Với tiêu đề “ Ngành công nghiệp giày đang gặp khủng hoảng” tờ nguyệt san “Diễn đàn” (Forum) của Mexico số tháng 10/2008 đã đề cập đến tình hình nhập khẩu giầy của Mexico trong những năm gần đây và tác động tiêu cực của nó đối với ngành công nghiệp giày của nước này.
 
Theo Hiệp hội giày quốc gia Mexico (CANAICAL), hiện Mexico có 4.911 cơ sở sản xuất giày phân bố trong cả nước trong đó có 900 cơ sở đặt tại bang Guanajuato (quê hương của ngành da giày Mexico); ngành giày tạo việc làm cho 90.000 lao động; với số lượng giày nhập khẩu khoảng 45 triệu đôi/năm đã tạo ra mối nguy cơ thực sự cho ngành giày của Mexico trong đó gần một nửa lượng giày nhập khẩu có xuất xứ từ Việt nam.
 
Theo nguyệt san này, nếu như cách đây 5 năm, Trung quốc là nhà xuất khẩu chính và sản phẩm có xuất xứ từ con Rồng Đỏ này là mối đe dọa với các sản phẩm của Mexico thì gần đây Việt nam đã vươn lên thay thế Trung quốc trở thành nước xuất khẩu giày lớn nhất vào thị trường này.
 
Theo số liệu của CANAICAL, năm 2007 Mexico nhập khẩu hơn 46 triệu đôi giày mà gần một nửa trong số đó (tức khoảng 20 triệu đôi) có xuất xứ từ Việt nam, chiếm 30% thị phần nhập khẩu và bỏ lại Trung quốc ở phía sau với vẻn vẹn 7% thị phần. Sự sụt giảm số lượng giày nhập khẩu từ Trung quốc là do nước này tiếp tục bị áp đặt mức thuế chống bán phá giá thêm 04 năm nữa trong khi sản phẩm giày của Việt nam không phải chịu mức thuế này.
 
Mặc dù số lượng giày nhập khẩu từ Trung quốc giảm sút, nhưng quốc gia châu Á này vẫn luôn là nguy cơ đối với ngành giày Mexico do việc nhập lậu giày từ Trung quốc vẫn là công việc kinh doanh mang lại lợi nhuận.
 
Trong năm 2007, các cơ quan chức năng của Tổng cục Hải quan Mexico đã tịch thu 500 tấn giày nhập khẩu bất hợp pháp và từ đầu năm 2008 đến nay, số liệu giày nhập lậu bị bắt giữ là 90 tấn.
 
Việc nhập khẩu giày từ Trung quốc, Việt nam cũng như từ các quốc gia khác đã gây ảnh hưởng tới các doanh nghiệp Mexico, chủ yếu là vùng San Francisco de Rincon, bang Guanajuato khiến cho gần 50% doanh nghiệp vùng này phải đóng cửa từ năm 2000-2008.
 
Trong bối cảnh đó, các công ty bị thiệt hại là các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ trong khi các doanh nghiệp này chiếm tới 95% năng lực sản xuất của ngành giày trong nước và trong một số trường hợp, các công ty gia đình có nguy cơ phải đóng cửa.
 
Các doanh nghiệp đang trong cơn khủng hoảng
 
CANAICAL cho rằng hậu quả của việc nhập khẩu giày với số lượng lớn không chỉ từ Trung quốc, Việt nam mà còn từ các nước Indonesia, Malaysia, Thailand, Đài Loan, Tây Ban Nha và Brasil đã làm giảm số lượng doanh nghiệp giày trong nước từ 5.500 doang nghiệp xuống còn 4.800 doanh nghiệp  trong khoảng thời gian từ 2001 đến 2005 và làm mất khoảng 20.000 việc làm  (từ 130.000 lao động xuống còn 110.000 lao động).
 
Chủ tịch CANAICAL ông Gillermo Marquez khẳng định rằng Trung quốc vẫn tiếp tục là đối thủ chính và kêu gọi các nhà sản xuất giày đoàn kết lại, đòi Chính phủ liên bang không được bãi bỏ thuế chống bán phá giá với sản phẩm giày của Trung quốc. Nếu không doanh nghiệp Mexico sẽ phải chịu sự cạnh tranh không lành mạnh từ quốc gia châu Á này.
 
