Hoặc nếu chưa xuất hàng sang EU, doanh nghiệp của bạn có nên xâm nhập vào thị trường này hay không? Đâu là các thị trường mục tiêu mới bạn cần hướng tới và sản phẩm chính nào bạn nên lựa chọn? Đây chính là những câu hỏi được đặt ra đối với các nhà xuất khẩu da giày ở các nước đang phát triển khi muốn mở rộng xuất khẩu sang thị trường EU hoặc đối với những công ty đang cân nhắc bắt đầu xuất khẩu da giày EU song chưa chắc chắn liệu đã phải là thời điểm thích hợp để xâm nhập thị trường tiềm năng này.
Những chỉ dẫn và những gợi ý thiết thực được dưới đây sẽ giải đáp phần nào những vấn đề nêu trên với hy vọng sẽ là những bí quyết giúp bạn đưa ra được quyết định đúng đắn của mình để đi đến thành công.
 
1. Xác định mức độ sẵn sàng xuất khẩu của doanh nghiệp
Trước tiên, bạn cần xác định công ty của mình đã sẵn sàng xuất khẩu hay chưa. Nếu đã sẵn sàng, đã đến lúc bạn cần dành sự quan tâm chú ý đặc biệt vào thị trường này. Bởi, EU là thị trường da giày hứa hẹn đem lại nhiều vận hội cho các doanh nghiệp nỗ lực tiếp cận thị trường này. Trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất trong ngành da giày đã có sự dịch chuyển lớn sang các nước có thu nhập thấp. Đây là một sự lựa chọn hợp lý về mặt kinh tế vì giá nhân công chiếm một phần lớn trong chi phí sản xuất da giày, trong khi sản lượng da giày tăng cao theo năm dù giá sản phẩm giảm.
Tuy nhiên, trước khi xem xét nghiêm túc đến vấn đề xuất khẩu, các nhà xuất khẩu da giày ở các nước đang phát triển cần phải thực hiện được có một số yêu cầu quan trọng mà thị trường EU đòi hỏi. Đó là:
a) Tuân thủ với những yêu cầu tiếp cận thị trường châu Âu
Dưới đây là một số yêu cầu quan trọng trong hoạt động xuất khẩu da giày sang EU:
Dán nhãn hàng da giày. Nếu doanh nghiệp bạn sản xuất, nhập khẩu hoặc bán da giày, bạn cần phải đảm bảo rằng các sản phẩm của mình được dán nhãn ghi rõ thành phần nguyên vật liệu cấu thành sản phẩm, như mũi giày, lót và đế giày. Các vật liệu cần phải được dán nhãn theo một trong bốn cách sau: da, da thuộc, vật liệu dệt hoặc các nguyên liệu khác.
 • Những vấn đề môi trường trong hoạt động sản xuất da giày. Hướng dẫn (2002/61/EC) của EU hạn chế sử dụng các chất và chế phẩm nguy hiểm (thuốc nhuộm azo) dùng trong các sản phẩm da hoặc vải dệt, gồm có da giày.
Công ước CITES về kinh doanh các loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng (CITES), trong đó bao gồm những quy định (EC 338/97) về các sản phẩm da có chứa nguyên liệu lấy từ các loài vật có nguy cơ tuyệt chủng.
Đóng gói. Toàn bộ quy trình đóng gói hàng nhập khẩu cần phải tuân thủ các tiêu chuẩn châu Âu (có thể sử dụng lại, tái chế, có thể phục hồi về năng lượng hoặc có thể làm thành phân trộn; có khối lượng hoặc trọng lượng tối thiểu để duy trì các mức an toàn, vệ sinh cần thiết và được người tiêu dùng chấp nhận; chứa hàm lượng kim loại nặng và chất độc hại khác không  vượt quá mức tối thiểu. EU cũng quy định về khối lượng tối đa đối với hàng đóng gói và đưa ra những quy định cụ thể về đóng gói hàng bằng bao bì gỗ.
Chống phá giá. Đây đã và đang là vấn đề nổi cộm trong ngành da giày giữa EU và các nước xuất khẩu trong những năm gần đây. EU đã tăng cường các biện pháp hạn chế nhập khẩu da giày từ một số nước nhằm bảo vệ ngành da của mình và ngăn chặn hoạt động bán phá giá sản phẩm quy mô lớn có thể gây ảnh hưởng bóp méo sự vận hành thông thường của thị trường khối này.
b) Đáp ứng những yêu cầu đặc thù của ngành da giày
Những yêu cầu về chất lượng
Người tiêu dùng EU đang tìm kiếm các nhà cung cấp tin cậy có khả năng cung ứng thường xuyên với chất lượng sản phẩm ổn định. Các thị trường khác nhau có những yêu cầu khác nhau về chất lượng, nguyên vật liệu, kích cỡ giày, màu sắc…Căn cứ vào đó,  những yêu cầu về chất lượng tối thiểu đã được đặt ra. Nhiều công đoạn kiểm tra được thực hiện để đảm bảo rằng vật liệu (da, vải dệt…) đáp ứng được tiêu chuẩn mà người tiêu dùng đặt ra như độ vững chắc. Các phương pháp kiểm tra kỹ thuật được xây dựng dựa trên các tiêu chuẩn châu Âu, các chuẩn mực quốc gia hoặc tiêu chuẩn ISO.
Một yêu cầu khác cũng được đưa ra, đó là khả năng truy xuất nguồn gốc. Sản phẩm hoàn chỉnh cần phải có thể truy xuất được nguồn gốc thông qua chuỗi cung cấp. Điều này đòi hỏi phải có sự ghi chép chi tiết và các thủ tục kiểm tra nghiêm ngặt đối với các chu trình sản xuất có liên quan.
 
