Khi cuộc khủng hoảng tín dụng nổ ra vào một năm trước đây, những người bi quan đã dự đoán kinh tế thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Trái lại, những người lạc quan vẫn tin tưởng phần còn lại của thế giới đã đủ sức đề kháng trước những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng này cũng như không bị ảnh hưởng lớn từ sự xuống dốc của thị trường bất động sản Hoa Kỳ. Tuy nhiên, không ai trong số họ dự báo được cuộc khủng hoảng này sẽ đi kèm theo sự tăng giá rất mạnh của dầu mỏ. ở một khía cạnh nhất định, giá hàng hóa tăng cao chính là mặt trái của sự tách biệt về tăng trưởng giữa các khu vực trên thế giới.
 
Sau cơn bão giá vào nửa đầu năm, thị trường hàng hóa thế giới gần đây đã có điều chỉnh giảm. Sau khi tăng giá kỷ lục lên 147 USD/thùng vào ngày 11/7, giá dầu đã giảm và hiện chỉ còn xoay quanh 112 USD/thùng. Trước đó, giá lương thực và thực phẩm cũng đã giảm tại nhiều thị trường trên thế giới. Giá ngũ cốc giảm 30% so với đầu tháng 7/08. Đi kèm theo sự giảm giá của dầu mỏ, giá nhiều loại vật tư, nguyên vật liệu, sắt thép… cũng đã hạ nhiệt; tạo thuận lợi cho cuộc chiến chống lạm phát tại các nước, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển có lạm phát trên 2 con số như Việt Nam. Theo thống kê của hãng Reuters, chỉ số giá hàng hoá Reuters/Jefferies CRB đã giảm tới 10% trong tháng 7/08, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 3/1980. Chỉ số giá hàng hóa của Economist (không bao gồm giá dầu) cũng đã giảm tới 12% trong thời gian này. Giá vàng cũng đã xuống dưới ngưỡng 900 USD/ounce trong khi giá đồng rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây.
 
Đây là những tín hiệu cho thấy thị trường tài chính sẽ bắt đầu xu hướng đi lên. Nửa đầu năm nay, giá hàng hóa tăng mạnh đã tạo ra áp lực lạm phát tại nhiều quốc gia, gây khó khăn cho các ngân hàng trung ương trong việc quyết định cắt giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế. Nhưng giá hàng hóa tăng vượt mức tăng của thu nhập, kết hợp với nạn thất nghiệp gia tăng đã khiến tiêu dùng tại nhiều quốc gia sụt giảm mạnh. Cầu giảm sẽ làm lạm phát lắng xuống trong các tháng tới, ngay cả khi những yếu tố thuận lợi về nguồn cung dầu mỏ không xuất hiện.
 
Xét về xu hướng của thị trường hàng hóa trong các tháng của năm 2008, một loạt câu hỏi được đặt ra. Đó là tại sao giá hàng hóa lại giảm và xu hướng này có duy trì đến hết năm 2008 hay không? Nếu yếu tố đầu cơ đã suy yếu thì liệu thị trường hàng hóa có thực sự được quyết định bởi quan hệ cung-cầu tự nhiên trong các tháng còn lại của năm? Những người sẽ phải chịu thiệt hại là các quỹ đầu tư đã đầu tư giá lên trên thị trường hàng hóa có hành động gì để thay đổi tình thế hay không? Họ sẽ tác động như thế nào tới thị trường trong thời gian tới.
 
Giá hàng hóa giảm một phần do tăng trưởng kinh tế thế giới chậm lại kéo theo sự sụt giảm của cầu tiêu thụ. Những số liệu thống kê mới đây cho thấy tốc độ tăng trưởng của các đầu tàu kinh tế thế giới đang chậm lại. Quý II/08, tăng trưởng GDP của Đức đã giảm 1% so với cùng kỳ. Doanh số bán lẻ của khu vực đồng Euro trong tháng 6/08 giảm 3,1% so với tháng 6/07. Sản lượng của ngành chế biến, chế tạo của Anh không tăng trưởng trong 4 tháng liên tiếp trong khi sản xuất công nghiệp của Nhật Bản đã sụt giảm trong 2 quý trở lại đây.
 
Bản thân sự tăng giá của dầu mỏ cũng đã tác động nhiều tới yếu tố cung cầu trên thị trường. Khi cầu đối với một loại hàng hóa về cơ bản không co giãn, mức giá cao sẽ khiến một số người mua có thu nhập thấp phải rời bỏ thị trường (hạn chế hoặc không sử dụng dầu mỏ nữa khi giá dầu lên tới 4 USD/gallon). Theo Bộ GTVT Hoa Kỳ, tháng 5/08, người Mỹ đã di chuyển ít hơn 9,6 tỷ dặm so với cùng kỳ năm ngoái.
 
