Để đối phó với thách thức ngày càng tăng mạnh về an ninh lương thực, Trung Quốc bắt đầu tăng cường trồng khoai tây và nghiên cứu tạo các giống khoai tây mới cho năng suất cao.

Dân số Trung Quốc chiếm 1/5 dân số thế giới song diện tích đất trồng trọt chỉ chiếm 1/10 diện tích đất nông nghiệp toàn cầu. Trong khi đó, các thành phố ở nước này đang được mở rộng với tốc độ rất nhanh khiến diện tích đất trồng trọt càng thu hẹp mạnh, và vấn đề nước tưới cũng ngày càng trở nên khó khăn. Mà muốn trồng lúa thì không chỉ cần diện tích đất mà còn cần lượng nước rất lớn.

Theo các nhà nghiên cứu Trung Quốc, tới năm 2030, dân số nước này sẽ tăng lên mức 1,5 tỷ người, và do vậy nước này cần sản xuất thêm mỗi năm 100 triệu tấn lương thực.
Khoai tây có thể là giải pháp cho vấn đề trên vì cần ít nước tưới hơn so với lúa và lúa mì, đồng thời lại cho lượng calo lớn hơn nhiều so với các loại cây thương thực khác được trồng trên cùng diện tích. Tại các vùng trồng lúa ở miền Nam Trung Quốc, nông dân có thể trồng loại khoai tây ngắn ngày giữa hai vụ lúa trong năm.

Các công ty chế biến thực phẩm cũng nhanh chóng vào cuộc với việc sử dụng khoai tây chế biến thành các món ăn hợp với khẩu vị người dân như bánh bao, mì sợi, bánh gatô.
Các nhà khoa học Trung Quốc đang phát triển những giống khoai tây lạ. Thậm chí, họ còn đưa cả hạt giống khoai tây lên tàu vũ trụ để phát triển giống mới vì cho rằng ở trạng thái không trọng lượng có thể tạo ra giống khoai tây đặc biệt cho nhiều chất dinh dưỡng hơn.

Không chỉ ở Trung Quốc, cây khoai tây đang được cả thế giới chú ý, coi đó như một trong những giả pháp đảm bảo an ninh lương thực.

Tại một hội nghị quốc tế diễn ra ở Cusco- Peru, các quan chức đã dành nhiều thời gian bàn về cây koai tây - một loại cây trồng cho sản lượng lương thực cao hơn, trên cơ sở tốn ít đất hơn ngô, lúa mì hay lúa gạo. Và người ta gọi cây khoai tây là “lương thực cho tương lai”.

Hiện loại cây này đang được trồng ở hơn 100 quốc gia, và đã là một phần không thể thiếu trong hệ thống lương thực toàn cầu. Khoai tây là một loại lương thực không hạt số một trên thế giới và sản lượng khoai tây của toàn thế giới năm 2007 đã đạt mức kỷ lục 320 triệu tấn.

Tiêu dùng khoai tây đang tăng mạnh ở các nước đang phát triển. Hiện nay, khoai tây đang chiếm hơn một nửa sản lượng lương thực của toàn thế giới, dễ canh tác và hàm lượng năng lượng cao, trồng khoai tây là một nguồn thu lớn cho hàng triệu nông dân.

Hội nghị Cusco, là một sự kiện trong năm thế giới về khoai tây, bắt đầu từ năm 2008, với mục tiêu góp phần vào việc nâng cao vai trò của khoai tây trong nông nghiệp, trong an ninh lương thực và kinh tế, đặc biệt là đối với các nước nghèo nhất.

Triển vọng cho khoai tây là rất sáng sủa. Bản thân ở Pêru, giá lương thực tăng cao đã khiến chính phủ phải nỗ lực để giảm giá nhập khẩu bột mỳ và khuyến khích mọi người sử dụng bánh mì làm từ bột khoai tây. Tại Trung Quốc, nước sản xuất khoai tây lớn nhất thế giới với sản lượng 72 triệu tấn năm 2007. Các chuyên gia nông nghiệp đã đưa ra đề xuất rằng, khoai tây trở thành cây lương thực chính trên các cánh đồng của nước này.

Tuy nhiên, phát biểu tại hội nghị, Trung tâm Khoai tây quốc tế (CIP) và FAO cho biết, mở rộng những lợi ích từ việc sản xuất khoai tây phụ thuộc vào những tiến bộ trong chất lượng cây trồng, các hệ thống nông nghiệp để đảm bảo bền vững hơn trong việc sử dụng các nguồn tài nguyên, và các giống khoai tây cần phải tăng cường khả năng chịu hạn, nâng cao sức đề kháng với sâu bệnh và tính chống chịu trong trường hợp đối mặt với điều kiện thời tiết biến động.

(Vinanet)