Độ tin cậy
Thị trường da giày EU có những đòi hỏi cao về hoạt động hậu cần. Tổng thời gian bình quân để hoàn thành đơn hàng ngày càng được rút ngắn và độ tin cậy về giao hàng có ý nghĩa hết sức quan trọng. Các nhà cung cấp cần phải rất linh hoạt, mềm dẻo và thời gian đáp ứng (từ khi nhận được đề nghị báo giá đến khi nhận đơn mua hàng) cần phải là tối thiểu và  có thể kiểm soát. Do vậy, việc giao hàng theo đúng thời hạn đã định là rất quan trọng. Cần phải giữ vững chấp hành về tiêu chuẩn chất lượng. Trên thực tế, điều này sẽ thường đồng nghĩa với việc đầu tư mua thiết bị mới và đầu tư giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực. Chữ tín có tầm quan trọng đặc biệt đối với các nhà xuất khẩu da giày từ các nước đang phát triển. Xâm nhập vào thị trường EU là một việc làm khó khăn và nếu bạn không giữ lời hứa, bạn sẽ mau chóng bị gạt ra khỏi cuộc chơi.
 
Giá cạnh tranh
Các nhà bán lẻ hoặc các nhà phân phối thường đưa ra được các mức giá có tính cạnh tranh khi mua hàng  hàng từ một nước đang phát triển. Mặc dù giá cả là một yếu tố rất quan trọng, song điều cũng quan trọng không kém là bạn không nên để bị coi thuần tuý là nguồn cung cấp sản phẩm giá thấp.
 
Kỹ năng giao tiếp chuyên nghiệp
Các khách hàng tiêu dùng EU luôn nghĩ rằng các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển nắm vững các kỹ năng giao tiếp. Do vậy, bạn cần phải cởi mở và rõ ràng khi trình bày, đúng hẹn và nhanh chóng giải đáp các câu hỏi, thắc mắc và các vấn đề một cách thoả đáng.
 
c) Chuẩn bị sẵn sàng cho hoạt động xuất khẩu
d) Tiến hành phân tích tài chính
Xuất khẩu bao hàm cả việc chấp nhận rủi ro. Do đó, bạn cần tiến hành phân tích tài chính để có thể đưa ra quyết định có xuất khẩu hay không. Nếu dự tính về mức lợi nhuận và thua lỗ của kế hoạch xuất khẩu không khả quan, bạn vẫn có thể quyết định không xuất khẩu vì rủi ro tài chính quá cao.
 
