Đang có thực tế kỳ cục: trong khi năng lực sản xuất phân bón trong nước tăng trưởng tốt, thì sản lượng nhập khẩu (NK) cũng không ngừng tăng theo!

Điều kỳ cục nữa là dù phân bón NK và sản xuất nội địa cùng tăng như vậy, nhưng chênh lệch giá giữa 2 "dòng" phân bón vẫn không hề giảm.

Còn nhớ, kết thúc năm 2012, Bộ NN&PTNT đã dự báo NK phân bón năm 2013 sẽ giảm so với năm 2012, với mức giảm ước tính có thể lên tới 1,5 triệu tấn. Dự báo giảm NK cụ thể với từng loại phân bón tương ứng là 850.000 tấn phân SA, 570.000 tấn DAP, 950.000 tấn kali và 100.000 tấn NPK. Đặc biệt là sẽ không NK urea vì nguồn cung sản xuất trong nước đã đáp ứng đủ nhu cầu. Từ đây, Bộ NN&PTNT ước tính cả nước "chỉ" NK khoảng 2,5 triệu tấn phân bón các loại trong năm 2013.

"Dự" giảm thì… tăng mạnh!


Nhưng thực tế diễn biến NK phân bón thì ngược lại: kết thúc năm 2013, lượng phân bón NK đã tăng hơn 2 triệu tấn so với dự báo, lên tới 4,53 triệu tấn, tăng tới 14,3% so với năm trước, với tổng kim ngạch đạt 1,65 tỷ USD. NK phân bón không tăng đột biến, mà là tăng đều đều qua hàng quý, và bắt đầu ngay từ đầu năm.

Đáng chú ý, sản lượng NK không những vượt xa dự báo của các cơ quan chức năng, mà cơ cấu phân bón NK cũng không theo "phán đoán". Trong khi cho rằng sẽ không nhập urea, thì lượng NK loại phân bón này đã lên tới 758.000 tấn, tăng hơn 50% về sản lượng và hơn 20% về giá trị so với năm 2012. Ngoài ra, lượng NK SA là 1,09 triệu tấn, giảm 6,5% về sản lượng.

Đặc biệt, Trung Quốc vẫn là nguồn xuất khẩu phân bón chính cho các DN Việt Nam khi chiếm tới 49,5% tổng kim ngạch NK phân bón. Lý do là vì giá phân bón sản xuất tại Trung Quốc thường thấp hơn tại Đông Âu, Đông Nam Á, Trung Đông…, cộng với cự ly vận chuyển gần hơn, nguồn cung dồi dào hơn và phương thức vận chuyển đa dạng hơn nên khá hấp dẫn.

Năm 2013 cũng không là năm duy nhất mà Bộ NN&PTNT dự báo sai về diễn biến thị trường phân bón. Năm 2012, Bộ dự báo sẽ chỉ NK khoảng 2,54 triệu tấn phân bón các loại, và không NK urea, nhưng thực tế đã NK gần 4 triệu tấn phân bón các loại (với trị giá gần 1,6 tỷ USD), trong đó có 504.118 tấn urea. Còn trong năm 2011 đã NK hơn 4,4 triệu tấn phân bón các loại, với kim ngạch 1,8 tỷ USD, tăng gần 25% về lượng và gần 51% về giá trị so với năm 2010. Sự sai dự báo này mới là điều đáng nói.


Giải thích cho nguyên nhân của việc dự báo trở thành… đoán mò, Bộ NN&PTNT và sau đó là Hiệp hội Phân bón Việt Nam "đổ" cho biến động giá phân bón thế giới đã tác động tới nhu cầu NK của doanh nghiệp (DN) Việt Nam và từ đó làm thực tế NK phân bón sai với dự báo. Cụ thể, có thời điểm giá phân urea xuống thấp khoảng 100 USD/tấn so với đầu năm 2013, nên DN tăng nhập với số lượng lớn, để sau đó bán ra khi giá tăng trở lại. Mặt khác, trong năm 2013, các nhà máy sản xuất urea lớn như Đạm Phú Mỹ, Đạm Ninh Bình phải tạm ngừng hoạt động để sửa chữa khiến sản lượng phân bón sản xuất trong nước bị thiếu cục bộ hàng trăm nghìn tấn, càng kích thích DN tăng NK để tránh sốc nguồn cung.

