Một vấn đề thời sự đang được dư luận quan tâm: trong khi nhiều doanh nghiệp (DN) sản xuất cao su nguyên liệu đang ăn nên làm ra nhờ giá mủ xuất khẩu tăng cao, thì các DN sản xuất cao su công nghiệp lại “đói” nguồn nguyên liệu và than lỗ vì chi phí đầu vào bị đội lên quá cao.
Tại buổi làm việc với Cục Hóa chất mới đây, các DN cao su công nghiệp (chủ yếu là sản xuất sản phẩm săm lốp) kêu khó vì thiếu nguồn cao su nguyên liệu kéo dài. Cụ thể như Cao su Đà Nẵng (DRC) chỉ mua được 4.000 tấn cao su nguyên liệu để sản xuất, so với nhu cầu 13.000 tấn cho năm 2010. Cao su Sao Vàng (SRC) cũng không thể mua đủ số lượng 8.000 tấn nguyên liệu phục vụ sản xuất.
Các DN cao su công nghiệp, than là đang “đói” giữa vùng nguyên liệu dồi dào, bởi lúc giá bán mủ lên cao, các DN thuộc VRG “thích” xuất khẩu hơn là ưu tiên bán cho các DN trong nước. Lẽ nào “bà con gần” không bằng “láng giềng xa”?
Một câu hỏi đặt ra là tại sao VRG lại ưu tiên xuất khẩu mà ít bán cho các DN trong nước? Đứng về góc độ kinh tế thị trường thì nhà sản xuất sẽ ưu tiên bán hàng cho ai mua sản phẩm của họ với giá cao hơn. Nhưng quan trọng hơn, đó phải là những bạn hàng truyền thống, thủy chung, sướng khổ có nhau. Nói như dân gian là: “Có qua có lại mới toại lòng nhau”.
Thêm vào đó, quan điểm của VRG là tăng cường ký các hợp đồng dài hạn (dù đa phần có giá thấp hơn hàng chuyến), đặc biệt là các bạn hàng truyền thống nước ngoài, nhằm đảm bảo tính ổn định, bền vững về khâu tiêu thụ. Đó là tư duy mang tầm chiến lược trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt và giá cao su cũng biến động khó lường.
Hiện các DN cao su công nghiệp trong nước chỉ mới tiêu thụ chừng 10% trong tổng sản lượng khai thác hàng năm của VRG (khoảng 300.000 tấn), tức chỉ ở mức 30.000 tấn mủ. Điều đó cũng đồng nghĩa VRG vẫn phải dựa vào thị trường nước ngoài, nên VRG phải tập trung xuất khẩu. Sản lượng cao su lại sụt giảm thất thường do tác động của yếu tố thời tiết, nên VRG cũng rất lo lắng làm sao đảm bảo lượng hàng giao cho bạn hàng nước ngoài theo đúng hợp đồng.
Trong khi đó, một vài DN cao su công nghiệp trong nước vẫn còn tư duy “ăn xổi ở thì”, chưa mạnh dạn ký các hợp đồng mua hàng dài hạn theo giá thị trường, mà lại sử dụng cách “đánh lẻ”, mua chuyến nhiều hơn. Mà đây lại là cách mua hàng “không như mong đợi” của VRG. Chưa kể khi giá cao su nguyên liệu xuống thấp, các DN cao su nguyên liệu lao đao, tất tả tìm đầu ra cho sản phẩm thì không ít DN cao su công nghiệp lại o ép, tỏ ra “cửa trên” khi giao dịch mua hàng. Một số công ty thì chọn cách mua cao su của tư nhân hoặc nhập khẩu theo đường tiểu ngạch từ Campuchia có giá rẻ hơn.
Đó là chưa kể, khi giá cao su có tín hiệu nhích lên, các DN cao su công nghiệp đoán được tình hình nên tích cực thu mua cao su nguyên liệu. Một phần dùng để sản xuất, nhưng mặt khác cũng có DN tung bán kiếm lời khi giá tăng cao hơn. Khi đó, họ trở thành “nhà buôn” hơn là nhà sản xuất.
Các DN sản xuất cao su nguyên liệu và DN cao su công nghiệp như anh em cùng nhà, nhưng chưa hiểu nhau nên chưa đồng thuận. Mà để giải quyết vướng mắc này, rất cần họ ngồi lại với nhau, bắt đầu từ chữ “TIN”, để đi tới chữ “TÍN”.
(Caosuvietnam.net )