Trong trường hợp công ty của bạn không thể đáp ứng những yêu cầu tối thiểu được đề cập trên, hay chưa sẵn sàng xuất khẩu và/hoặc không thể đáp ứng được những điều kiện này trong thời hạn ngắn, thì doanh nghiệp của bạn không nên xuất khẩu sang EU. Mặt khác, nếu bạn cảm thấy không có gì phải lo ngại về những vấn đề này, bạn có thể cân nhắc việc xâm nhập thị trường EU và để xúc tiến xuất khẩu thành công, những bước tiếp theo bạn phải làm là:
 
2. Lựa chọn sản phẩm và thị trường
Khi bạn cảm thấy công ty của bạn đã sẵn sàng với việc xuất khẩu, đã đến lúc lựa chọn sản phẩm và nước EU là thị trường mục tiêu.
Lựa chọn sản phẩm
Bạn nên chú trọng vào một sản phẩm da giày cụ thể. Việc dồn công sức để phân tích toàn bộ thị trường da giày châu Âu sẽ không có giá trị nếu doanh nghiệp của bạn chỉ chuyên sản xuất  một loại sản phẩm như xăng đan. Ví dụ, mặt hàng ưu tiên của bạn có thể là sản phẩm đem lại nhiều lợi nhuận nhất hoặc là sản phẩm đòi hỏi ít tiền đầu tư ban đầu nhất. Có nhiều điểm bạn nên lưu ý ở đây.  Chẳng hạn, bạn có thể sản xuất các loại xăng đan có dán nhãn cho từng đối tượng khách hàng hoặc các sản phẩm của bạn có độc đáo đối với chính doanh nghiệp của bạn hoặc trên thị trường nội địa (như làm bằng dây thừng/vật liệu dệt với các hình in đặc biệt) hay không.
 
Lựa chọn nước nhập khẩu EU
EU không phải là một thị trường đồng đều. Hiện nay EU có 27 nước thành viên và mặc dù giữa một số các nước thành viên có những nét tương đồng, song trong một số trường hợp những khác biệt sẽ vượt trội những điểm tương đồng. Do đó, điều quan trọng ban đầu là chỉ nên chú trọng vào một nước. Thậm chí, bạn cần phải nắm rõ những điểm khác biệt quan trọng giữa các nước. Ví dụ, miền Bắc Italia rất khác biệt so với miền Nam, và ở Đức vẫn có sự khác biệt giữa Đông Đức và Tây Đức. Khí hậu miền Bắc và miền Nam EU hoàn toàn trái ngược. Yếu tố này có tác động quan trọng đến các kiểu mẫu giày dép mà bạn dự định sẽ xuất sang các thị trường này. Hãy cố gắng giới hạn sự tìm kiếm ban đầu của bạn gói gọn ở hai hoặc ba thị trường. Sau đó bạn cần triển khai điều tra nghiên cứu sâu đối với từng thị trường đã được xác định. Bạn có thể sử dụng các tiêu chí sau đây để lựa chọn thị trường xuất khẩu:
a) Tình hình nhập khẩu da giày vào EU
Tối thiểu bạn cần phải tiến hành phân tích:
• Tình hình nhập khẩu da giày EU phân theo sản phẩm (các mặt hàng da giày nào được nhập nhiều nhất?);
• Tình hình nhập khẩu da giày EU phân theo nước (Nước nào nhập nhiều nhất?);
• Tỉ trọng của các nước đang phát triển trong cán cân nhập khẩu này (thị phần của các nước đang phát triển càng cao thì khả năng nước đang phát triển được chấp nhận là nguồn cung cấp càng lớn);
Tình hình tăng trưởng nhập khẩu? Hãy lưu ý đến tầm quan trọng của tỉ trọng mặt hàng da giày trong các số liệu này. Thông tin này có thể cho thấy phạm vi hợp tác giữa các nước hoặc các đầu mối nhập khẩu được lựa chọn để giải quyết thiếu hụt trên thị trường da giày thành phẩm.
 
