(VINANET) - Campuchia xuất khẩu 130.000 tấn gạo 10 tháng đầu năm
Theo Liên minh các nhà sản xuất và xuất khẩu gạo Campuchia, Campuchia xuất được khoảng 133.489 tấn trong 10 tháng đầu năm. Trong đó, 118.365 tấn được xuất đi từ cảng Sihanoukville, 15.124 tấn được xuất đi từ cảng Phnom Penh – là cảng sông nơi hàng hóa sẽ được vận chuyển đến cảng biển TPHCM.
Tiến độ xuất khẩu gạo Campuchia năm nay duy trì không đổi so với năm ngoái, trừ tháng 5 khi xuất khẩu giảm mạnh xuống chỉ còn 816 tấn do cảng Sihanoukville ngừng hoạt động.
Từ đầu năm đến nay, tháng 10 là tháng xuất khẩu tốt nhất, đạt 18.446 tấn, tương đương 14% tổng lượng gạo xuất được từ đầu năm.
Hơn 70% gạo xuất khẩu nước này là xuất sang châu Âu, trong đó Pháp chiếm 26%, Ba Lan chiếm 19%... Tại châu Á, Malaysia là khách hàng lớn nhất của gạo Campuchia, chiếm 11% tổng lượng gạo xuất khẩu của nước này.
Theo Bộ nông nghiệp Mỹ, Campuchia ước tính sản xuất 4,3 triệu tấn gạo năm 2012-2013, tiêu thụ nội địa khoảng 3,6 triệu tấn.

FAO: Sản lượng gạo thế giới vụ 2012-13 sẽ tăng 1%

Trong báo cáo triển vọng lương thực tháng 10, Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) điều chỉnh tăng 1% mức dự báo về sản lượng gạo toàn cầu lên 486 triệu tấn.
Trong bối cảnh sản lượng hầu hết các loại lương thực thế giới giảm mạnh do thời tiết xấu, gạo là một trong những số ít những nông sản vẫn đạt mức tăng trưởng sản lượng bền vững.
Nhu cầu tiêu thụ dự báo sẽ tăng 1,4% lên 474,4 triệu tấn năm 2012-2013, như vậy sản lượng gạo ước tính trên có thể dễ dàng đáp ứng được nhu cầu.
Lượng gạo tiêu thụ tính trên đầu người ước tăng từ 56,6 kg/người/năm niên vụ trước lên 56,7 kg/người/năm niên vụ 2012-2013.
Trong khi đó, chỉ số giá gạo của FAO trung bình đạt 244 điểm trong tháng 10, tăng 4% so với tháng 1 năm nay nhưng giảm 3,5% so với tháng 10 năm ngoái. Điều này cho thấy, gạo vẫn đạt được sự ổn định tương đối về giá trong bối cảnh giá nhiều nông sản khác tăng mạnh.

Thái Lan: Chương trình thế chấp gạo không vi phạm quy định của WTO
Đầu tháng 11, đại diện thương mại của Mỹ đã cáo buộc chính phủ Thái Lan vi phạm quy định của WTO vì đây thực tế là chương trình trợ cấp xuất khẩu gạo. Đại diện thương mại Mỹ thúc giục WTO chất vấn chính phủ Thái Lan về kế hoạch để bán gạo trên thị trường quốc tế mà không giảm giá bán thấp hơn giá thu mua của chính phủ.
Trong báo cáo mới nhất, Bộ nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết chương trình thế chấp gạo của chính phủ có khả năng gây tổn thất 113 tỷ baht (tương đương 3,8 tỷ USD) trong năm đầu tiên thực hiện. Trong đó, chính phủ Thái Lan sẽ chịu gần 60% khoản lỗ này khi bán gạo từ kho dự trữ thấp hơn giá thu mua, ngoài ra còn do tăng chi phí quản lý.
Tuy nhiên, Bộ Thương mại Thái Lan lập luận chương trình thế chấp gạo của chính phủ không vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) như Mỹ đã cáo buộc.
Phó Cục trưởng Cục Ngoại thương (FTD) lập luận rằng nông dân là người chịu thiệt hại nhiều nhất ở những nền kinh tế dựa vào nông nghiệp và WTO cho phép chính phủ hỗ trợ nông dân. Ông nói rằng chương trình thế chấp gạo không ảnh hưởng đến việc xuất khẩu của bất kỳ quốc gia nào và chỉ nhằm mục đích là cải thiện thu nhập cho nông dân.
Quan chức FTD nói thêm rằng ở những quốc gia khác nhau, kể cả Mỹ và một vài quốc gia châu Âu cũng có những chương trình tương tự nhằm hỗ trợ nông dân. Ông cũng nói rằng, cải thiện mức sống cho nông dân là việc làm cần thiết trong công cuộc bảo đảm an ninh lương thực thế giới.

Bangladesh hi vọng có thể tăng sản lượng gạo 3 triệu tấn/năm

Viện nghiên cứu gạo Bangladesh (BRRI) vừa phát triển 5 giống lúa mới, 4 giống cho năng suất cao và 1 giống lúa lai. Dự kiến các giống lúa này sẽ sớm được đưa vào gieo trồng nhằm tăng sản lượng gạo quốc gia và thực hiện mục tiêu tự túc lúa gạo.
Giám đốc BRRI cho biết, các giống lúa mới này có thể cải thiện năng suất lên 6,5-9 tấn/ha, từ năng suất 4,2 tấn/ha hiện nay. Ông hi vọng rằng, khi các giống lúa này được đưa vào sử dụng sẽ giúp sản lượng tăng khoảng 3 triệu tấn/năm.
Hoạt động nghiên cứu đóng vai trò quan trọng đối với ngành lúa gạo của Bangladesh. Nhờ hoạt động này, sản lượng gạo Bangladesh liên tục tăng trưởng bền vững trong 5 thập kỷ qua, chủ yếu là do năng suất tăng.
Vào những năm 60, Bangladesh chỉ sản xuất được khoảng 10 triệu tấn gạo/năm với năng suất trung bình 1,6 tấn/ha. Tuy nhiên đến nay, sản lượng đã được nâng lên 34 triệu tấn/năm với năng suất trung bình 4,3 tấn/ha.
Năng suất lúa hiện tại của Bangladesh cao hơn đáng kể so với nước láng giềng Ấn Độ (3,4 tấn/ha) và nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới năm ngoái - Thái Lan (2,8 tấn/ha).

(T.H – Oryza, Reuters)