Xu hướng vận động trong ngắn hạn
 
Trong thời gian tới, mặc dù có cơ sở để kỳ vọng vào sự hồi phục của nền kinh tế Hoa Kỳ, tuy nhiên, cầu tiêu thụ trên thế giới về cơ bản sẽ không tăng đủ mạnh để tạo nên thế cầu kéo đối trên thị trường hàng hóa.
 
Trong khi đó, xét về yếu tố cung, 3 tháng trở lại đây, sản lượng khai thác của OPEC đã tăng đều qua mỗi tháng. Sự tăng giá của lương thực, thực phẩm cũng đã kích thích các nước đầu tư hơn cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các vụ ngắn ngày. Do đó, cung cầu trên thị trường lương thực, thực phẩm về cơ bản đã tiến đến cân bằng, nhất là khi các biện pháp hạn chế xuất khẩu đã phần nhiều được dỡ bỏ và nhiều nước sản xuất nông nghiệp được mùa.
 
Cung cầu đối với các kim loại cơ bản như sắt thép trong thời gian tới nhìn chung khá cân đối, thậm chí cung thép có thể vượt cầu tại một số thời điểm. Do đó, giá sắt thép trên thị trường thế giới dự báo tiếp tục giảm.
 
Đối với kim loại quý hiếm như vàng, vốn được coi là một công cụ đề phòng rủi ro sẽ không còn được ưa chuộng khi nỗi lo về lạm phát lắng xuống. Một số nhà đầu tư cũng có thể phải bán vàng để trang trải các khoản lỗ trên các thị trường khác, tái cân đối danh mục đầu tư của mình khi giá cổ phiếu sụt giảm hoặc đề phòng khả năng các quốc gia sẽ tăng cường chính sách phòng chống đầu cơ đối với kim loại quý...
 
Xu hướng vận động trong trung hạn
 
Trong trung hạn, khả năng tăng giá trở lại của nhiều mặt hàng sẽ được trợ lực bởi sự hồi phục của cầu tiêu dùng. Ví dụ, mức tiêu thụ dầu trung bình tại các nước giàu giảm khoảng 500 ngàn thùng/ngày so với năm ngoái nhưng lại được bù đắp bởi sự tăng lên của lượng tiêu thụ tại các thị trường mới nổi, với mức tăng 1,3 triệu thùng/ngày. Trong đó, dự báo tiêu thụ dầu mỏ của Trung Quốc trong năm 2008 sẽ tăng 5% so với năm ngoái. Đối với các khoáng sản khác, theo dự báo của hãng khai thác mỏ lớn trên thế giới BHP Billiton, các thị trường mới nổi sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn trong tiêu thụ các mặt hàng này, với mức tiêu thụ về nguyên nhiên liệu trên một đơn vị đầu ra cao gấp 4-5 lần tại các nước phát triển. Tiêu thụ sắt thép của Trung Quốc hiện đã cao hơn so với các nước khác, dự báo sẽ tăng gấp đối vào năm 2015. Với tốc độ công nghiệp hóa của Trung Quốc hiện nay, nhu cầu tiêu thụ đối với nicken, nhôm và một số kim loại cơ bản khác sẽ vẫn tiếp tục ở mức cao. Theo dự báo của IMF, tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển sẽ đạt trung bình gần 7% trong năm nay, cho thấy cầu tiêu thụ hàng hóa từ các thị trường này là khá lớn.
Về yếu tố cung, bức tranh toàn cảnh có phần phức tạp hơn.
 
+ Đối với sản xuất nông nghiệp, hoạt động sản xuất đã sôi động hơn do động lực từ giá hàng hóa trong nửa đầu năm nay. Mưa lớn tại các trang trại của Mỹ không có sức tàn phá lớn như lo lắng trước đó củanhiều người. Theo Hội đồng Ngũ cốc thế giới, sản lượng lúa mì năm nay có thể cao hơn 9% so với năm ngoái. Sản lượng đậu nành của Trung Quốc và ấn Độ tăng kỷ lục trong khi Việt Nam và Thái Lan cũng vừa được mùa. Mặc dù lượng dự trữ tại các kho lương thực hiện vẫn ở mức thấp và cầu tiêu thụ lương thực vẫn tiếp tục tăng theo quy mô dân số, nhưng về cơ bản nguồn cung tăng mạnh sẽ giúp giá lương thực ổn định, thậm chí tiếp tục điều chỉnh giảm ở một số mặt hàng có nguồn cung tăng nhanh.
 
Sản lượng của ngành công nghiệp kim loại (gồm cả khai thác và luyện kim) đã tăng mạnh trong vòng một năm trở lại đây. Tuy nhiên, tại nhiều mỏ, chất lượng sản phẩm đã giảm sút do khối lượng quặng suy giảm. Sự tăng giá của dầu, than đá trong nửa đầu năm cũng đã khiến việc mở rộng hoạt động sản xuất của các mỏ kim loại giảm sút. Công ty khai khoáng Xstrala, một trong những công ty khai khoáng lớn trên thế giới vừa qua đã phải tạm ngừng hoạt động của mỏ khai thác Nicken tại Cộng hòa Dominic để chuyển việc sản xuất bằng dầu sang dùng than đá. Thiếu năng lượng (trong đó có điện) đã gây gián đoạn sản xuất của nhiều mỏ và nhà máy. Để bảo vệ nguồn tài nguyên lâu dài, một số quốc gia như Trung Quốc đã có các biện pháp hạn chế khai thác tài nguyên và mở rộng các ngành phải sử dụng nhiều điện, tài nguyên...
 
