Giá đường trong nước giảm mạnh

Mọi năm, thường vào đầu tháng 8 giá đường trên thị trường lên cơn sốt do các nhà máy đã kết thúc vụ sản xâuts và nhu cầu đường cho sản xuất bánh kẹo mùa Tết Trung thu, tuy nhiên trong tuần qua, giá đường trong nước đã bất ngờ giảm mạnh, từ 25.000 – 26.000 đồng/kg xuống còn 23.000 đồng/kg.

Theo Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tốc độ tiêu thụ đường do các nhà máy trong nước đang chậm lại mà nguyên nhân chính của tình trạng trên là do sức ép quá lớn của đường ngoại nhập lậu qua biên giới Tây Nam. Trước đây, trung bình mỗi tháng các nhà máy tiêu thụ trên dưới 100 nghìn tấn đường. Nay chỉ còn 50.000-60.000 tấn. Giá đường do các nhà máy bán ra hiện đã giảm xuống dưới 16.000 đồng/kg (bán sỉ tại nhà máy), nhưng việc tiêu thụ đường vẫn đang rất khó khăn. Đến ngày 31/7, lượng đường còn tồn là 226.376 tấn (trong đó tồn kho tại các nhà máy đường là 212.349 tấn, tồn kho tại các công ty thương mại là 14.027 tấn).

Hiệp hội mía đường Việt Nam dự báo trong niên vụ này, giá thành sản xuất mía của nông dân (bao gồm cả công thu hoạch) sẽ ở mức bình quân 800 đồng/kg. Với giá bán mía 1.100 đồng/kg tại nhà máy mà hiệp hội đang khuyến nghị các nhà máy thì giá thành đường sẽ từ 14.000-16.000 đồng/kg.

Do vậy, nếu giá đường bán lẻ trên thị trường tiếp tục xuống thấp, có khả năng giá mua mía của nông dân trong niên vụ đường 2012-2013 sẽ giảm xuống.

Giá cá tra nguyên liệu tiếp tục tăng

Tại các tỉnh khu vực ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu trong tuần tiếp tục tăng.

Giá cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (0,8-0,9 kg/con, thịt trắng) tại An Giang có giá 22.500 đ/kg; cá quá lứa , chất lượng thịt xấu cũng được các doanh nghiệp thu mua khoảng 20.000 – 21.00 0dd/kg.

Tại các tỉnh Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Tiền Giang, Giá cá tra cũng tăng trở lại và hiện dao động quanh mức giá 20.000 – 22.000 đ/kg (tùy loại và địa phương).

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, nguyên nhân giá cá tra trăng trở lại là do một số doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra được hỗ trợ tài chính, thị tiêu thụ khởi sắc.

Hóa chất , phân bón

Trong tuần qua, tại Đồng Tháp giá phân DAP giảm lại 200 đ còn 13.400 đ/kg; Bạc Liêu phân uê giảm 15.000 đ/bao còn 525.000 đ/bao, DAP giảm 10.000 đ/bao còn 700.000 đ/bao.

Theo Bộ Công Thương, tình hình sản xuất phân bón 7 tháng đầu năm 2012 khá ổn định, giá các loại phân bón cũng không có nhiều biến động.

Cụ thể, sản lượng phân urê 7 tháng đạt 896,5 nghìn tấn, tăng 61,4% so với cùng kỳ. Phân DAP đạt 155,7 nghìn tấn, tăng 28,5% so với cùng kỳ. Đáng lưu ý, lượng phân bón nhập khẩu 7 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ ở mức 10,2%. Nguyên nhân là do hiện nay Nhà máy Đạm Cà Mau đã đi vào hoạt động ổn định nên nguồn cung trong nước dồi dào đã khiến lượng phân bón nhập khẩu giảm.

Dự báo, trong thời gian tới nhu cầu phân bón sẽ tăng đột biến do cả nước bước vào vụ đông xuân. Bên cạnh đó, Ấn Độ, Trung Quốc được dự báo sẽ tăng giá xuất khẩu nhiều loại phân bón và một số nước thực hiện chính sách không khuyến khích xuất khẩu để dùng trong nước. Do đó, để giải quyết bài toán cung cầu và góp phần hạ nhiệt, bình ổn thị trường phân bón Bộ Công Thương khuyến cáo các nhà máy sản xuất liên tục đảm bảo nguồn cung cho thị trường.

Lúa gạo

Giá lúa gạo trong tuần qua đã tăng khá mạnh trở lại. Hoạt động thu mua tạm trữ cho vụ lúa hè thu đang diễn ra được coi là trợ lực cho thị trường. Tuy nhiên, thì giá khó có thể tăng xa hơn nữa trong thời gian tới do thị trường xuất khẩu khó khăn khi phải cạnh tranh với nhiều nguồn cung khác trong khi nhu cầu nhập khẩu từ các nước là không lớn.

Tại ĐBSCL, giá lúa khô tuần qua tăng với lúa hạt dài (loại 1) từ mức 5.00 – 5.150 đ/kg lên 5.300 – 5.400 đ/kg , lúa thường (loại 2) từ mức 4.800 – 4.900 đ/kg lên 5.100 – 5.200 đ/kg.

Giá gạo nguyên liệu tăng, với loại 1 làm ra gạo 5% tấm từ mức 6.750 – 6.850 đ/kg lên 7.100 – 7.200 đ/kg, loại 2 làm ra gạo 25% tấm từ mức 6.600 – 6.700 đ/kg lên 6.900 – 7.000 đ/kg.

Giá gạo thành phẩm xuất khẩu không bao bì tại mạn trong tuần cũng tăng. Cụ thể, giá gạo 5% tấm giảm từ 8.050-8.150 đ/kg, lên đạt 8.300 – 8.400 đ/kg, gạo 15% tấm từ mức 7.650 – 7.750 đ/kg lên 7.750-7.850 đ/kg và 25% tấm từ mức 7.300 – 7.400 đ/kg lên đạt 7.500 – 7.600 đ/kg.

Bộ NN&PTNT cho biết, tính đến hết tháng 7, cả nước xuất khẩu được hơn 4.176 triệu tấn gạo, giảm 10% về lượng và 15% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.

Hiện tại, thống kê của các doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo trong nước cho thấy lượng tồn kho còn rất lớn. Cùng với thông tin tồn kho của Ấn Độ và Thái Lan đang duy trì ở mức cao, đây sẽ là những khó khăn cho xuất khẩu gạo của nước ta trong thời gian tới.

Cà phê

Giá cà phê trong nước tuần qua giảm liên tục. Đến sáng 10/8, giá cà phê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giao dịch ở 42,6 - 42,7 triệu đồng/tấn. Giá cà phê robusta giao tại cảng FOB (HCM) giảm 10 USD xuống còn 2.155 USD/tấn.

Nguồn: Vinanet