Thị trường phân bón tháng 9/2012 vẫn chưa thoát khỏi tình trạng ảm đạm bởi nhu cầu thị trường vẫn còn ở mức thấp, hoạt động giao dịch không nhiều. Nguyên nhân là do mưa bão lũ xảy ra tại nhiều địa phương vùng ĐBSCL và các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên đã ảnh hưởng đến canh tác và chăm bón. Ngoài ra, các địa phương phía Bắc cũng đang giai đoạn thu hoạch vụ lúa mùa nên nhu cầu phân bón giảm.

Tại Đà Nẵng, giá Urê TQ giảm 0,5% xuống còn 9.200 đồng/kg; Urê Phú Mỹ giảm 1% xuống còn 9.800 đồng/kg; Tại Qui Nhơn đã giảm 3,4%, xuống còn 9.800 - 9.850 đồng/kg.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, hoạt động giao dịch khá trầm lắng,giá tiếp tục giảm do nhu cầu vẫn ở mức thấp. Giá Urê Phú Mỹ giảm 2,2% xuống còn 9.800 - 9.900 đồng/kg; giá Urê Trung Quốc giảm 4,2% xuống còn 9.000 - 9.100 đồng/kg.

Khu vực ĐBSCL và Đông Nam Bộ, nhu cầu phân bón cho cho lúa và các loại cây công nghiệp như cao su, hồ tiêu v.v. đã tăng so với tháng trước nhưng do thời tiết mưa liên tục khiến cho việc chăm bón gặp khó khăn và gây áp lực giảm giá phân bón. Giá Urê Phú Mỹ đã giảm 3,8%, xuống còn 10.100 đồng/kg; Urê TQ giảm 2,9%, xuống còn 10.300 đồng/kg.

Tăng rồi giảm, rồi lại tăng… diễn biến thị trường phân bón năm nay đang làm đau đầu người kinh doanh lẫn bà con nông dân. Hiện giá phân urê được các cửa hàng vật tư nông nghiệp bán ra ở mức: urê Trung Quốc giá 475.000 đồng/bao, đạm Cà Mau giá 480.000 đồng/bao, đạm Phú Mỹ giá 485.000 - 490.000 đồng/bao. Các đại lý cho biết thêm, hiện phân bón urê Trung Quốc qua đường tiểu ngạch ở biên giới phía Bắc đang tràn ngập thị trường ĐBSCL. Dù vận chuyển urê Trung Quốc từ phía Bắc vào khu vực ĐBSCL rất xa và chi phí khá cao nhưng urê Trung Quốc vẫn có giá "mềm” hơn urê sản xuất trong nước. Và đặc biệt trong khi giá phân urê lên xuống bất thường thì giá các loại phân bón chuyên dùng như phân NPK16-16-8 (Việt Nhật), NPK 16-8-12, phân DAP Philippines... lại tăng nhẹ từ 5.000 - 10.000 đồng/bao so với vụ hè thu.

Theo thông tin từ Hiệp hội phân bón Việt Nam, thời gian qua phân bón từ phía Bắc đưa vào thị trường phía Nam tiêu thụ với số lượng lớn. Nguồn hàng này chủ yếu nhập lậu, có chất lượng không ổn định với giá thấp hơn nhập chính thức từ 1-2 triệu đồng/tấn, khi đưa vào thị trường nội địa, họ bán thấp hơn thị trường khoảng 300 đồng/kg nên tiêu thụ khá chạy.

Nguồn phân bón lậu này cạnh tranh quyết liệt với doanh nghiệp phân bón trong nước ngày càng gay gắt đẩy giá phân bón trong nước xuống thấp (giảm khoảng 15%) làm cho doanh nghiệp phân bón trong nước lao đao. Do cạnh tranh không lại hàng lậu, nên doanh nghiệp không dám nhập khẩu phân bón để cung cấp cho thị trường cuối năm cũng như đầu năm sau. Nếu có sự cố, nguồn hàng lậu này bị đứt thì thị trường phân bón sẽ thiếu hụt, dẫn đến việc giá cả sẽ tăng cao.

