Thị trường thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thế giới tháng 11/2013 sôi động trở lại, giá tăng nhẹ so với tháng trước đó, do nước tiêu thụ hàng đầu thế giới - Trung Quốc – gia tăng nhập khẩu nguyên liệu để mở rộng đàn gia súc. Cùng với xu hướng tăng giá thế giới, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong nước cũng tăng, do nhu cầu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi cho dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán tăng mạnh.

I.       TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG THẾ GIỚI

Diễn biến giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 11/2013:

Giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) và nguyên liệu thế giới tháng 11/2013 tăng so với tháng trước đó, lần đầu tiên tăng trong 5 tháng trở lại đây, do nước tiêu thụ hàng đầu thế giới – Trung Quốc – gia tăng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi để mở rộng đàn gia súc lên gần gấp đôi số lượng 2 thập kỷ trước đây. Tính chung, trong 11 tháng đầu năm 2013, giá TĂCN và nguyên liệu thế giới vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2012.

Mặc dù, sản lượng đậu tương toàn cầu niên vụ 2013/14 dự kiến tăng lên mức cao kỷ lục 283,54 triệu tấn, cùng với vụ mùa bội thu ở khu vực Nam Mỹ nhưng giá đậu tương tháng 11/2013 vẫn tăng nhẹ, từ mức 472,83 USD/tấn đạt được hồi tháng 10/2013, tăng 5,5% lên 498,62 USD/tấn nhưng giảm 6% so với cùng tháng năm ngoái, do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc hồi phục sau kỳ nghỉ Quốc khánh 1 tuần vào tháng trước. 

Cùng với xu hướng tăng của giá đậu tương thì giá bột cá cũng tăng nhẹ, từ mức 1.520,09 USD/tấn đạt được hồi tháng 10/2013, tăng 10,41 USD/tấn (tương đương với 0,7%) lên 1.530,5 USD/tấn nhưng giảm mạnh 19,5% so với cùng tháng năm 2012. Nguyên nhân giá bột cá tăng, do nguồn cung toàn cầu thắt chặt cùng với nhu cầu bột cá tăng cao vào những tháng cuối năm đã đẩy giá bột cá tăng lên.

Với điều kiện thời tiết thuận lợi ở khu vực vành đai trồng ngô của nước sản xuất và xuất khẩu ngô hàng đầu thế giới – Mỹ - nâng dự kiến sản lượng ngô thế giới niên vụ 2013/14 đạt mức cao kỷ lục 962,83 triệu tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ niên vụ trước. Do vậy, giá ngô trên thị trường thế giới tháng 11/2013 giảm xuống còn 162,2 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 19/11/2013, giảm 20% so với tháng trước đó và giảm mạnh 50% so với cùng tháng năm ngoái, bất chấp nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh, do hạn hán và lũ lụt làm sản lượng ngô của nước này giảm lần đầu tiên trong 4 năm.

Bảng 1: Biến động giá đậu tương, ngô, lúa mì và bột cá thế giới 11 tháng đầu năm 2013 (Đvt: USD/tấn)

Triển vọng sản lượng vụ thu hoạch lúa mì toàn cầu niên vụ 2013/14 sẽ đạt mức cao 708,89 triệu tấn, tăng 7,7% so với cùng kỳ niên vụ trước, do thời tiết thuận lợi hậu thuẫn cây trồng lúa mì tại Argentina và khu vực biển Đen. Do vậy, giá lúa mì trong tháng 11/2013 giảm xuống còn 245,4 USD/tấn, giảm 15% so với tháng trước đó và giảm 29% so với cùng tháng năm ngoái.

II.       TỔNG QUAN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC             

1.         Biến động giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 11/2013.

Cùng với xu hướng tăng lên của giá thế giới, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam trong tháng 11/2013 tăng nhẹ so với hồi tháng 10/2013, do giá nhập khẩu một số nguyên liệu thức ăn chăn nuôi như khô đậu tương, bột cá… thị trường thế giới tăng nhẹ, tác động tới giá thức ăn chăn nuôi. Hiện tại, giá cám gạo duy trì ở mức 5.900 -6.400 đ/kg, giá ngô giảm nhẹ, giảm 200 đ/kg so với tháng trước đó, xuống còn 5.600-6.300 đ/kg, giá khô đậu tương tăng 3,1% so với tháng trước lên 13.200 đ/kg nhưng giảm 7% so với tháng đầu năm và giá bột cá không thay đổi ở mức 14.000-20.000 đ/kg .

2.       Thực trạng ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu trong tháng 11/2013 và một số vấn đề tồn tại:

Hiện tại, cả nước có hơn 200 doanh nghiệp sản xuất TĂCN với 57 nhà máy, trong đó doanh nghiệp nước ngoài chỉ có trên 20 nhà máy nhưng chiếm thị phần tới 60 - 65%. Các doanh nghiệp này chỉ giữ lại khoảng 10% lượng thức ăn sản xuất ra để chăn nuôi gia công, còn lại bán ra thị trường cho các trang trại, hộ chăn nuôi.

Để tạo động lực cho người chăn nuôi phát triển sản xuất, Chính phủ cần chỉ đạo các bộ, ngành vào cuộc trong điều hành giá TĂCN một cách hợp lý. Ngoài ra, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, ngành nông nghiệp cần thay đổi cơ cấu sản xuất để tận dụng tối đa nguyên liệu sẵn có trong nước để sản xuất TĂCN, tránh tình trạng phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu.

3.       Tình hình nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu:

Theo số liệu thống kê từ TCHQ Việt Nam, nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu trong tháng 10 đạt 256 triệu USD, giảm 15,32% so với tháng trước đó nhưng tăng 9,6% so với cùng tháng năm ngoái. Tính chung 10 tháng đầu năm 2013, Việt Nam đã chi 2,63 tỉ USD nhập khẩu TĂCN và nguyên liệu, tăng 33,35% so với cùng kỳ năm trước.

Nhìn chung, 10 tháng đầu năm 2013, nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu của Việt Nam từ các thị trường chính đều tăng về kim 782 nghìn USD, tăng 665,24% so với cùng kỳ; đứng thứ hai là Oxtrâylia với 24 triệu USD, tăng 257,08% so với cùng kỳ, tiếp theo đó là Thái Lan với 119,5 triệu USD, tăng 91,95% so với cùng kỳ; Achentina với 902 triệu USD, tăng 63,32% so với cùng kỳ; sau cùng là Brazil với 223 triệu USD, tăng 57,1% so với cùng kỳ.

III. DỰ BÁO THỊ TRƯỜNG THÁNG 12/2013:

Dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu thế giới tháng 12/2013 sẽ tăng nhẹ, do nguồn cung nguyên liệu chế biến TĂCN như đậu tương, bột cá thắt chặt, thêm vào đó là nhu cầu TĂCN của nước có nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và là nước tiêu thụ TĂCN lớn nhất thế giới – Trung Quốc – tăng mạnh vào thời điểm gần Tết dương lịch và Tết nguyên đán.

Về thị trường trong nước, dự báo, giá thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu tháng 12/2013 sẽ tăng nhẹ, do nhu cầu TĂCN và nguyên liệu trong nước thường tăng mạnh trong dịp Tết dương lịch và Tết nguyên đán.

Nguồn: Vinanet.com.vn