Giá hạt tiêu Malaysia, đã tăng gần 30% trong năm qua, dự kiến sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao trong năm 2011 và 2012 bởi sản lượng hạt tiêu toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống.

Tổng giam đốc Uỷ ban Hạt tiêu Malaysia, Grunsin Ayom, cho biết Uỷ ban Hạt tiêu Quốc tế (IPC) dự báo sản lượng hạt tiêu toàn cầu sẽ giảm khoảng 2% xuống 309.952 tấn trong năm nay, so với khoảng 316.380 tấn (251.980 tấn tiêu đen và 64.400 tấn tiêu trắng) mà hơn 12 nước sản xuất đã thu hoạch được trong năm 2010.

Ông Grunsin cho hay “IPC dự báo thị trường toàn cầu sẽ thiếu gần 45.000 tấn trong năm 2011, so với 53.000 tấn năm ngoái”.

Sản lượng hạt tiêu thế giới năm ngoái cũng bị giảm 0,17% so với năm 2009, từ mức 318.662 tấn xuống 316.380 tấn.

Grunsin cho biết sản lượng vụ mới của Brazil, nước sản xuất lớn thứ 4 thế giới, sẽ có mặt trên thị trường sau 3 tháng nữa, song sẽ thấp hơn năm ngoái bởi thời tiết bất lợi. Điều này sẽ khiến cho tình trạng khan cung càng thêm trầm trọng.

Grunsin cho biết thêm rằng giá tiêu đen và tiêu trắng của Malaysia năm 2010 đã lên tới mức cao kỷ lục trong lịch sử, lần lượt 12.100 Ringgit/tấn và 19.500 Ringgit/tấn, so với 9.350 Ringgit/tấn và 15.300 Ringgit/tấn của năm 2009, tức là tăng lần lượt 30% và 27%.

Ông dự báo giá tiêu trắng có thể sẽ tăng vượt 20.000 Ringgit/tấn trong năm nay, và giá cả tiêu đen lẫn tiêu trắng sẽ còn cao trong vòng 1 đến 2 năm tới.

Theo ông “Nông dân đã có lợi nhuận cao và có đủ khả năng tài chính để trữ tiêu lại chờ khi giá tăng hơn nữa”, “tuy nhiên chỉ có thể dự báo chính xác về giá khi những nước sản xuất chính thu hoạch vụ mới. Những yếu tố khác cũng sẽ ảnh hưởng tới giá là đồng USD tăng giá và kinh tế thế giới hồi phục”.

Thời tiết ẩm ướt một cách bất thường đã khiến việc thu hoạch tiêu ở hầu hết các nước bị chậm lại, kể cả Malaysia.

Việt nam, nước xuất khẩu hạt tiêu số 1 thế giới, dự kiến sẽ thu hoạch tiêu vào tháng 3, với sản lượng dự kiến đạt 100.000 tấn, chiếm 30% sản lượng toàn cầu năm nay.

Theo IPC, sản lượng hạt tiêu Ấn Độ năm 2011 sẽ đạt 48.000 tấn; Indonesia sẽ đạt 37.000 tấn; Brazil sẽ đạt 35.000 tấn; Malaysia sẽ đạt 25.672 tấn; Trung Quốc 23.300 tấn; Sri Lanka 17.102 tấn và Thái Lan 9.750 tấn.

Tiêu thụ nội địa ở các nước sản xuất dự kiến sẽ đạt 125.202 tấn, tức là còn dư 229.710 tấn dành cho xuất khẩu.

Về ngành tiêu Malaysia năm 2010, Grunsin cho biết sản lượng đã tăng lên 24.227 tấn, so với 21.915 tấn năm 2009. Tiêu thụ nội địa đã tăng 5% lên khoảng 6.350 tấn (6.050 tấn năm 2009).
Ông cho hay Malaysia đã xuất khẩu khoảng 14.040 tấn tiêu, trị giá 190 triệu Ringgit trong năm qua, so với 13.122 tấn trị giá 156 triệu Ringgit năm 2009. Nhật Bản là khách hàng lớn nhất của Malaysia, đã mua 3.400 tấn trị giá 55 triệu Ringgit, tiếp đến là Trung Quốc (1.850 tấn) và Singapore (1.723 tấn). Các khách hàng lớn káhc là các quốc gia Châu Âu và Hoa Kỳ.

Malaysia có 14.170 héc ta đất trồng tiêu, trong đó 14.000 ha ở Sarawak, 110 ha ở Johor và hơn 10 ha ở Sabah. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, vườn tiêu sẽ được mở rộng ra ở các tỉnh Perak và Kedah.
Grunsin cho biết tiêu thụ nội địa tăng không ngừng trong những năm qua, và dự kiến đến 2020 Malaysia sẽ chỉ xuất khẩu 50% sản lượng của mình.

Ông cho biết thêm rằng sử dụng tiêu trong lĩnh vực công nghiệp của nước này đang tăng nhanh, trong đó đặc biệt là ngành chế biến thực phẩm, không chỉ để tiêu thụ nội địa mà còn dành cho xuất khẩu.

(Thu Hải – Theo Malaysiasun)