Lỗi tại kênh phân phối?

Lý do cuối cùng được nêu ra tương đối mù mờ nhưng thực ra đã thể hiện rõ nhất chất lượng dự báo của Bộ NN&PTNT. Đó là dự báo NK phân bón chỉ căn cứ trên nguồn cung cấp trong nước, mà chưa tính tới lượng phân bón sẽ… xuất khẩu. Trong khi đó thì riêng trong năm 2013, Việt Nam "đã xuất khẩu hàng trăm nghìn tấn phân bón" các loại.

Một cách giản dị, số liệu dự báo của Bộ "được" thừa nhận không xây dựng trên cơ sở tổng hợp các yếu tố có thể tác động vào thị trường phân bón, mà đơn giản là phép cộng trừ giữa năng lực sản xuất trong nước và lượng tiêu thụ nội địa hàng năm. Và đó là kiểu dự báo vô cùng nghiệp dư, đi ngược lại những nguyên tắc thị trường cơ bản nhất. Do thế mà phần nào có thể giải thích cho sự náo loạn của thị trường phân bón trong những năm gần đây.

Theo báo giá ngày 10/4/2014 của Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (PVFCCo) - nhà sản xuất và kinh doanh phân bón urea mang thương hiệu Đạm Phú Mỹ, thì urea của DN này được bán với giá 7.800 đồng/kg. Trong khi đó urea cùng loại NK của Trung Quốc được bán với giá 7.450 - 7.500 đồng/ kg. Tức là, phân bón NK sau khi trừ tất cả các loại chi phí vận chuyển, hao hụt, thuế… vẫn thấp hơn giá phân bón sản xuất trong nước từ 300 - 350 đồng/ kg, tương ứng với mức 300.000 - 350.000 đồng/tấn.

Thực tế, chênh lệch giá urea ngoại nhập và sản xuất nội địa trong năm 2013 luôn dao động trong khoảng từ 200.000 - 350.000 đồng/tấn. Nhưng khi bán tới tay người nông dân, giá phân bón ngoại nhập và sản xuất trong nước không còn chênh lệch nhiều, mà tăng trong khoảng từ 8.400 - 8.600 đồng/kg. Điều đó có nghĩa là kênh phân phối đang nắm vai trò điều tiết giá trên thị trường, điều tiết NK và điều tiết cả sản xuất phân bón trong nước.

Trong thực tế ấy, có thể nhận thấy là chính kênh phân phối trong nước đã đóng vai trò then chốt trong "ổn định" giá bán phân bón ở mức cao. Kênh phân phối ở đây được hiểu là chính những nhà sản xuất trong nước, vì các nhà sản xuất hiện đều tự xây dựng kênh bán hàng cho mình.

Hiện, cả nước chỉ có vài DN tự NK phân bón để bán. Nhưng chính những DN này cũng là đại lý cấp 1 cho các nhà sản xuất lớn. Thế thì, trong sản lượng trên dưới chục triệu tấn phân bón tiêu thụ tại Việt Nam mỗi năm, sẽ có bao nhiêu chục nghìn tỷ chênh lệch giá mà nông dân phải chi oan uổng cho kênh phân phối này? Và nếu như sự chi ấy là hợp lý, thì tại sao phải đầu tư hàng tỷ USD xây dựng nhà máy sản xuất phân bón trong nước để rồi buộc nông dân phải mua phân bón với giá cao?

Nguồn: Thời báo kinh doanh