XNK qua cửa khẩu Móng Cái trong tuần

Từ đầu tháng 7 đến nay, mặt hàng mới được xuất khẩu sang khu vực Quảng Đông (Trung Quốc) là các loại đá vật liệu sử dụng trong các công trình kiến trúc cao cấp có tính mỹ thuật đặc sắc. Đá bóc – CT, đá bóc đen, đá bóc trắng là ba loại sản phẩm đá vật liệu được phía đối tác ưa chuộng, có sản lượng giao dịch trong tháng 7 khoảng 150.000 mét vuông. Các loại đá kiểu – CT, với sự đa dạng của sản phẩm, rất đắc dụng trong việc trang trí hoàn thiện các công trình kiến trúc có đẳng cấp, có sản lượng xuất khẩu đạt 85.000 m2 trong tháng đầu quý 3 năm nay. Ngoài ra các doanh nghiệp Việt Nam còn ký được hợp đồng xuất khẩu các loại đá xẻ màu hồng, đen, trắng muối,trắng sữa, vàng và đá lát sân, vườn (granit đen, granit trắng), sản lượng đạt 50.0000 m2/tháng.

Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đạt giá trị kim ngạch cao trong tuần là nguyên, phụ liệu dệt may. Có 25 loại nguyên, phụ liệu được nhập khẩu, giá trị tổng kim ngạch đạt 3,8 triệu NDT, trong đó 45% giá trị kim ngạch là nhập khẩu các loại vải, gần 40% dành cho nhập khẩu các loại sợi, còn lại là nhập khẩu các sản phẩm bông (chưa chải). Theo dự báo, trong thời gian tới, việc nhập khẩu các loại vải sẽ giảm dần, nhưng nhập khẩu sợi và bông thô sẽ tăng với mục đích tăng nguồn nguyên liệu cho các ngành dệt và sản xuất sợi trong nước, vừa giải quyết công ăn việc làm cho người lao động, vừa có nguyên liệu cho ngành may mặc phát triển.

Lúa gạo

Sau khi tăng khá trong tuần đầu tháng 7, đến tuần qua giá lúa gạo dã có chiều hướng giảm nhẹ trở lại.Xét ở các yếu tố tác động giá có tính bền vững và cơ bản thì ở trong nước không thể không tính đến áp lực từ nguồn cung từ các nước sản xuất lớn như Ấn Độ đang rất dồi dào, còn một số nước nhập khẩu lớn thì đang dần tự túc được nhiều hơn loại lương thực quan trọng này.

Cụ thể, tại ĐBSCL, giá lúa khô hạt dài (lúa loại I) giảm từ mức 5.400 – 5.500 đ/kg xuống còn 5.200 – 5.300 đ/kg, lúa thường (loại II) từ mức 5.200 – 5.300 đ/kg xuống còn 4.900 – 5.000 đ/kg.

Giá gạo nguyên liệu cũng giảm trở lại, với loại I làm ra gạo 5% từ mức 6.900 – 7.000 đ/kg xuống còn 6.750 – 6.805 đ/kg, loại II làm ra gạo 25% tấm từ mức 6.700 – 6.800 đ/kg xuống còn 6.600 – 6.700 đ/kg.

Giá gạo xuất khẩu không bao bì giảm xuống với biên độ đáng kể sau khi tương đối ổn định trong các tuần trước đó. Cụ thể, giá gạo 5% tấm giảm từ mức 8.200 – 8.300 đ/kg xuống còn 8.050 – 8.150 đ/kg, gạo 15% tấm từ mức 7.700 – 7.800 đ/kg xuống còn 7.650 – 7.750 đ/kg và 25% tấm ổn định ở mức 7.250 – 7.350 đ/kg.

