đồng/kg, cam đường 40.000 đồng/kg, dưa hấu giá 20.000 đồng/kg loại ngon, dưa hấu loại thường giá 12.000 đồng/kg, thanh long giá 42.000 đồng/kg.

Giá dừa cũng tăng thêm 1.000 đồng/quả, từ mức 13.000đồng lên 14.000 đồng/quả. Tuy nhiên, lượng dừa bán ra vẫn không hề giảm.

Ngoài nguyên nhân giá hoa quả tăng do thời tiết nóng, còn do phần lớn các loại hoa quả bán trên thị trường Hà Nội đều được nhập khẩu và gom về từ khắp các tỉnh trong nước, trong khi đó giá xăng, dầu, cước vận chuyển liên tục tăng.

Giá cá tra tăng trở lại

Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) - cho biết sau một thời gian dài rớt giá mạnh, hiện giá cá tra nguyên liệu trong nước đã tăng 1.500 đồng/kg chỉ trong 3-4 ngày.

Trong ngày cuối tuần, các doanh nghiệp ra giá 24.000 đồng/kg nhưng vẫn không có nhiều cá để mua.

Nguyên nhân cá tăng giá trở lại là tại hội chợ thủy sản ở Bỉ cuối tháng 4-2012, các nhà nhập khẩu ở châu Âu, Mỹ, Brazil... biết được thông tin sản lượng cá tra nguyên liệu ở VN không còn nhiều, trong khi nhu cầu tiêu thụ hiện rất lớn.

Thị trường nhập khẩu cá tra VN hiện có nhiều kích cỡ, đặc biệt là loại lớn trên 1kg. Tuy nhiên do mấy tháng trước nông dân đã bán rất nhiều cá nhỏ dưới 1kg nên hàng không còn nhiều. Hiện giá thức ăn thủy sản đã tăng 5-10% dẫn đến chi phí nuôi cá tăng. Để tránh bị thiệt hại và có lãi, VASEP khuyến cáo nông dân chờ cá lớn và giá tăng trên 25.000 đồng/kg mới bán.

Phân bón

Giá phân urê tiếp tục xu hướng tăng từ cuối tuần trước. Tại xã Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp giá urê Phú Mỹ và urê của Trung Quốc đều được bán lẻ với giá 570.000 đ/bao 50 kg, cao hơn 2 tuần trước 70.000 đ/bao. Ở Bình Phước giá urê Phú Mỹ cũng được đẩy lên 565.000 đ/bao, cao hơn trước lúc nghỉ lễ 30.000 đ/bao. Nhiều đầu mối nhập khẩu phân bón lớn cho biết, giá lên do giá nước ngoài tăng từ 10-20 USD/T (FOB). Trung Quốc, bạn hàng xuất khẩu phân urê lớn nhất cho Việt Nam giá đã tăng 70 – 100 NDT/T (2.400 – 2.450 NDT/T) tùy theo thị trường từng tỉnh. Lào Cai, cửa khẩu nhập khẩu phân bón mậu biên chính cũng đang tình trạng khan hàng do Trung Quốc chưa dỡ bỏ lệnh cấm mậu biên để tập trung cho nội địa và xuất khẩu chính ngạch.

Nửa tháng nay, thị trường nhiều tỉnh phía Bắc xảy ra hiện tượng khan hiếm phân bón urê cục bộ trong khi nhu cầu sử dụng phân bón đang tăng.

Tại Hải Phòng, ngay đại lý cấp 1 của Đạm Phú Mỹ cũng không có hàng để bán, hoặc chỉ nhận vài trăm tấn phân urê cho mỗi đơn hàng. Do vậy, hiện nay giá urê tại Hải Phòng đã lên tới 10.800 đồng/kg, nhưng cũng không có hàng để mua. Theo một doanh nghiệp kinh doanh phân bón lâu năm tại Hải Phòng, các nhà phân phối được giải thích nguyên nhân khan hiếm urê là do các nhà máy Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau đang bảo dưỡng, nên giảm sản lượng cung cấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy không chỉ Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau khan hiếm, mà ngay cả Đạm Hà Bắc cũng khan hiếm vì lý do tương tự.