Cùng với nạn hàng giả là tệ nạn tham nhũng của Hải quan. Buôn lậu, buôn bán bất hợp pháp, lãi suất tín dụng và chi phí sản xuất cao là những nhân tố đẩy ngành giày của Mexico vào tình trạng khốn khó và bóp chết ngành công nghiệp này, làm cho số lượng doanh nghiệp và lao động suy giảm rõ rệt trong trong những năm gần đây.
 
Ngoài ra, doanh nghiệp Mexico phải chịu chi phí xăng, nhớt , điện cao đã hạn chế sự phát triển của ngành giày và các ngành khác. Một nhân tố nữa mà ngành giày trong nước đang phải đối mặt là sự gia tăng nhập khẩu hợp pháp và bất hợp pháp từ các quốc gia trên. Theo CANAICAL, từ năm 2001-2005, nhập khẩu hàng năm tăng ở mức 450%.
 
Hiện trung bình mỗi năm Mexico nhập khẩu hợp pháp 46 triệu đôi giày trị giá 500 triệu USD. Đó là chưa kể lượng giày nhập lậu chưa liệt kê được được tiêu thụ trên thị trường chợ đen với gía thấp hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Phần lớn hàng hóa nhập khẩu đều làm thủ tục Hải quan, song không ít trường hợp hàng nhập lậu được thông quan do hối lộ.
 
Theo vị Phó chủ tịch phụ trách bảo vệ ngành giày thuộc Hiệp hội Giày Quốc gia Mexico -Ismael Lopez nhà chức trách Mexico cần phải kiểm soát chặt chẽ hơn nữa vấn đề giày nhập khẩu dù xuất xứ của nó là Trung quốc hay Việt nam. Cũng theo vị quan chức này, trong 02 năm gần đây, ngành da giày Việt nam đã trở thành mối đe dọa không chỉ đối với Mexico mà với cả thế giới với gía bán trung bình là 8 USD/đôi trong khi giá trung bình của Mexico là 22 USD/đôi. Các nhà sản xuất giày Mexico cần phải có chiến lược giống như những gì mà châu Âu đang làm đó áp thuế 19% đối với giày nhập khẩu từ Việt nam và Trung quốc khi mà lương giày nhập khẩu vào khu vực này vượt quá 6 tỷ USD vào năm 2007.
 
Sau khi châu Âu áp dụng mức thuế này, Hiệp hội Da giày Việt nam (LEFASO) nói rằng mức thuế trên có thể sẽ làm mất việc làm của 70.000 đến 90.000 lao động Việt nam.
 
Các cơ quan quản lý thương mại của châu Âu nói rằng sự trừng phạt này được đưa ra do Việt nam đã trợ cấp các doanh nghiệp sản xuất giày thông qua lãi suất cho vay và chi phí thuê mướn thấp, giảm thuế cũng như các biện pháp ưu đãi khác. Tuy nhiên, quan chức LEFASO nói rằng giá thành của Việt nam thấp là do chi phí nhân công thấp.
 
Tuy nhiên, hiện nay,Việt nam không tự cung cấp đủ vật tư, nguyên liệu mà phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung từ Trung quốc nên chi phí sản xuất tăng.
 
Theo lãnh đạo Hiệp hội giày bang Guanajuato – Jose Abugaber, nhập khẩu giày từ Việt nam tăng trong những năm gần đây do những nước như Brasil đã suy giảm sức cạnh tranh và giày của Việt nam đã lấp chỗ trống này trên thị trường quốc tế.
 
Nhà lãnh đạo Hiệp hội giày này cũng cho rằng vấn đề chất lượng giầy của Mexico cũng rất quan trọng và phải đáp ứng được thị hiếu của các nhà nhập khẩu giày quốc tế, nhất là giày da. Chúng ta không thể phủ nhận một thực tế rằng cứ 01 đôi giày nhập khẩu vào Mexico thì sẽ có 01 đôi giày không được sản xuất tại Mexico và việc này sẽ hưởng tới công ăn việc làm. Vấn nạn này không chỉ ảnh hưởng tới các nhà sản xuất mà cả lĩnh vực kinh doanh trong cả nước.
 
