(VINANET) - Myanmar hi vọng trở thành nước xuất khẩu gạo thứ 6 thế giới trong năm 2012-2013

Theo Hiệp hội Gạo Myanmar, xuất khẩu gạo 6 tháng đầu niên vụ 2012-2013 của nước này đạt 700.000 tấn, đạt 46% mục tiêu 1,5 triệu tấn.

Với lượng gạo xuất khẩu khả quan trong sáu tháng đầu niên vụ 2012-2013, Myanmar hi vọng có thể xuất khẩu 1,5 triệu tấn gạo trong cả niên vụ, nâng vị thế xuất khẩu gạo của nước này lên 3 bậc, thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ 6 thế giới.

Myanmar đặt mục tiêu tăng lượng gạo xuất khẩu lên 3 triệu tấn vào năm 2017, gấp đôi so với lượng gạo ước tính 1,5 triệu tấn mà nước này xuất được trong năm 2012-2013.

Niên vụ trước, Myanmar xuất khẩu 750.000 tấn gạo, đứng thứ 9 thế giới. Myanmar từng là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới vào những năm 1960.

Quan chức Hiệp hội lúa gạo Myanmar cho biết nước này đang phấn đấu lấy lại danh hiệu nước xuất khẩu gạo hàng đầu trong vòng 5 năm bằng việc tăng năng suất và cải thiện cơ sở hạ tầng. Quan chức cho biết, Hiệp hội đang phấn đấu tăng năng suất từ 1,5 tấn gạo/ha như hiện nay lên 4 tấn/ha vào năm 2017.

Chi phí nhân công rẻ cùng nguồn tài nguyên đất và nước sẵn có sẽ giúp Myanmar thực hiện mục tiêu này, quan chức cho biết.
Hàng năm, Myanmar sản xuất 11 triệu tấn gạo. Năm nay, ước tính nước này có thể xuất khẩu được 1,5 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, vừa qua, các nhà xuất khẩu phải hạ ước tính 53% xuống chỉ còn 700.000 tấn gạo do thời tiết xấu. Năm ngoái, Myanmar xuất khẩu 800.000 tấn gạo.

Chương trình thế chấp gạo có thể biến Thái Lan thành “Hy Lạp thứ hai”

Ủy ban Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp của Nghị viện Thái Lan cảnh báo, chương trình thu mua lúa gạo thế chấp có thể gây ra tổn thất lớn cho đất nước này trong tương lai.

Ủy ban ước tính, tổn thất mà chương trình này gây ra có thể lên đến 405 tỷ baht (13 tỷ USD) vào cuối năm 2013, tăng 35% từ mức 300 tỷ baht (9,7 tỷ USD) năm nay. Ủy ban cũng cho biết, các nhà xuất khẩu Thái Lan đã thua lỗ khoảng 72 tỷ baht (2,3 tỷ USD) do xuất khẩu gạo giảm mạnh. Chính phủ Thái Lan có thể phải chịu lỗ khoảng 100 tỷ baht (3,2 tỷ USD0 nếu bán 10 triệu tấn gạo từ kho dự trữ với giá thị trường hiện nay.

Chủ tịch ủy ban cho biết, chương trình thế chấp gạo có thể làm tăng nợ quốc gia lên hơn 100% GDP trong vòng 10 năm tới. Ông cho biết: “Chính sách nửa chính trị, nửa kinh tế này sẽ tác động lớn đến kinh tế vĩ mô và dẫn tới nợ công tăng cao, trong tương lai có thể biến Thái Lan trở thành một Hy Lạp thứ hai”.

Ủy ban này cũng đề xuất một số biện pháp nhằm bảo vệ chính phủ khỏi tổn thất lớn hơn do chương trình thế chấp gạo. Các biện pháp bao gồm: giảm lượng gạo cam kết thu mua, đặt giá trần thu mua gạo, ngăn chặn nạn tham nhũng, minh bạch hóa các hiệp ước bán gạo liên chính phủ, cải thiện thu nhập nông dân và chất lượng lúa gạo trong dài hạn.

FAO: Iraq nhập khẩu 1,3 triệu tấn gạo năm 2012-2013

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho biết, Iraq sẽ phải nhập khẩu kỷ lục 5,3 triệu tấn ngũ cốc năm 2012-2013, trong đó bao gồm khoảng 1,3 triệu tấn gạo. Ước tính này cũng tương đương với ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ.

FAO cho biết, Iraq phải phụ thuộc nhiều hơn vào nhập khẩu lương thực do sản lượng ngũ cốc nước này bị ảnh hưởng nặng nề sau đợt khô hạn hồi tháng 12 và tháng 1. Tổng sản lượng ngũ cốc Iraq năm nay ước tính giảm 21% so với năm ngoái xuống còn 3,2 triệu tấn. Đây cũng là năm thứ ba sản lượng ngũ cốc nước này giảm.

USDA giảm dự báo về sản lượng gạo Bangladesh năm 2012-13

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh giảm dự báo về sản lượng gạo Bangladesh niên vụ 2012-13 (tháng 5-tháng 4) xuống 33,8 triệu tấn, giảm khoảng 1% hay 300.000 tấn so với dự báo lần trước.

Tuy nhiên, dự báo về nhập khẩu gạo năm 2012-13 vẫn được giữ nguyên ở 250.000 tấn, giảm khoảng 44% so với khoảng 563.000 tấn niên vụ 2011-12, bởi nướ này có lượng dự trữ khoảng 1,3 triệu tấn ngoài khoảng 7 triệu tấn nằm trong kho của các nhà máy xay xát, các thương gia và nông dân, đủ để đáp ứng nhu cầu trước vụ thu hoạch mới (tháng 11-12).

(T.H – Oryza, Reuters)