(VINANET) – Giá gạo châu Á vững đến giảm trong tuần qua, do chịu áp lực từ nguồn cung lớn (lượng dự trữ khổng lồ của Thái Lan) trong bối cảnh thiếu vắng nhu cầu và Việt Nam sắp vào vụ thu hoạch chính.

Hoạt động giao dịch trên các thị trường xuất khẩu gạo châu Á diễn ra không sôi động kể từ khi bước sang năm mới, bởi chưa có khách hàng nào có nhu cầu mua với khối lượng lớn. Việt Nam và Thái Lan chiếm 40% tổng mậu dịch gạo toàn cầu.

Gạo 5% tấm của Thái Lan giá vững ở mức 415 USD/tấn, FOB, so với 413-416 USD/tấn một tuần trước đây.

Kho trữ khổng lồ của chính phủ Thái vẫn đang là yếu tố gây áp lực lên thị trường. Chính phủ Thái Lan dự định xả bán hơn 17 triệu tấn gạo tồn kho quốc gia càng sớm càng tốt mà không gây ảnh hưởng đến giá.

Chính phủ Thái hiện không muốn lỗ quá nhiều khi bán gạo dự trữ thấp xa so với giá mua vào. Tuy nhiên, một thương gia Thái Lan cho rằng: “Vẫn là vấn đề gạo Thái Lan, ngay cả khi giá tăng, lượng dự trữ khổng lồ của Thái cũng kéo giá giảm trở lại”.

Bộ trưởng Thương mại Thái Lan, Chatchai Sarikulya tháng này sẽ có chuyến công du tới Hong Kong để ký biên bản ghi nhớ về việc bán 100.000 tấn gạo Hương Nhài.

Hong Kong là một trong những thị trường xuất khẩu chính của gạo thơm jasmine Thái Lan. Tuy nhiên, thị phần của Thái Lan tại thị trường này giảm 46% trong năm 2013 từ 86% năm 2008 do giá gạo Thái tăng do kết quả của chương trình trợ giá lúa gạo. Thái Lan đang nỗ lực giành lại thị phần tại thị trường gạo thơm jasmine Hong Kong từ năm 2014. Xuất khẩu gạo jasmine Thái Lan sang Hong Kong năm 2011 đạt 156.000 tấn, giảm xuống 134.000 tấn năm 2012, tăng nhẹ trở lại 142.000 tấn năm 2013.

Theo số liệu của Hiệp hội Xuất khẩu Gạo Thái Lan (TREA), xuất khẩu gạo 11 tháng đầu năm 2014 của nước này đạt 9,49 triệu tấn, trị giá 4,69 triệu USD, tăng 60% khối lượng so với 5,92 triệu tấn và tăng 18% giá trị so với 3,97 triệu USD cùng kỳ năm 2013. Riêng tháng 11/2014, xuất khẩu gạo đạt 721.955 tấn, giảm 41% so với 1,2 triệu tấn tháng 10/2014 nhưng tăng 39% so với 519.700 tấn tháng 11/2013. Về giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo tháng 11/2014 đạt 379,39 triệu USD, giảm 35% so với 580,12 triệu USD tháng 10/2014, nhưng tăng 7% so với 353,7 triệu USD tháng 11/2013. Giá xuất khẩu trung bình gạo trắng, Hom Mali, tấm, đồ và nếp trong tháng 11/2014 đều giảm. TREA ước tính xuất khẩu gạo năm 2014 của Thái Lan đạt 11 triệu tấn.

Văn phòng Kinh tế Nông nghiệp Thái Lan (OAE) cho biết diện tích gieo cấy vụ chính 2014-2015 giảm nhẹ xuống 9,88 triệu ha từ 9,93 triệu ha vụ trước, trong khi diện tích gieo cấy vụ 2 giảm 29% xuống 1,7 triệu ha; năng suất vụ chính đạt 2,74 tấn/ha, tăng nhẹ so với 2,73 tấn/ha vụ trước; trong khi năng suất vụ 2 đạt 3,91 tấn/ha, giảm 2,5% so với 4,01 tấn/ha vụ trước.

OAE dự báo sản lượng lúa nước này niên vụ 2014-2015 sẽ đạt 33,8 triệu tấn (22,3 triệu tấn gạo), giảm 8% từ 36,8 triệu tấn (24,3 triệu tấn gạo) năm trước đó. OAE ước tính sản lượng lúa vụ chính 2014-2015 đạt 27,1 triệu tấn, tăng nhẹ so với 27,09 triệu tấn vụ 2013-2014, trong khi sản lượng vụ 2 đạt 6,7 triệu tấn, giảm 31% so với 9,75 triệu tấn vụ trước.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ước tính sản lượng lúa của Thái Lan năm 2014-2015 đạt 31 triệu tấn (20,5 triệu tấn gạo).