Trước tình hình trên, trong trung hạn, với nhu cầu được hồi phục tại các thị trường, khả năng tăng giá trở lại của kim loại cơ bản là khó tránh được..
 
Đối với dầu mỏ, xu hướng nguồn cung cũng rất phức tạp. Xét về cung dầu tự nhiên, năng lực sản xuất của các quốc gia không đồng đều. Đặc biệt, hiện những nước có cơ sở hạ tầng khai thác và chế biến dầu tốt chủ yếu tập trung ở nhóm OPEC, trong khi tình hình an ninh, chính trị tại khu vực này vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ bất ổn. ả Rập Xê-út, nước sản xuất dầu lớn nhất của OPEC đã tăng sản lượng khai thác trong một vài tháng trở lại đây ngay cả khi tiêu thụ dầu mỏ của các nước giàu giảm. Điều này đã giúp giá dầu thế giới giảm từ trên 147 USD/thùng xuống còn khoảng 112 USD/thùng. Tuy nhiên, về lâu dài, với khả năng dự trữ dầu hiện nay của các quốc gia tiêu thụ, việc lệ thuộc vào sản lượng khai thác của khối này vẫn khá lớn. Một vài thành viên của OPEC như Vênêzula thậm chí đã kêu gọi cắt giảm sản lượng khai thác để ngăn chặn giá dầu tiếp tục giảm. Nếu OPEC cắt giảm sản lượng theo kêu gọi của Vênêzula thì giá dầu tăng trở lại là không tránh khỏi. (Năm 2007, khi OPEC giảm sản lượng, giá dầu đã tăng gấp đôi trong vòng 1 năm).
 
Ngoài ra, xét trong mối quan hệ với thị trường tài chính thì sự giảm giá của hàng hóa hiện nay sẽ làm nảy sinh không ít vấn đề. Giá dầu, sắt thép, vật tư và lương thực giảm đã khiến cho cổ phiếu của các ngành này bị mất đi vị thế quan trọng trước đó. Ngày 5/8, giá cổ phiếu ngành năng lượng được phản ánh bởi chỉ số MSCI toàn cầu đã giảm 21% so với mức đỉnh vào tháng 5/08. Sự thay đổi tương quan lực lượng giữa cổ phiếu các nhóm ngành sẽ dẫn đến những biến đổi nhất định trên thị trường tài chính, nhất là khi các quỹ đầu cơ giá lên đối với các mặt hàng này có những tác động tới thị trường nhằm hạn chế thua lỗ của mình. Điều này cũng đồng nghĩa với khả năng thị trường hàng hóa sẽ bị tác động phần nào bởi sự vận động của thị trường tài chính.
Những ngày gần đây, kỳ vọng vào việc các NHTW tại các đầu tàu kinh tế không tăng lãi suất nhằm kích thích tăng trưởng đã tạo điều kiện cho thị trường chứng khoán tăng nhẹ.
 
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thị trường chứng khoán không thể phục hồi vững chắc nếu không có những cải thiện lớn trên thị trường tín dụng. Nếu không tính đến những công bố không mấy khả quan về ngành ngân hàng tại các trung tâm tài chính lớn của Mỹ và Eu thời gian qua thì thị trường tín dụng thời gian gần đây đã có những tín hiệu tương đối tích cực. Nhưng mối nguy hiểm là ở chỗ pha thứ 2 của cuộc khủng hoảng có thể sẽ xảy ra với những khoản nợ xấu lan truyền từ các khoản cho vay cầm cố thứ cấp sang lĩnh vực thẻ tín dụng, các khoản vay mua ô tô và các khoản cho vay có sử dụng đòn bẩy chính của các công ty chứng khoán tư nhân. Trước khả năng huy động vốn khó khăn, các ngân hàng có thể sẽ thận trọng hơn trong đầu tư và cho vay, gây áp lực lớn hơn cho các hoạt động kinh tế khác, trong đó có hoạt động sản xuất hàng hóa. Nguồn cung hàng hóa bị đe dọa có thể khiến giá hàng hóa tăng trở lại trong trung hạn.
 
Tóm lại, trong trung hạn, khi cầu tiêu thụ của thế giới hồi phục và tăng trở lại, thị trường hàng hóa sẽ vận động theo xu hướng đi lên, đặc biệt với nhóm hàng khoáng sản, kim loại...do nguồn tài nguyên là có hạn và các quốc gia ngày càng có xu hướng kiểm soát chặt chẽ nguồn tài nguyên khai thác và xuất khẩu
 

Nguồn: Internet