Lúa gạo – Giá lúa tại Hậu Giang tăng 200-300 đ/kg

Trong tuần qua, giá lúa gạo trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã tăng thêm 200-300 đ/kg.

Cụ thể lúa IR 50404 tươi được thương lái thu mua tại ruộng từ 4.000 đến 4.300 đ/kg tùy theo thu hoạch bằng tay hay bằng máy. Lúa IR 50404 khô được mua với giá 4.800 – 5.000 đ/kg; riêng lúa tươi hạt dài có giá 4.200-4.500 đ/kg, lúa khô 5.200 – 5.500 đ/kg.

Giá gạo nguyên liệu và thành phẩm trong tuần và gạo xuất khẩu giảm.

Thủy sản – Giá cá tra tại ĐBSCL tăng trở lại

Tại ĐBSCL, giá cá tra nguyên liệu đã tăng trở lại. Cá tra nguyên liệu đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (thịt trắng, trọng lượng 0,8-0,9 kg/con) được các doanh chế biến và xuất khẩu thủy sản ở An Giang mua với giá dao động từ 19.000 đến 21.000 đ/kg, tăng 500-1.000 đ/kg so với mức giá 1 tuần trước đó.

Tại các tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long, Cần Thơ giá cá tra nguyên liệu cũng bắt dầu chuyển biến tích cực hơn và hiện dao động từ 19.000 đến 21.500 đồng/kg đối với cá tra đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Giá cá tra tăng trở lại là do một số các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cá tra đã được “giải cứu bằng tài chính”, thị trường tiêu thụ ổn định và khởi sắc. Hiện nay, người nuôi cá tra cũng yên tâm hơn, thu hoạch ổn định lại theo kế hoạch, không phải ồ ạt như cách đây hai tháng.

Cao su – Đề xuất miễn thuế xuất khẩu cao su

So với phiên ngày 23/7, giá cao su SVR3L tại Cửa khẩu Móng Cái ngày 27/7 giảm 200-300 NDT xuống còn 17.600 – 17.700 NDT/tấn. Thị trường vẫn tiếp tục bị đóng cửa.

Cao su SVR giảm ở cả giá mua và giá bán hầu hết các chủng loại.

Xuất khẩu cao su 6 tháng đầu năm 2012 tăng mạnh 39,6% về lượng nhưng lại giảm 4,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2011.

Trước khó khăn của các doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu cao su ly tâm và cao su hỗn hợp, Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) vừa có văn bản kiến nghị Bộ Tài chính miễn thuế xuất khẩu hai loại cao su ly tâm và cao su hỗn hợp.

Hiện thuế xuất khẩu cao su ly tâm và cao su hỗn hợp là 3%. Theo VRA, từ khi bị áp thuế xuất khẩu 3%, các doanh nghiệp chế biến cao su ly tâm và hỗn hợp gặp nhiều khó khăn do giá thành sản xuất tăng lên, khó cạnh tranh với cao su nước ngoài. Hậu quả là các doanh nghiệp trong nước có xu hướng ngừng hoặc giảm sản xuất hai chủng loại này, ảnh hưởng đến chiến lược đa dạng hóa cơ cấu chủng cao su xuất khẩu.

Hạt tiêu – giá trong nước giảm mạnh

Giá hồ tiêu trên thị trường xuất khẩu và trong nước đều giảm mạnh. Nguyên nhân do nhu cầu tiêu thụ của thị trường thế giới đang rất yếu, thắt chặt chi tiêu do khủng hoảng kinh tế vẫn tiếp diễn.

Giá tiêu đen xuất khẩu của Việt Nam loại 500 g Gr/l-FAQ có giá 6.000 – 6.050 USD/tấn và loại 550 Gr/l-FAQ được chào giá 6.300 – 6.350 USD/tấn, giảm 200 USD so với tuần trước đó. Giá tiêu trắng loại 630 Gr/l-FAQ có giá 9.000 – 9.050 USD/tấn, giảm 350 USD so với tuần trước.

Tại các tỉnh Tây Nguyên giá tiêu chỉ còn 118.000 – 119.000 đ/kg, giảm 3.000 đ/kg so với tuần trước đó.

Thép, vật liệu xây dựng

Tại Tiền Giang giá thép xây dựng tăng. Cụ thể, thép xây dựng phi 6 tăng 250 đ lên 16.700 đ/kg; phi 8 tăng 300 đồng lên 16.700 đ/kg.

Hiệp hội Thép cho biết, đến nay các doanh nghiệp thép trong nước đã đáp ứng 100% nhu cầu thị trường về thép xây dựng, ống thép hàn, tôn mạ kim loại, sơn phủ màu, thép cán nguội. Tuy nhiên, vẫn phải nhập khẩu 80% thép phế, gần 20% phôi thép, 100% thép cuộn cán nóng, 100% than mỡ luyện cốc, than cốc.

Thị trường Gas: găm hàng, đẩy giá

Khoảng một tuần nay, giá gas trên thị trường liên tục nhảy múa theo chiều tăng dần. Nguyên nhân được các cửa hàng kinh doanh gas giải thích là do thiếu hàng.

Tại nhiều điểm kinh doanh gas, giá gas bán lẻ đã tăng khoảng 10.000 đồng/bình so với cách nay vài tuần. Một số loại gas đã tăng giá bán từ hãng nên các đại lý đã tăng theo nhưng cũng có hiện tượng hãng gas chưa tăng song các điểm bán đã âm thầm đẩy giá lên tương ứng với mức tăng của các hãng khác.

Giá gas bị đẩy lên là do giới kinh doanh đang tìm cách ém hàng chờ giá. Ngược lại, các điểm bán lẻ gas cũng tranh thủ gom hàng nên tạo cung cầu giả. Một tổng đại lý kinh doanh gas trên địa bàn TPHCM cho hay đơn vị ông đang trong tình trạng không đủ hàng để bán.

Nguồn: Vinanet