Các công ty phát triển thực phẩm hữu cơ cho hay khi quy mô sản xuất tăng lên, giá sản phẩm hữu cơ sẽ giảm, nhưng vẫn cao hơn so với thực phẩm thường.

Do lo ngại các loại rau củ có tồn dư hóa chất, không ít người tiêu dùng đã chuyển sang chọn mua các loại thực phẩm hữu cơ, được coi như thực phẩm có tiêu chuẩn cao nhất hiện nay khi hoàn toàn không sử dụng hóa chất trong quá trình sản xuất.

Tuy nhiên, giá các loại thực phẩm này cũng ở mức cao nên còn hạn chế người tiêu dùng. Các công ty phát triển thực phẩm hữu cơ cho hay khi quy mô sản xuất tăng lên trong thời gian tới, giá các loại sản phẩm hữu cơ sẽ giảm, nhưng vẫn cao hơn so với thực phẩm thường.

Đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng đối với các loại thực phẩm hữu cơ do lo ngại về vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm hữu cơ ra đời tại TP. HCM, tập trung ở các khu vực dân cư có thu nhập cao, có thể kể đến các thương hiệu như Organik (quận 2), Organica (quận 3, quận 7) hay Hoa Sữa Foods (quận 1)...

Bên cạnh các loại gạo, rau củ tươi, các cửa hàng chuyên thực phẩm hữu cơ cũng nhập khẩu các loại hàng có chứng nhận hữu cơ quốc tế như ngũ cốc, gia vị, các loại hạt, đồ uống...

Tuy nhiên, khảo sát tại các cửa hàng này cho thấy giá các loại thực phẩm hữu cơ cao hơn nhiều so với thực phẩm thường (rau VietGAP, rau an toàn). Chẳng hạn các loại rau mầm, rau thơm có giá lên đến 150.000 đồng/kg, các loại xà lách, cà rốt, cà chua... dao động ở mức 60.000-70.000 đồng/kg, còn rau ăn lá cũng ở mức 50.000-60.000 đồng/kg.

Các cửa hàng ở trung tâm (quận 1, 3) hay quận 7 có giá thấp hơn so với cửa hàng chuyên dành cho người nước ngoài ở quận 2 nhưng vẫn cao hơn giá rau trong siêu thị từ 2-4 lần.

Không dễ trồng rau hữu cơ

Giải thích về việc giá bán sản phẩm rau hữu cơ khá cao hiện nay, nhiều nhà sản xuất cho biết làm ra rau hữu cơ không dễ.

Một người trồng rau hữu cơ cho hay trồng rau hữu cơ không được dùng phân bón hóa học, không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học và hóa chất kích thích tăng trưởng, bảo quản nên tốn rất nhiều công sức nhưng năng suất thấp hơn so với canh tác thông thường, giá thành cao hơn.

Đặc biệt, để có được mảnh đất đủ điều kiện canh tác hữu cơ tại VN hiện nay không hề dễ dàng do đất đai thâm canh nhiều năm đã tích tụ phân bón và thuốc trừ sâu hóa học, không thể trồng rau hữu cơ.

Một chuyên gia về đánh giá cấp chứng nhận tiêu chuẩn nông nghiệp toàn cầu cho hay để bắt đầu canh tác hữu cơ, nhà đầu tư phải chứng minh mảnh đất đó có ít nhất ba năm không canh tác hay sử dụng hóa chất trong phân vô cơ hay thuốc trừ sâu, diệt cỏ hóa học. Trong quá trình canh tác, nhà đầu tư chỉ được dùng phân bón hữu cơ tự ủ theo quy trình hoặc phân hữu cơ có chứng nhận quốc tế.

Trước khi cấp chứng nhận, cơ quan chứng nhận sẽ lấy mẫu đất, nước và rau củ đi phân tích trên 200 chỉ tiêu theo tiêu chuẩn của EU, Mỹ nếu đạt mới được chứng nhận.

Tổng giám đốc Công ty CP Viễn Phú (đơn vị sở hữu thương hiệu Hoa Sữa Food), cho hay nhiều người tiêu dùng tại VN chưa biết đến các tác dụng này của thực phẩm hữu cơ nên doanh thu của cửa hàng nói chung còn khá hạn chế. Hơn nữa, bản thân các nhà sản xuất thực phẩm hữu cơ cũng không sản xuất đủ chủng loại hàng hóa mà khách hàng yêu cầu do vốn và công sức đầu tư lớn.

Một số cửa hàng bán thực phẩm hữu cơ nhưng vẫn đưa các sản phẩm có tiêu chuẩn thấp hơn như Global GAP, VietGAP, thậm chí hàng không rõ nguồn gốc, vào bán cho khách hàng với giá cao.

Hiện VN chưa có quy định nào cụ thể về chứng nhận hữu cơ và kiểm soát sản phẩm hữu cơ khi đưa ra thị trường, bất kỳ ai cũng có thể nói mình bán rau hữu cơ cho người tiêu dùng. Nhà nước cần có những biện pháp quản lý để minh bạch thị trường, vừa đảm bảo người tiêu dùng có sản phẩm tốt thật sự so với số tiền họ bỏ ra, đồng thời bảo vệ những người làm ăn đàng hoàng.

Phân biệt thực phẩm hữu cơ với thực phẩm thường

Thực phẩm hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hóa học và không chứa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng. Trong khi các tiêu chuẩn khác như Global GAP, VietGAP... được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hóa học... nhưng có kiểm soát.

Ngoài thị trường đang có hai loại thực phẩm hữu cơ là thực phẩm hữu cơ có chứng nhận và thực phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ. Trong đó, các thực phẩm hữu cơ có chứng nhận được một tổ chức có thẩm quyền của quốc tế như USDA (Bộ Nông nghiệp Mỹ), Ecocert (EU), IFOAM (Liên đoàn Quốc tế các phong trào canh tác hữu cơ) đánh giá và cấp chứng nhận. Sản phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ cũng làm theo các tiêu chuẩn của các tổ chức nói trên nhưng chưa có chứng nhận.

Nguồn: Báo Công Thương điện tử, Tuổi trẻ

 

Nguồn: Vinanet