(VINANET) Thị trường phân bón trong nước hiện vẫn khá trầm lắng, giao dịch cầm chừng, giá phân bón tại một số địa phương tiếp tục giảm nhẹ. Nhu cầu phân bón vẫn ở mức thấp bởi đã qua đợt chăm bón ảnh hưởng mưa trên diện rộng từ khu vực miền Trung Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Trong khi tại các tỉnh miền Bắc lại đang vào chính vụ thu hoạch.

Tại các tỉnh phía Bắc giá các chủng loại phân bón vẫn ổn định. Urê Phú Mỹ dao động từ 9.600 - 9.700 đồng/kg. Tại Đà Nẵng giá urê Phú Mỹ giảm 1% xuống còn 9.700 đồng/kg; tại Quy Nhơn giảm 0,8% xuống còn 9.700 - 9.800 đồng/kg. Thị trường phân bón tại Quy Nhơn, Đà Nẵng chỉ thực sự sôi động từ cuối tháng 11 trở đi vì đây là thời kỳ xuống giống vụ Đông Xuân nên nhu cầu phân bón tăng. Tại TP Hồ Chí Minh, giá urê Phú Mỹ liên tục giảm, giá urê Trung Quốc giảm 1,1%, xuống còn 8.900 - 9.000 đồng/kg; urê Phú Mỹ giảm 4,3%, xuống 9.400 - 9.450 đồng/kg; Tương tự, giá urê Cà Mau giảm 0,67%, xuống còn 9.000 - 9.030 đồng/kg.

Theo số liệu thống kê chính thức của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu phân bón của Việt Nam trong tháng 9/2012 đạt 80 nghìn tấn với kim ngạch đạt 33,5 triệu USD, tăng 10,7% về lượng và tăng 6,4% về kim ngạch so với tháng trước. Như vậy, sau 2 tháng giảm liên tiếp, xuất khẩu phân bón của nước ta đã tăng trở lại. Tính đến hết tháng 9/2012, xuất khẩu phân bón của nước ta đạt trên 1 triệu tấn với kim ngạch đạt 430 triệu USD, tăng 52,6% về lượng và tăng 55,% về kim ngạch so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, nhập khẩu phân bón trong tháng 9/2012 đạt 330,8 nghìn tấn với kim ngạch đạt 133,6 triệu USD, giảm 5,3% về lượng và giảm 8,2% về kim ngạch so với tháng trước. Tính chung 9 tháng đầu năm 2012, nhập khẩu phân bón đạt 2,75 triệu tấn, kim ngạch 1,18 tỷ USD, giảm 9,3% về lượng và giảm 4,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2011.

Trung Quốc vẫn là thị trường chính cung cấp mặt hàng phân bón cho Việt Nam với 1,4 triệu tấn, chiếm 53,6% tỷ trọng, đạt kim ngạch 596,9 triệu USD tăng 3,65% về lượng và tăng 4,63% về trị giá so với cùng kỳ năm trước. Đứng thứ hai sau thị trường Trung quốc là Philippin với lượng nhập trong thời gian này là 234,8 nghìn tấn, trị giá 115,8 triệu USD giảm 8,03% về lượng và giảm 4,27% về trị giá so với 9 tháng 2011.

Ngoài hai thị trường chính kể trên, Việt Nam còn nhập khẩu phân bón từ các thị trường khác nữa như Nhật Bản 210,1 nghìn tấn, Nga 104,3 nghìn tấn, Đài Loan 59,9 nghìn tấn, Hàn Quốc 45,9 nghìn tấn….

Theo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem), quý III, sản xuất - kinh doanh của nhóm phân bón trong các doanh nghiệp thuộc Vinachem có nhiều yếu tố thuận lợi. Lũy kế 9 tháng, giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 18.607 tỷ đồng, tăng 11,5%; doanh thu ước đạt 20.214 tỷ đồng, tăng 12,1% so với cùng kỳ năm 2011. Cuối quý III/2012, tồn kho phân bón DAP, lân chế biến và NPK ở mức cao hơn cùng kỳ năm 2011.