Vật tư

Giá các mặt hàng vật tư như phân bón, xi măng, sắt thép, xăng dầu nhìn chung ổn định trừ vài loại phân bón tăng hoặc giảm nhẹ 100-200 đ/kg ở một số nơi như Tiền Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu, Đồng Nai…

Cà phê

Sau khi tịnh tiến lên mốc 43.000 đ/jg và dao động xung quanh mốc này trong hai tuần trước đó, thì tuần quan giá cà phê nhân xô thu mua trong nước đã đột ngột giảm khá mạnh trở lại về mốc 4.200 đ/kg. Giá cà phê xuất khẩu chào bán cũng tụt về dưới ngưỡng 2.000 USD/tấn.Như vậy, giá cà phê nước ta tuần qua đã giảm nhanh hơn so với sự biến động của giá thế giới.

Tại thị trường Đăk Lăk, Lâm Đồng, Gia Lai, Đăknong giảm từ mức 42.800 – 43.100 đ/kg của tuần trước đó xuống còn 41.400 – 41.700 đ/kg (tùy địa phương và chất lượng).

Giá cà phê xuất khẩu FOB, TpHCM trong khi đó cũng giảm từ mức 2.080 USD/tấn xuống còn 1.995 USD/tấn. Gái cà phê xuất khẩu chào bán của nước ta đến cuối tuần qua duy trì mức trừ lùi -20 USD so với hợp đồng kỳ hạn chính giao tháng 9/2012 tại London.

Cà phê Robusta giảm giá được cho là do sức ép của nguồn cung gia tăng. Hiện Indonesia đang trong thời điểm thu hoạch rộ, nguồn cung khá dồi dào và giá cũng rẻ hơn so với trước.

Thủy sản

Do thiếu tôm sú giống, không ít người nuôi tôm ở vùng ĐBSCL phải mua giống tôm từ các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, vào đầu mùa thả giống năm nay, tôm chết la liệt ở nhiều nơi, có hộ nuôi phải thả giống đến lần thứ ba khiến nhu cầu con giống tăng gấp nhiều lần. Hiện nay, giá tôm sú giống ở mức 75.000 – 110.000 đồng/con, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.

Hàng công nghệ: sức mua hồi phục trở lại

Sức mua các mặt hàng điện tử, điện lạnh, máy tính trong tháng 6.2012 đã tăng trưởng so với tháng 5 dù không đồng đều. Có vẻ như dự báo thị trường đã chạm đáy vào hai tháng 4 và 5, và bắt đầu hồi phục từ khoảng tháng 6. Hàng điện tử tăng gấp đôi so với tháng 5. Thị trường chung của ngành hàng này cũng tăng từ 20%-30%, tập trung vào nhóm sản phẩm tivi, được cho là nhờ sự kích cầu từ mùa EURO 2012

Hàng điện lạnh, trong tháng 6 doanh số bán ra cũng tăng nhẹ khoảng 5% so với tháng 5, với yếu tố hỗ trợ được cho là EURO 2012. Dù không được hỗ trợ từ yếu tố này, nhưng sức mua chung của ngành hàng laptop cũng tăng từ 5%-10%, trong khi sức mua máy tính bảng tăng khoảng 20%, với yếu tố hỗ trợ là mẫu iPad 2012 đã có hàng về VN, nhưng với mức giá ngang với giá bán tại Hồng Kông. Riêng tại Thegioididong.com, sức mua laptop tăng cao hơn mức tăng chung của thị trường, đạt 12%.

Thống kê của Bộ Công Thương, lượng ĐTDĐ nhập vào VN trong 6 tháng đầu năm 2012 đạt 6,26 triệu máy trị giá 304,4 triệu USD, giảm 23,72% về lượng và 15,32% về giá trị so với cùng kỳ năm 2011. Tuy nhiên, nếu chỉ xét riêng tháng 6, thì ĐTDĐ nhập về tăng 20,42% về lượng và 7,52% về giá trị so với tháng 4 trước đó. Riêng hệ thống Thegioididong.com, tổng số lượng ĐTDĐ bán ra giảm 2% so với tháng 5, là mức giảm thấp nhất tính từ đầu năm đến nay, cho thấy đà sụt giảm về sức mua trên thị trường đã bắt đầu chững lại. Dự báo thị trường ĐTDĐ trong sáu tháng còn lại có thể tăng trưởng nhẹ so với sáu tháng đầu năm chứ khó có đột biến.

 


Nguồn: Vinanet