Lý do khan hàng còn phải kể đến bất cập của nhà máy Đạm Cà Mau. Do ở rất xa, đường giao thông nhỏ, hàng chỉ đi 1 chiều (ô tô phải chạy không về Cà Mau để nhận hàng) nên phí vận tải tăng mạnh quá sức chịu đựng. Một thông tin khác, nhà máy Đạm Ninh Bình công suất 560.000 T/năm có kế hoạch sản xuất những tấn đạm đầu tiên vào đợt kỷ niệm 37 năm giải phóng miền Nam nhưng do trục trặc hệ thống bơm nên phải hoãn lại, mặc dù nhà máy này mỗi ngày cứ vẫn phải đốt 3.300 T than.

Hà Bắc, nhà máy phân đạm có công suất 180.000 T/năm sản xuất không đủ cung cho thị trường các tỉnh phía Bắc nên chỉ ưu tiên cho các hợp đồng trước. Phú Mỹ, nhà máy sản xuất urê lớn nhất Việt Nam công suất 750.000 T/năm không đủ cho nhu cầu khi cả 3 miền đều vào vụ.

Dự báo giá urê trong nước sẽ tiếp tục tăng theo giá thế giới. Việc tăng chi phí sản xuất phân urê do giá dầu mỏ tăng sẽ còn tiếp tục và các nhà nhập khẩu Việt Nam vẫn theo dõi diễn biến để nhập khẩu theo kiểu nhập ít, giải phóng hàng nhanh để giảm rủi ro và lãi suất.

Giá xăng dầu nhập khẩu đồng loạt giảm

 Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết tất cả mặt hàng xăng dầu nhập khẩu gồm xăng A92, A95, dầu DO, FO, dầu hỏa đều giảm giá trong tháng 4.

Cụ thể, xăng A92 giảm từ mức 134,48 USD/thùng trung bình trong tháng 3 xuống còn mức trung bình trong tháng 4 là 131,36 USD/thùng, tức giảm 3,11 USD/thùng.

Tương tự, trong tháng 4, dầu hỏa giảm 2,92 USD/thùng, dầu DO giảm 3,06 USD/thùng và dầu FO giảm 18,22 USD/tấn so với tháng 3-2012.

Theo tính toán, với mức giảm giá nhập khẩu như trên, mặt hàng xăng A92 đang có lời 500-600 đồng/lít.

Các đại lý bán lẻ xăng dầu cho hay do giá thế giới giảm nên doanh nghiệp đầu mối xăng dầu đã tăng chiết khấu cho đại lý từ mức 200-250 đồng hồi giữa tháng 4/2012 lên mức hiện nay là 400-550 đồng/lít tùy mặt hàng và đơn vị nhập khẩu.

Chưa có chủ trương áp giá điện riêng cho sản xuất sắt thép, xi măng

Phó cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương và Bộ Tài chính chưa có chủ trương tăng giá điện ở thời điểm này. Việc tăng giá điện sẽ được cân nhắc ở thời điểm thích hợp, đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của doanh nghiệp và an sinh xã hội và phù hợp với Quyết định 24/2011/QĐ-TTg (Quyết định 24) của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, việc điều chỉnh giá điện chỉ thực hiện khi các biến động xã hội đáp ứng điều kiện của Quyết định 24.

Về vấn đề thả nổi giá điện đang có sự khác biệt khi Bộ Tài chính đề nghị giá bán lẻ điện do Thủ tướng phê duyệt còn Bộ Công thương đề nghị thả nổi, ông Phúc cho biết, hai dự thảo luật này sẽ được trình Quốc hội xin ý kiến và Quốc hội sẽ quyết định quản lý giá điện theo hướng nào.

