Tuy nhiên đà tăng bị hạn chế bởi cảnh báo của các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) về sự thua lỗ trong hoạt động tín dụng tại các ngân hàng.

Kết thúc phiên, Dow Jones tăng 76,71 điểm (0,79%) lên 9.789,44 điểm. Chỉ số S&P 500 nhận thêm 6,69 điểm (0.65%) lên 1.042,88 điểm. Chỉ số Nasdaq nhích 4,09 điểm (0,2%), đóng cửa tại 2.049,20 điểm.

Các chỉ số chính phục hồi mạnh hơn 1% trong phiên giao dịch buổi sáng sau khi nhận được thông tin chỉ số sản xuất Tháng 10 tăng lên mức cao nhất trong vòng 3,5 năm qua. Bên cạnh đó, doanh số nhà chờ bán cao hơn kỳ vọng và lợi nhuận đầy bất ngờ của Ford cũng giúp nhà đầu tư có thêm cớ để tham gia vào thị trường sau tuần xả hàng mạnh vừa qua.

Tuy nhiên, đà tăng suy yếu dần vào buổi chiều và có thời điểm thị trường quay đầu đi xuống do sự rớt giá của nhóm cổ phiếu ngành tài chính, công nghệ và giao thông vận tải. Diễn biến trong giờ giao dịch cuối cho thấy nhà đầu tư ngắn hạn đã xem đợt xả hàng là cơ hội để tham gia lại vào thị trường và nắm giữ cổ phiếu với giá rẻ.

Theo nhà phân tích Kenny Landgraf tại Công ty Quản lý Quỹ Kenjol  thì việc thị trường tiếp tục biến động trong các tuần tới là không có gì ngạc nhiên, nhưng thị trường sẽ nỗ lực phục hồi từ đây cho đến cuối năm. Ông dự đoán Dow Jones sẽ đóng cửa năm 2009 tại mốc 10,500 điểm.

Trong ngày, Hãng chế tạo ô tô danh tiếng Ford Motor của Mỹ bất ngờ công bố làm ăn có lãi trở lại lần đầu tiên trong vòng một năm qua nhờ chương trình “Đổi xe cũ lấy tiền mặt” của Chính phủ. Ford cho biết hãng kiếm gần 1 tỷ USD, tương đương với lợi nhuận 29 cent/cp trong quý 3 vừa qua, trái với dự đoán lỗ 12 cent/cp của Thomson Reuters. Cổ phiếu của hãng đóng cửa tăng mạnh 7,7%.

Một nhân tố góp phần củng cố niềm tin của thị trường chính là 3 bản báo cáo vừa được Chính phủ công bố trong ngày.

Theo kết quả cuộc khảo sát của Viện Quản lý Nguồn cung (ISM), hoạt động sản xuất Tháng 10 trên toàn quốc tăng vọt lên mức 55,7 điểm, cao hơn mức 53 điểm trong Tháng 9 và dự đoán 54 điểm của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Briefing.com.

Bộ Thương mại Mỹ cho biết chi tiêu xây dựng bất ngờ tăng thêm 0.8%, khả quan hơn rất nhiều so với dự đoán giảm 0,5% của các nhà kinh tế trong cuộc khảo sát của Briefing.com.

Trong khi đó, Hiệp hội các nhà bất đông sản quốc gia (NAR) thông báo doanh số nhà chờ bán Tháng 9 tăng vượt dự báo thêm 6,1%, bỏ xa dự đoán tăng 1,2% của các nhà phân tích và đánh dấu tháng gia tăng thứ 8 liên tiếp.

Hôm Chủ nhật, CIT - Ngân hàng cung cấp dịch vụ bao thanh toán hàng đầu của Mỹ - nộp đơn xin bảo hộ phá sản để trở thành vụ sụp đổ lớn thứ năm tại Mỹ đến thời điểm này. Đây được xem là một phần trong kế hoạch tái cơ cấu của hãng, vốn đã nhận được sự ủng hộ cao của đa số chủ nợ CIT.

CIT cho biết hãng đang tiến hành kế hoạch tái cơ cấu trên với mong đợi đẩy nhanh quá các thủ tục phá sản và giảm nợ nần xuống bớt 10 tỷ USD.

Tuy nhiên, sự ra đi của CIT lại khiến các cổ đông thông thường và cổ đông ưu đãi gần như mất trắng. Cổ phiếu của hãng lao dốc 62%.

Lợi tức trái phiếu kho bạc tăng từ 3,38% lên 3,42%, giá dầu thô ngọt nhẹ giao Tháng 12 trên sàn NYMEX tăng 1,13 USD/thùng lên 78,13 USD/thùng.

Đồng USD giảm so với đồng EUR nhưng lại tăng so với đồng JPY. Giá vàng COMEX giao Tháng 12 tăng 19,10 USD/oz xác lập mức 1.059,50 USD/oz.

Thị trường chứng khoán Á – Âu tiếp tục diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 30/10. Trong khi ba chỉ số chính của Châu Âu đi lên thì chứng khoán Châu Á lại chìm trong sắc đỏ.

( Vietstock)

Nguồn: Internet