*Xăng tăng 410 đồng mỗi lít

19h tối ngày 9/8, Tổng công ty Xăng dầu VN (Petrolimex) tuyên bố tăng giá xăng thêm 410 đồng mỗi lít và 350 đồng với dầu diezel và 400 đồng với dầu hỏa.

Như vậy, sau khi điều chỉnh xăng A92 không chì là 16.900 đồng mỗi lít, xăng A92 là 16.400 đồng, dầu diezel loại 0,05S là 14.750 đồng, diezel 0,25S là 14.700 đồng; dầu hỏa giá 15.100 đồng; dầu mazut 3S là 12.990 đồng mỗi kg và madzut 3,5S giá 12.690 đồng mỗi kg.

Theo các doanh nghiệp, trong những ngày qua, giá nhiên liệu thế giới tiếp tục giữ ở mức cao với gần 82 USD đối với mỗi thùng xăng thành phẩm và trên 87 USD mỗi thùng dầu. Sau khi trừ đi các chi phí, mức lỗ cho mỗi lít xăng trên dưới 500 đồng...

*Tôm và nghêu nuôi có giá

Tại Tiền Giang, tôm và nghêu nuôi đang có giá cao. Tôm sú loại 40 con/kg có giá 108.000-120.000 đ/kg; tôm thẻ 55.000-60.000 đ/kg (loại 100 con/kg), tăng so với cùng kỳ năm ngoái 20.000-30.000 đ/kg.Nghêu nuôi có giá 25.000-27.000 đ/kg (loại 40 con/kg) Với giá kể trê, người nuôi tôm có lãi cao, từ 30.000-35.000 đ/kg đối với tôm sứ và từ 10.000-15.000 đ/kg đối với tôm thẻ chân trắng.

*Từ ngày 10/8, MobiFone áp dụng giá cước mới trên toàn mạng, mức giảm cao nhất trên 20% với gói Q-Teen. Các gói cước trả trước, trả sau khác đều được giảm từ 10-15%. Gói Q Teen được hưởng mức giảm giá tới 20.29%, còn 1.1180 đ/phút nội mạng, 1.380 đ/phút liên mạng. Đối với thuế bao trả sau, cước hòa mạng ban đầu giảm  tới 49.55 còn 50.000 đ/lần hòa mạng so với 99.000 đ trước đây. Cước nội mạng được giảm còn 880 đ/phút, cuộc gọi liên mạng giảm còn 980 đ/phút.

*Thị trường thịt lợn bán lẻ vẫn ổn định

Sau hơn một tuần phát hiện ổ dịch lợn tai xanh, thị trường bán lẻ các sản phẩm thịt lợn trên địa bàn Tp.Đà Nẵng nhìn chung vẫn ổn định.

Thịt lợn vẫn giữ giá như trước khi có dịch. Cụ thể, thịt lợn mông là 60-65.000 đ/kg, sườn 45-50.000 đ/kg, thịt vai 55.000 đồng/kg… Các sản phẩm được được làm từ thịt lợn như chả lụa, ruốc bông… tại các quầy đều giữ nguyên giá bán. Theo các tiểu thương, do dịch bệnh đã được khoanh vùng và các sản phẩm đều đã được đóng dấu kiểm tra của Chi cục Thú y thành phố nên không có biến động lớn về lượng khách.

*Nông sản, thực phẩm

Giá mua bắp hạt đỏ khô tại Đồng Nai giảm 400 đ còn 5.400 đ/kg, cà phê nhân giảm 800 đ còn 29.200 đ/kg, hạt điều khô tăng 1.500 đạt mức 26.000 đ/kg.

Tại Trà Vinh giá lúa giảm 800 đ còn 4.200 đ/kg, gạo thường giảm 1000 đ còn 6.500 đ/kg;

Giá lợn hơi giảm 1000 đ còn 26.000 đ/kg, thịt heo giảm 1000 đ còn 47.000 đ/kg.

*Sữa ngoại tiếp tục tăng giá mạnh

Theo thông báo mới nhất của hãng sữa Abbott, kể từ ngày 10/8 các sản phẩm của hãng sẽ đồng loạt được điều chỉnh tăng lên khoảng 7%.

Theo đó, sữa Similac IQ hộp 400 gam sẽ được điều chỉnh tăng thêm 13 nghìn đồng/hộp, từ 178 nghìn lên mức 191 nghìn đồng/hộp, Similac IQ hộp 900 gam cũng tăng thêm 25 nghìn đồng/hộp, từ 363 nghìn đồng lên 388 nghìn đồng/hộp; sữa Gain Plus IQ hộp 900 gam tăng thêm 23 nghìn đồng/hộp, từ 330 nghìn đồng lên 353 nghìn đồng/hộp...

Việc bất ngờ tăng giá đợt này theo giải thích của các hãng sữa là do công ty đã chính thức thay đổi công thức sữa mới, tốt hơn để phù hợp hơn với nhu cầu cũng như thể trạng của người Việt. Như vậy, đến thời điểm này đã có 5 loại sữa ngoại chính thức được thông báo tăng giá trong đó có những tên tuổi như XO, Dulac,…

Theo dự báo của một số đại lý kinh doanh sữa tại Hà Nội, việc tăng giá của các mặt hàng sữa ngoại này sẽ không dừng tại đây, nó vẫn sẽ tiếp tục điều chỉnh đi lên cùng với xu hướng chuộng hàng ngoại của các bà mẹ đang không ngừng tăng.

*Giá gạo rục rịch tăng

Thông tin về nhu cầu tiêu thụ gạo trên thế giới tăng cao vừa được các phương tiện truyền thông công bố, giá gạo ở nhiều điểm bán lẻ ở TP.HCM đã rục rịch tăng.

Các đại lý gạo trên đường Tô Hiến Thành (Q.10) cho biết: Do biến động của thị trường gạo xuất khẩu nên gạo đầu vào các đại lý đều tăng khiến đầu ra cũng tăng nhẹ.

Tại TP.HCM, gạo là một trong 9 mặt hàng được TP bình ổn giá thông qua việc cho doanh nghiệp vay vốn ưu đãi để bình ổn thị trường. Giám đốc Công ty lương thực TP.HCM khẳng định: “Dù giá gạo trên thị trường có biến động nhưng hệ thống FocoMart của Công ty lương thực TP vẫn thực hiện đúng giá bán đã đăng ký theo chương trình bình ổn. Tổng số gạo tham gia chương trình này khoảng 2.000 tấn các loại, mức giá công bố từ 6.500 đồng đến 9.500 đồng/kg tùy loại.

Ngoài hệ thống Co.op Mart, Co.op Food, FocoMart, chương trình bình ổn mặt hàng gạo ở TP.HCM còn được triển khai ở 66 điểm bán của Tổng công ty thương mại Sài Gòn, 20 điểm bán của Công ty Vinh Phát... Dự báo trước tình trạng nhiều người đầu cơ sẽ “té nước theo mưa” đẩy giá gạo lên cao để trục lợi, Tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam, đã cảnh báo các công ty thành viên: “Tình hình xuất khẩu gạo gia tăng có thể sẽ làm xảy ra tình trạng thiếu gạo, sốt giá gạo trong nước vào các tháng cuối năm, do đó các doanh nghiệp phải sẵn sàng can thiệp thị trường trong nước một khi có biến động khan hiếm, sốt giá”.

(Tổng hợp)

Nguồn: Vinanet