Thanh long được giá cả vụ

Hiện thanh long loại đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (da bóng đẹp, có trọng lượng từ 300 gam trở lên/trái) được thương lái đến tại vườn của bà con thu mua với giá 15.000 - 16.000 đồng/kg; 10.000 - 13.000 đồng/kg đối với thanh long loại 2.

Đặc biệt, trường hợp nhà vườn bán tại các vựa hay những đại lý phân phối thanh long xuất khẩu có giá rất cao, lên đến 21.000 - 23.000 đồng/kg.

Theo bà con nông dân trồng thanh long tại huyện Chợ Gạo, nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc và các nước đang ở mức cao, trong khi đó nguồn cung khan hiếm dần do bước vào cuối vụ nghịch nên giá vẫn giữ ở mức cao. 

Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cho biết, Tiền Giang hiện có khoảng 2.500 héc ta diện tích đất chuyên canh thanh long. Tỉnh cũng đang có kế hoạch triển khai đề án mở rộng diện tích chuyên canh thanh long đến năm 2015 đạt 5.000 héc ta, tăng gấp đôi so với hiện tại.  

Cao su

Thị trường biên giới vẫn tiếp tục bị đóng cửa. Giá cao su SVR3L tại cửa khẩu Móng Cái-Đông Kinh được chào quanh mức 23.000 NDT/tấn, giảm 200 NDT so với cuối tuần trước.

Hiện nay, khoảng 20% số khách hàng Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cao su hỗn hợp (nguyên liệu gốc là SVR3L), giá gần 24.000 NDT/tấn, giao dịch hệ chính ngạch

Mủ cao su tươi của vụ khai thác mới cũng đang là mặt hàng phía đối tác Trung Quốc có nhu cầu nhập khẩu cao. Giá mủ tươi hàm lượng 70% hiện ở mức 19.500 NDT/tấn. Khách hàng nhập khẩu hầu hết là thuộc khu vực thị trường Quảng Tây, Quảng Đông, có địa lý thuận lợi liền kề cửa khẩu, giao nhận và vận chuyển hàng nhanh gọn, hạn chế rất lớn việc mủ cao su xuống cấp, tránh thiệt thòi cho cả hai bên. Hiện nay, sản lượng mủ cao su tươi xuất khẩu còn rất ít, chỉ đạt khoảng 100 tấn/ngày, trong khi nhu cầu nhập khẩu của đối tác cao gấp 4-5 lần số lượng hiện xuất khẩu.

Cà phê

Giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên có giá quanh mức 39.700 – 39.800 đồng/kg. Giá cà phê xuất khẩu FOB (HCM) được chào ở mức 1.990 USD/tấn, với mức trừ lùi là 30.

Theo báo cáo mới nhất của Tổ chức cà phê quốc tế (ICO), Việt Nam đứng đầu thế giới về xuất khẩu cà phê tháng 3 với 2,6 triệu bao.

So với nước đứng thứ 2 là Brazil, sản lượng cà phê Việt Nam tháng 3 cao hơn 18,2%. Trong tháng 3, Brazil xuất khẩu gần 2,2 triệu bao.

Tính chung từ tháng 10/2011-3/2012, Việt Nam xuất khẩu 11,3 triệu bao cà phê, thấp hơn 28% so với mức 15,7 triệu tấn của nước dẫn đầu là Brazil.

Khoảng cách về lượng xuất khẩu của Việt Nam và Brazil từ tháng 10/2011-3/2012 so với các nước tiếp theo là rất lớn. Ví dụ Colombia đứng thứ 3 xuất khẩu 3,94 triệu bao, Indonesia thứ 4 với 2,677 triệu bao, Ấn Độ thứ 5 với 2,676 triệu bao.

Trong những tháng tới, Việt Nam sẽ không giữ được vị trí số 1 về xuất khẩu cà phê và giá sẽ giảm mạnh do Brazil sẽ thu hoạch cà phê vào tháng 6. Nhiều nhà phân tích dự báo Brazil sẽ bội thu trong vụ thu hoạch năm nay.

 

Nguồn: Vinanet