Cụ thể, phân lân chế biến: 9 tháng sản xuất đạt 1.202 ngàn tấn, tồn kho 347 ngàn tấn, tăng 18% so với cùng kỳ. Phân đạm urê 9 tháng sản xuất đạt 145 ngàn tấn, hiện chỉ còn tồn kho 9.000 tấn. Phân DAP 9 tháng sản xuất đạt 204 ngàn tấn, hiện còn tồn kho trên 53,6 ngàn tấn, tăng 530% so với cùng kỳ. Phân NPK cũng còn tồn kho cao: 9 tháng sản xuất 1.371 ngàn tấn, hiện vẫn còn tồn kho 212 ngàn tấn, tăng 53,1% so với cùng kỳ.

Tổng giám đốc Công ty Cổ phần supe phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, lượng phân lân chế biến và phân NPK tồn kho cao chủ yếu là do công ty đã chủ động bố trí sản xuất để phục vụ nhu cầu vụ đông ở miền Bắc. Lượng tồn kho này không đáng ngại và tới đây, khi cả nước bước vào vụ đông xuân, lượng hàng này sẽ nhanh chóng được giải phóng. Riêng DAP tồn kho cao ngoài nguyên nhân khách quan là thị trường phân bón trầm lắng cũng có nguyên nhân chủ quan từ công tác điều hành tiêu thụ chưa tốt.

Như vậy, tổng lượng phân bón tồn kho tính đến nay đã trên 700 nghìn tấn. Nguyên nhân khiến việc tiêu thụ phân bón trong nước gặp khó khăn là do nông dân cắt giảm đầu tư cho sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, sản phẩm phân DAP đang vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt với phân DAP nhập khẩu (chủ yếu từ Trung Quốc). Mặt khác, do giá cao su, hạt điều và cà phê quý 3 giảm kỷ lục trong nhiều năm qua nên nhiều hộ dân không bón phân đợt ba cho cây công nghiệp trong tháng 8, 9 vừa qua. Bên cạnh vấn đề tồn kho, nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng và chính sách thuế hiện nay cũng khiến các doanh nghiệp sản xuất – kinh doanh phân bón gặp nhiều khó khăn.

Thị trường nhập khẩu phân bón 9 tháng 2012

ĐVT: Lượng (tấn); trị giá (USD)

Thị trường

KNNK 9T/2012

KNNK 9T/2011

% so sánh

Lượng

Trị giá

lượng

trị giá

Lượng

Trị giá

Kim ngạch

2.756.940

1.187.475.394

3.022.728

1.235.303.857

-8,79

-3,87

Trung Quốc

1.479.945

596.982.954

1.427.814

570.588.179

3,65

4,63

Philippin

234.838

115.875.044

255.340

121.042.738

-8,03

-4,27

Nhật Bản

210.115

52.291.401

184.625

40.242.835

13,81

29,94

Canada

136.534

73.899.607

155.329

73.989.644

-12,10

-0,12

Nga

104.391

49.767.908

100.598

46.993.641

3,77

5,90

Đài Loan

59.918

16.931.399

65.420

16.905.355

-8,41

0,15

Hàn Quốc

45.952

15.818.776

84.816

26.009.865

-45,82

-39,18

Nauy

25.853

13.218.673

24.543

12.718.089

5,34

3,94

Malaixia

14.114

6.319.765

26.327

10.641.527

-46,39

-40,61

Bỉ

12.458

7.981.873

8.905

5.212.912

39,90

53,12

Thái Lan

2.740

3.299.608

2.670

1.512.069

2,62

118,22

Ấn Độ

2.643

7.089.634

1.468

4.726.331

80,04

50,00

Hoa Kỳ

2.126

3.833.077

4.476

3.835.314

-52,50

-0,06

 

 

Nguồn: Vinanet