Công cuộc tin học hoá ở Singapore bắt đầu từ những năm 80 với khá nhiều dự án như: Dự án Tin học hoá Quốc gia (tin học hóa tất cả các ngành công nghiệp, phát triển CNTT một cách rộng rãi để giúp mọi người dân bước đầu làm quen với CNTT, xây dựng một cơ sở hạ tầng mới) được thực hiện năm 1981; Dự án CNTT Quốc gia năm 1986...

Cũng từ cuối những năm 80, Singapore bắt đầu xây dựng mạng lưới truyền thông tốc độ cao trên toàn quốc và cung cấp các dịch vụ ứng dụng máy tính. Năm 1996, Singapore đã đầu tư 82 triệu đô la Mỹ để xây dựng mạng lưới băng thông rộng quốc gia đầu tiên trên thế giới mang tên Singapore One (mạng lưới của mọi người dân). Mạng lưới này đóng vai trò hết sức quan trọng như một dây thần kinh xương sống của quốc đảo, cấu trúc bao gồm 7 tầng: mạng NII và tầng trạm, cung cấp máy tính và quản lý, tầng dịch vụ cơ bản, tầng các dịch vụ công cộng, tầng các dịch vụ ứng dụng, tầng quản lý hệ thống và an ninh, tầng giao diện con người và môi trường.

Singapore One là một phần cấu thành quan trọng của dự án IT2000 - được liên kết xây dựng và điều phối bởi Cục Tin học Quốc gia (NCB), Cục Kỹ thuật và Khoa học Quốc gia (NSTB), Cơ quan Truyền thông Singapore (TAS) và Singapore Broadcasting Authority (SBA). Trong đó, TAS phụ trách việc xây dựng cơ sở hạ tầng phần cứng, NCB chịu trách nhiệm xây dựng ứng dụng mạng, NSTB có nhiệm vụ hỗ trợ kỹ thuật băng thông rộng, SBA có trách nhiệm giúp đỡ và khuyến khích các công ty truyền thanh truyền hình và các nhà cung cấp nội dung cung cấp các nội dung thông tin đầy đủ về Singapore One.

Chú trọng đặc biệt tới TMĐT

Singapore có những ưu điểm thuận lợi đặc biệt để phát triển TMĐT. Quốc gia này giữ vai trò đặt biệt quan trọng về tài chính, thương mại và truyền thông ở châu Á - Thái Bình Dương và trên thế giới. Các ngành công nghiệp phát triển truyền thống của Singapore bao gồm truyền thông, thương mại, tài chính, hàng không, đóng tàu - đều là những "nền móng" tốt cho việc phát triển TMĐT.

Trong lộ trình thúc đẩy phát triển TMĐT, ngay từ đầu, chính phủ Singapore đã thành lập một ủy ban đặc biệt để hợp pháp hoá phương thức giao dịch điện tử, các công tác hợp tác và hỗ trợ đầy đủ cho các doanh nghiệp với những khả năng sử dụng công nghệ mạng tốc độ cao. Hàng loạt động thái tích cực đã được chính phủ thực thi.

Tháng 6/1998, Singapore đã thử nghiệm thành công phương thức cross-identification of Government - Government (kiểm tra chéo giữa chính phủ - với chính phủ), cho phép các doanh nhân Singapore và Canada có thể nhận dạng trực tuyến. Hệ thống an ninh cơ bản này được xây dựng như một điểm mốc quan trọng cho Singapore đạt được mục tiêu chính về TMĐT.

Tháng 7/2008, đạo luật giao dịch điện tử được ban hành như một phần cam kết hướng tới giao dịch điện tử của chính phủ Singapore. Đạo luật này cung cấp cơ sở pháp lý cho các giao dịch điện tử và chuẩn bị cho những mẫu hợp đồng điện tử.

Tháng 9/1998, Singapore đã xuất bản Kế hoạch chi tiết Phát triển TMĐT với mục tiêu đưa quốc đảo này thực sự trở thành một trung tâm TMĐT quốc tế. Theo kế hoạch, dự án TMĐT sẽ được áp dụng đối với 20% công ty địa phương trong vòng 2 năm, và tới năm 2003 sẽ áp dụng với 50% doanh nghiệp, doanh thu dịch vụ giao dịch điện tử đạt 4 tỷ đô la.

Tháng 11/1998, NCB mở rộng "Dự án Tin học hoá Doanh nghiệp địa phương", chi 9 triệu đô la Mỹ để hỗ trợ cho 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ áp dụng TMĐT. Mỗi doanh nghiệp có thể được nhận tối đa 2.000 đô la Mỹ từ nguồn hỗ trợ này.

Tháng 2/1999, NCB đã ban hành các quy định CA Licence nhằm bảo vệ quyền lợi cho khách hàng và tổ chức thương mại, tạo lòng tin của công chúng đối với giao dịch điện tử và để thúc đẩy việc phát triển TMĐT. Theo đó, Chính phủ quy định chữ ký điện tử an toàn có giá trị tương tự như chữ ký tươi ở toà án.

Ngoài ra, chính phủ cũng đã làm việc với ngành công nghiệp CNTT để phát triển các dịch vụ cơ sở hạ tầng như hệ thống an ninh, uỷ thác, dịch vụ hướng dẫn, hệ thống thanh toán trực tuyến và các dịch vụ TMĐT trung gian khác.

Với những điều kiện thuận lợi như trên, TMĐT ở Singapore đã có những bước phát triển vượt bậc. Cả 2 công ty của Mỹ là GE Plastics và Eastman Chemical Company đều bình chọn Singapore là trung tâm TMĐT của Châu Á - Thái Bình Dương năm 2000. Singapore cũng đã trở thành khách hàng của 3 đối tác Ariba, CommerceOne và FreeMarkets. Sự có mặt của những đối tác này đã khuyến khích sự gia tăng các giao dịch B2B (doanh nghiệp với doanh nghiệp). Hiện tại, gần 80% giao dịch TMĐT ở Singapore là B2B.

Tháng 1/1997, Cơ quan Truyền thông Singapore - TAS đưa ra sáng kiến xây dựng một liên doanh dịch vụ I-NETS Singapore Pte Ltd để phát triển và điều khiển Singapore ONE core net. Sau khi được xây dựng, Singapore ONE có thể cung cấp các dịch vụ và khả năng truyền thông tương tác thực. Mạng lưới này sử dụng công nghệ trao đổi ATM, HFC và ADSL để kết nối các công sở, các khu công cộng và gia đình thông qua mạng truyền hình cap.

Singapore đã đề ra 5 chiến lược phát triển TMĐT như sau:

- Phát triển cơ sở hạ tầng TMĐT theo tiêu chuẩn quốc tế;

- Phát triển Singapore trở thành trung tâm TMĐT;

- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp sử dụng TMĐT;

- Tăng cường các hoạt động TMĐT ở nơi công công và trong thương mại;

- Đưa ra các chính sách sách và luật thích hợp với giao dịch ngoài quốc gia

Theo khảo sát năm 2006, tại quốc đảo Sư Tử, 74% gia đình sống ở các khu chung cư và 92% gia đình riêng có máy tính. Cơ quan Tình báo Kinh tế ước tính cứ 100 người thì 50 sử dụng máy tính.

(Niics)

 

Nguồn: Internet