Đại diện nhiều sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, việc kiểm tra, kiểm soát thị trường thức ăn chăn nuôi, cũng như phân bón gặp rất nhiều khó khăn do đến thời điểm này Bộ NN&PTNT chưa ban hành danh mục được phép lưu hành tại thị trường Việt Nam. Việc thanh tra, kiểm tra thị trường này chủ yếu tập trung vào chất lượng sản phẩm, còn chủng loại gần như bị thả nổi. Sự việc điển hình là vào đầu tháng 8 vừa qua, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Định đã tịch thu toàn bộ 7,2 tấn phân bón nhập lậu không hóa đơn chứng từ. Thực tế này gây khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất trong nước nhất là trong bối cảnh hàng nhập lậu tràn lan.

Theo đánh giá, do có quá nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh phân bón nên xảy ra cảnh "bát nháo thị trường”. Buôn lậu tăng đã làm thất thu 5% thuế nhập khẩu, mất 5% thuế VAT, đồng thời các đối tượng buôn lậu còn tránh được hàng trăm tỷ tiền thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT cho biết, ngoài vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng sản xuất trong nước, còn một lượng hàng không nhỏ từ nhập lậu. Phân bón nhập lậu giá rẻ đẩy giá phân bón trong nước giảm xuống liên tục, khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại, Nhà nước thất thu thuế, nông dân mua phân bón giá thấp nhưng sử dụng không hiệu quả trong sản xuất. Các cơ quan chức năng đã siết chặt kiểm tra, giám sát cũng như kiên quyết xử phạt nhưng vẫn chưa đủ mạnh để dẹp, hạn chế hoạt động kinh doanh bất hợp pháp này. Do đó, để quản lý chất lượng phân bón cần đẩy mạnh hoạt động trên mọi lĩnh vực như luật pháp, năng lực của người dân, doanh nghiệp và Hiệp hội phân bón cùng các cơ quan nghiên cứu khoa học...

Một số hoạt động đáng chú ý trong tháng

1. Chính phủ yêu cầu Vinachem tập trung vào ngành chính Trong quá trình hoàn chỉnh Đề án tái cơ cấu của Tập đoàn Công nghiệp Hóa chất Việt Nam (Vinachem), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Vinachem tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính: sản xuất phân bón; khai thác khoáng sản làm nguyên liệu sản xuất phân bón; hóa chất cơ bản; hóa dược; sản xuất - kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

2. Apromaco đang triển khai từng bước đưa các loại phân bón về cảng Mỹ Thới và cảng Bình Long, tỉnh An Giang. Trước mắt trong tháng 9/2012, Apromaco đưa khoảng 3.000 tấn Kali CIS mảnh, 1.000 tấn DAP 64% màu xanh, 3.200 tấn DAP 64% màu nâu, 5.500 tấn đạm Urê hạt trong về tỉnh An Giang. Định hướng hàng năm, Apromaco sẽ cung ứng từ 60.000 - 80.000 tấn phân bón hóa học các loại để cung ứng cho thị trường An Giang và miền tây Nam Bộ với phương châm “Cùng nhà nông vun trồng thịnh vượng.

3. Tập đoàn Khoáng sản đất hiếm Mỹ phân phối phân bón vào Việt Nam

Tập đoàn Khoáng sản đất hiếm Mỹ (OTCQB: USMN) đã công bố Liên doanh bán hàng quốc tế, nhà phân phối quốc tế (IBA) của Tập đoàn này đã được Chính phủ Việt Nam cho phép phân phối và bán Excelerite (một loại phân bón) tại Việt Nam.

IBA cũng bảo đảm cơ sở kho và giấy phép nhập khẩu vào Việt Nam. IBA đã đặt đơn hàng 50 tấn Excelerite với USMN cho chuyến hàng đầu tiên tới Việt Nam.

Nguồn: Vinanet