Chính phủ Thái Lan đang dự định giảm 4,44 triệu ha diện tích trồng lúa, tương đương 39% trong tổng diện tích 11,34 triệu ha, theo hệ thống khoanh vùng nông nghiệp để trồng các loại cây trồng thu hoa lợi khác như mía đường.

Tại Việt Nam, giá gạo giảm nhẹ do thiếu vắng nhu cầu. Một thương gia ở TP HCM cho biết: “Tồn trữ còn rất ít, nhưng sắp đến vụ thu hoạch mới, vào cuối tháng này”. Đó là nói đến vụ Đông – Xuân – vụ lớn nhất trong năm mà hầu hết sản lượng sẽ dành cho xuất khẩu. Vụ Đông – Xuân thường cao điểm vào tháng 3, nhưng chỉ cuối tháng này sẽ bắt đầu có lúa mới bởi thời tiết khô. Nông dân ở ĐBSCL đã gieo cấy 1,56 triệu ha lúa.

Gạo 5% tấm của Việt Nam hiện giá 380-390 USD/tấn, FOB, so với 385-390 USD/tấn một tuần trước đây, trong khi gạo 25% tấm giá giảm xuongs 350-360 USD/tấn, FOB, so với mức 360-365 USD/tấn tuần cuối tháng 12.

Giá sàn gạo 25% tấm xuất khẩu đã được Hiệp hội Lương thực Việt Nam điều chnrh giảm 5,3% xuống 360 USD/tấn từ mức 380 USD/tấn áp dụng từ tháng 11 năm ngoái, trong bối cảnh nhu cầu yếu, có hiệu lực từ ngày 12/1/2015.

Một số thông tin khác

Hàn Quốc: Sẽ áp thuế nhập khẩu gạo trên 50%

Reuters đưa tin, Hàn Quốc hôm 6/1 khẳng định bắt đầu áp thuế nhập khẩu trên 500% đối với gạo nhập khẩu từ đầu năm mới, và cho biết 5 thành viên của WTO đã gia tăng lo ngại về vấn đề này.

Nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á muốn bảo vệ người trồng lúa của mình sau khi phải xóa bỏ hạn ngạch đối với những hàng hóa nhạy cảm theo cam kết WTO.

Tháng 9 năm ngoái, Hàn Quốc đặt ra mức thuế 513%, lập luận rằng đó là mức thuế cao nhất có thể trong khung quy định của WTO.

Hàn Quốc vốn tự cung được lúa gạo, song theo thỏa thuận WTO họ phải mua 408.700 tấn trong năm 2014, tương đương 9% nhu cầu, và mỗi năm sẽ phải nhập khẩu bằng lượng đó với mức thuế 5%, còn với lượng nhập vượt mức đó, họ sẽ đánh thuế 513%.

Ấn Độ: Dự trữ gạo đạt 22,79 triệu tấn tính đến 1/1/2015

Dự trữ gạo quốc gia của Ấn Độ tính đến 1/1/2015 đạt 22,79 triệu tấn, giảm 24% so với 29,85 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái, theo số liệu của Tổng công ty Lương thực Ấn Độ (FCI).

So với tháng trước, dự trữ gạo quốc gia Ấn Độ tăng 6% so với 21,57 triệu tấn ghi nhận hôm 1/12/2014. Tuy nhiên, lượng dự trữ hiện tại cao hơn 65% so với yêu cầu và tiêu chuẩn dự trữ chiến lược ở 13,8 triệu tấn, theo FCI.

Tổng dự trữ ngũ cốc (kể cả gạo và lúa mỳ) quốc gia Ấn Độ đạt 48,158 triệu tấn tính đến 1/1/2015, giảm 17% so với 58,273 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái và giảm 2% so với 49,381 triệu tấn tháng trước đó.

Myanmar: Xuất khẩu gạo tiểu ngạch sang Trung Quốc 9 tháng đầu năm 2014-2015 đạt 800.000 tấn

Xuất khẩu gạo của Myanmar sang Trung Quốc qua cửa khẩu biên giới phía bắc, nhất là cửa khẩu biên giới Muse, tháng 12 tăng do phía Trung Quốc giảm việc bắt giữ gạo xuất khẩu tiểu ngạch.

Theo số liệu Phó chủ tịch Trung tâm Bán buôn Lúa gạo Muse cung cấp, mỗi ngày khoảng 4.500 tấn gạo và 1.500 tấn gạo tấm được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Muse. 9 tháng đầu năm tài khóa 2014-2015, xuất khẩu gạo của Myanmar sang Trung Quốc đạt 800.000 tấn.

T.Hải
Nguồn: Vinanet/Reuters, Oryza