Hàng châu Á được ưa chuộng
 
Đối với các  nhà kinh doanh giày, không có gì là bí ẩn khi người ta ưa chuộng hàng châu Á bởi giá của nó rẻ hơn so với hàng sản xuất tại Mexico. Bà Margarita Zavala, chủ một cửa hiệu giày tại thủ đô Mexico D.F.khẳng định rằng giày của Việt nam đã tràn ngập thị trường trong nước do đó giá bán của giày thể thao trong nước đã giảm tới 40% trong 03 năm trở lại đây. Các nhà sản xuất giày kêu gọi nhà chức trách Mexico phải ra tay cứu ngành giày khỏi tình trạng khủng hoảng bằng cách áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu giày từ châu Á. Theo Hiệp hội giày Guanajuato, xuất khẩu giày của Mexico quý I năm 2008 đã giảm 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo ông Jose Abugaber, xuất khẩu giảm do một số nguyên nhân trong đó có sự suy thoái của kinh tế Mỹ và trong một số trường hợp giày Mexico đã mất khả năng cạnh tranh do sự cạnh tranh không lành mạnh của các sản phẩm giày châu Á. Năm ngoái, Mexico nhập khoảng 45 triệu đôi giày, gần một nửa trong số đó là từ Việt nam.
 
Trước đó, Bộ trưởng phát triển Kinh tế bang Guanajuato – Hector Lopez Santillana lên tiếng cần phải bảo vệ ngành giày của Mexico khỏi những tập quán cạnh tranh không lành mạnh mà một trong những biện pháp đó là kéo dài thời hạn áp thuế chống bán phá giá với giày Trung quốc thêm 04 năm nữa. Ngoài ra, ngành giày của bang cũng phải nâng cao khả năng cạnh tranh để thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay. Sức cạnh tranh của ngành giày Mexico là có và việc chúng ta cần làm là phải bảo vệ nó tránh khỏi sự cạnh tranh thiếu lành mạnh.
 
Các nhà lập pháp với ngành giày
 
Theo Thượng nghị sĩ Ricardo Torres, thuộc nhóm nghị sỹ đảng PAN, ngành giày Mexico đang trải qua thời kỳ khó khăn nhất do sự cạnh tranh thiếu lành mạnh và sự thu hẹp thị trường trong nước.
 
Ngoài ra, quá trình toàn cầu hóa và tự do hóa thương mại đòi hỏi phải nâng cao hơn nữa sức cạnh tranh, giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng và dịch vụ và đây không phải là một công việc dễ dàng. Giờ đây, để phát triển sản phẩm, chúng ta cần ưu tiên tập trung cho các  hoạt động quảng bá và Marketing. Cuộc khủng hoảng của ngành giày không chỉ thể hiện ở sự suy giảm sản xuất mà cả sự suy giảm về công ăn việc làm. Đó là ngành sử dụng nhiều nhân công, do đó số lượng công ăn việc làm phụ thuộc vào tình hình sản xuất. Hiện tại, ngành giày tạo công ăn việc làm cho gần 90.000 lao động.
 
 Trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi nhanh chóng về phân bổ địa lý, về công nghệ và chất lượng và đứng trước làn sóng cạnh tranh khốc liệt của các sản phẩm Trung quốc, Việt nam và Brasil vì vậy cần cân nhắc lộ trình phát triển mang tính dài hạn cho ngành giày. Đây là thách thức to lớn đối với ngành da, giày của Mexico : thách thức này mang tính cạnh tranh toàn cầu đối với cả thị trường trong nước và quốc tế trong những năm tới.
 
Ngành giày Mexico là ngành sản xuất truyền thống bao gồm 4.911 nhà sản xuất phân bố trên cả nước. Hiệp hội giày bang Gauanjuato có 1.200 hội viên trong đó có 900 hội viên là các nhà sản xuất còn lại là các công ty kinh doanh.
 

Nguồn: Internet