Ấn Độ -Mercosur : Hiệp định ưu đãi mậu dịch Ấn Độ -Mercosur
Hiệp định ưu đãi mậu dịch (FTA) giữa Ấn Độ và khối thương mại 4 thành viên Mercosur, nhằm tăng cường các quan hệ kinh tế giữa các khu vực, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/6/2009.
Theo hiệp định, các nước Mercosur đã nhất trí sẽ dành sự ưu đãi cho 450 mặt hàng nhập khẩu từ Ấn Độ, bao gồm các hệ thống điều hoà không khí, tủ lạnh, da và hàng da, giày dép, tơ lụa, bông, thịt, hoá chất và kính….Đổi lại, Ấn Độ sẽ dành ưu đãi cho 450 sản phẩm nhập khẩu từ khối Mercosur bao gồm hoá chất, máy công cụ, hoá dầu, thiết bị điện….Mercosur là khối thương mại Mỹ Latinh, bao gồm Brazil, Áchentina, Urugoay và Paragoay. Mậu dịch giữa Ấn Độ và Mercosur trong giai đoạn tháng 4 – tháng 12/2008 đạt 3,9 tỷ USD.
 
Slovakia: Sản lượng da và quần áo giảm 26,8%
Theo Bộ Thống kê Slovakia, tổng sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 3 giảm 18%, còn trong quý I giảm 22,9%.
Các lĩnh vực dệt may và da có mức giảm sút mạnh so với các ngành công nghiệp quan trọng khác, giảm 26,8% cả trong tháng 3 cũng như trong quý I năm nay.
 
Mỹ: Giá bán lẻ giày dép giảm 0,4% trong tháng 4
Theo Bộ Thương mại Mỹ, các công ty Mỹ đang cố gắng giảm lượng tồn kho, tránh tình trạng số lượng đơn đặt hàng và sản lượng giảm. Trị giá bán lẻ ở Mỹ trong tháng 4 giảm 0,4% do tiêu thụ giảm. Giá bán lẻ giày dép ở Mỹ trong tháng 4 giảm đúng bằng tốc độ giảm bán lẻ, tức là giảm 0,4%.
 
Thái Lan:  mời các chuyên gia ngành da Italia
Bộ trưởng Công nghiệp Thái Lan, Charnchai Chairungrueng, đang có kế hoạch mời các chuyên da ngành da của Italia tới huấn luyện cho các nhà kinh doanh của mình để giúp nâng cao sức cạnh tranh của các sản phẩm da của Thái Lan trên thị trường thế giới.
Bộ trưởng Charnchai cho biết Bộ đã thảo luận với đại diện của Hiệp hội các nhà sản xuất da giày Thái lan về vấn đề này.
Các chuyên gia Italia sẽ tập trung đào tạo về 2 nội dung chính: thiết kế giày dép, phụ liệu giày dép, da, và về việc sản xuất các sản phẩm này.
Thái Lan hy vọng việc thực hiện kế hoạch này sẽ giúp duy trì kim ngạch xuất khẩu 40 tỷ Baht da và sản phẩm da mỗi năm cho đất nước. Điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn, không chỉ tạo nguồn thu ngoại tệ, mà còn tạo việc làm trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
 
Trung Quốc: Ngành da phải chuẩn bị cho thời kỳ khó khăn hơn
Từ quý cuối năm 2008, các thị trường tiêu thụ sa sút ảnh hưởng toàn diện tới ngành da Trung Quốc, với tốc độ tăng tiêu thụ và lơịi nhuận đều giảm mạnh. Nhưng lợi nhận bán hàng bắt đầu tăng lên, nhờ một số sản phẩm tăng thị phần.
Tuy nhiên, theo Hiệp hội Da Trung Quốc, các thị trường thế giới vẫn trong tình trạng yếu kém. Công suất sản xuất vẫn trong tình trạng dư thừa, và sự cạnh tranh trở nên khốc liệt hơn.
Trong các ngành công nghiệp nhẹ khác, nhiều lĩnh vực có tỷ lệ tăng lợi nhuận suy giảm mạnh. Lợi nhuận bán hàng cũng giảm so với năm trước. Số doanh nghiệp thua lỗ và mức độ thua lỗ cũng ngày càng tăng.
Do vậy, chưa thể nói rằng ngành da bắt đầu hồi phục, bởi kinh tế thế giới chưa có dấu hiệu sáng lên. Ngành da Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng cho những khó khăn  hơn nữa trong tương lai.
 
 
 

Nguồn: Vinanet