Giá cá tra tăng

Đầu tháng 8, giá cá tra tại An Giang tiếp tục tăng lên 22.000 đồng/kg. Với giá thành nuôi cá tra ở mức 22.000 - 23.000 đồng/kg, người nuôi cá tra ở An Giang gần đạt đến điểm hòa vốn. Giá cá tra sụt giảm một thời gian dài khiến nhiều người nuôi cá tra "treo ao" do thua lỗ. Nguồn cung cá tra sụt giảm do nông dân "treo ao" trong thời gian dài vừa qua là nguyên nhân đẩy giá cá tra tăng trong thời gian gần đây.

Dứa tăng giá do khan hiếm

Khoảng một tháng nay, giá dứa ở tỉnh Hậu Giang luôn đứng ở mức cao do khan hiếm hàng.

Hiện thương lái thu mua dứa  tại rẫy có giá từ 5.000 -5.500 đồng/trái (loại I từ 1 ký/trái trở lên), tăng gần gấp đôi so với thời điểm đầu vụ. Dứa bán tại chợ có giá dao động từ 7.000- 8.000 đồng/trái, có lúc lên đến 10.000 đồng/trái, đây là mức giá hiếm có ở tỉnh này.

Theo nhiều hộ trồng dứa, với giá dứa như hiện nay, mỗi héc ta cho năng suất từ 20-22 tấn/ha, nông dân có lãi ít nhất khoảng 40 triệu đồng. Giá loại quả này tăng mạnh do là cuối vụ, sản lượng ít.

Trong khi đó, dứa Cầu Đúc (Hậu Giang) vốn là đặc sản, chất lượng vượt trội so với những nơi khác nên được người tiêu dùng ưa chuộng.

Giá gà lên mức cao nhất trong vòng 2 năm

Giá gà lông màu ở mức cao kỷ lục do nguồn cung thiếu hụt. Đây là hậu quả từ việc thua lỗ triền miên, khiến người chăn nuôi bỏ chuồng quá nhiều.

Khảo sát tại một số vùng chăn nuôi trọng điểm xung quanh TP Hà Nội, chủ các trang trại cho biết 3 tháng nay giá gà thịt ổn định ở mức tương đối cao. Với mức đó, người chăn nuôi có lãi và gỡ lại được một phần thua lỗ kéo dài triền miên 2 năm về trước.

Cụ thể, gà lai mía đang được lái buôn mua 60.000 - 65.000 đồng một kg; các loại gà ta lai như J-Dabaco, J-Hải Phòng, gà ta Minh Dư, Vạn Phúc… giá 70.000 - 85.000 đồng. Đặc biệt, những đàn gà được nuôi với thời gian trên dưới 5 tháng giá lên tới 90.000 - 100.000 đồng. Với giá này, cứ 1.000 con gà người chăn nuôi có lãi từ 30 - 50 triệu đồng.

Theo đó, gà giống 3 tháng nay cũng tăng nhẹ. Tại thị trường Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… giống gà lai mía 1 ngày tuổi được các lò ấp thủ công rao bán với giá 8.000 - 9.000 đồng một con. Trong khi đó, các giống gà ta lai cao cấp hơn như J-Dabaco, J-Hải Phòng, Minh Dư, Vạn Phúc… đang được bán tới tay người chăn nuôi 15.000 - 20.000 đồng. Với giá thành khoảng 6.000 - 8.000 đồng một con, doanh nghiệp làm giống lãi khá.

Tuy nhiên, do nguồn cung thiếu hụt, hơn nữa tháng 8 người dân cũng chuẩn bị vào lứa gà cho dịp Tết nên hộ chăn nuôi và doanh nghiệp đều lo lắng gà lậu Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam. Thực tế, trong nhiều năm cứ thời điểm nào giá gà trong nước tăng cao là gà lậu từ thị trường phía Bắc lại xuất hiện.

Giá heo hơi tăng, người nuôi “hồi hộp” tái đàn

Cách đây chưa đầy 1 năm, nhiều người chăn nuôi heo phải “khóc ròng” do làm ăn thua lỗ vì giá heo hơi liên tục giảm xuống ở mức thấp. Từ đầu năm 2014 đến nay, giá heo hơi dần phục hồi và đang ở mức khá cao, người chăn nuôi có lợi nhuận hấp dẫn nên đẩy mạnh tái đàn…

Trong năm 2013, giá heo hơi có nhiều thời điểm giảm sâu xuống mức 3,3-3,7 triệu đồng/tạ (100kg), khiến người chăn nuôi bị lỗ vốn nặng. Tình hình đã khác khi bước sang những tháng đầu năm 2014, giá heo hơi tại ĐBSCL tăng lên mức 4,8- 5 triệu đồng/tạ và trong 4-5 tháng trở lại đây, giá heo hơi tại vùng ĐBSCL dao động từ 5-5,5 triệu đồng/tạ, tùy địa phương. Tại thị trường TP Cần Thơ, giá heo hơi phổ biến 5-5,3 triệu đồng/tạ, còn các tỉnh như: Bến Tre, Tiền Giang và Long An, giá heo hơi loại tốt đạt mức: 5,4-5,5 triệu đồng/tạ do nơi đây ở gần thị trường tiêu thụ thịt heo lớn nhất ở phía Nam là TP Hồ Chí Minh và có nguồn heo thịt chất lượng cao.

Theo nhiều người chăn nuôi heo tại TP Cần Thơ, giá heo hơi ở mức từ 5 triệu đồng/tạ trở lên là người chăn nuôi heo có lãi.

Ngưng lưu hành hàng loạt thuốc kém chất lượng

Ngày 15/8, ông Trương Quốc Cường, Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế), cho biết vừa quyết định rút số đăng ký lưu hành nhiều loại thuốc ngoại ra khỏi danh mục các thuốc được cấp số đăng ký lưu hành tại VN.

Lý do vì những thuốc này vi phạm chất lượng thuốc theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam.

Các thuốc bị rút số đăng ký lưu hành chủ yếu là sản xuất từ Ấn Độ như Umedica Laboratories Pvt., Ltd.; Marksans Pharma Ltd.; Yeva Therapeutics Pvt., Ltd., Cure Medicines (I) Pvt., Ltd., Medley Pharmaceuticals Ltd…

Bên cạnh việc trên, ông Cường cũng cho biết đã ngừng tiếp nhận các hồ sơ đăng ký thuốc và không cấp số đăng ký lưu hành thuốc đối với các công ty hoặc nhà sản xuất có thuốc vi phạm chất lượng liên tục trong thời gian qua.

NG.Hương

Nguồn: Vinanet tổng hợp

Nguồn: Vinanet