b) Tiêu thụ
Ít nhất bạn phải trả lời được các câu hỏi sau:
• Nhu cầu về các sản phẩm da giày ở từng nước EU như thế nào?
• Tình hình cầu trên thị trường da giày EU. Các nước EU nào có mức cầu tăng cao nhất?
• Các xu hướng quan trọng nhất và làm thế nào để điều chỉnh sản phẩm của bạn cho phù hợp
Khi phân tích các tiêu chí này, cần lưu ý rằng nước nhập nhập khẩu lớn nhất của EU không phải lúc nào cũng là thị trường đáng quan tâm nhất đối với bạn. Ví dụ, mặc dù Đức là nước nhập khẩu da giày lớn nhất trong khối EU về kim ngạch và khối lượng, song trên thực tế căn cứ vào tỉ lệ tăng trưởng và/hoặc mối quan quan tâm của thị trường này về sản phẩm của doanh nghiệp bạn, thì thị trường nước khác lại có thể hấp dẫn hơn nhiều. Một vấn đề khác đáng chú ý là quy mô sản xuất nội địa của một nước. Liệu hoạt động sản xuất đó có mạnh hay dễ bị tổn thương bởi sự cạnh tranh từ bên ngoài hay không?
 
c) Nghiên cứu cơ bản
Ngoài công việc nghiên cứu qua Internet, bạn nên tiến hành nghiên cứu cơ bản cho riêng mình. Công việc này đòi hỏi bạn cần phải đàm luận với các chuyên gia nghiên cứu về thị trường da giày EU. Họ có thể cung cấp cho bạn thông tin trực tiếp và cực kỳ có giá trị để giúp bạn đưa ra được quyết định đúng đắn.
Hãy cố gắng phỏng vấn các nhà nhập khẩu, các chuyên gia trong ngành cũng như các chuyên gia khác. Nhìn chung, cách tốt nhất để có những thông tin này là nói chuyện với mọi người (tại hội chợ hoặc gọi điện thoại).
 
d) Phân tích đối thủ cạnh tranh
Hãy nghiên cứu đối thủ cạnh tranh của bạn và học hỏi họ. Bạn có thể tìm hiểu thấy đâu là điểm mạnh, các yếu tố dẫn đến thành công, mức giá, nguyên vật liệu, mức độ hoàn thiện của các sản phẩm và/hoặc giá trị gia tăng của các sản phẩm này. Đừng quên rằng đối thủ cạnh tranh có thể là ở chính nước mình, ở các nước đang phát triển khác và ở EU.
 
e) Lý lẽ thông thường
Đừng bao giờ đánh giá thấp tầm quan trọng của lý lẽ thông thường và suy đoán để có thể đưa ra quyết định đúng đắn.
 
Ưu tiên
Các xu hướng tiêu dùng đóng vai trò rất quan trọng trên thị trường da giày. Đối với các sản phẩm tiêu dùng, xu hướng trong tương lai có ý nghĩa quan trọng như là các số liệu thống kê về những gì đã diễn ra trong quá khứ. Mặc dù những số liệu này sẽ giúp bạn thấy được tính chất của mặt cung luôn vận động thay đổi. Ý kiến của các chuyên gia trong ngành cũng có ý nghĩa quan trọng. Họ cung cấp thông tin trực tiếp giúp bạn lựa chọn các nước và các sản phẩm mục tiêu của mình.
 
3. Xâm nhập thị trường
Sau khi bạn đã lựa chọn được sản phẩm ưu tiên và thị trường mục tiêu trong khối EU, bạn cần chú trọng đến kênh phân phối phù hợp. Các kênh phân phối có thể trên thị trường EU là các nhà nhập khẩu, các đại lý, các nhà phân phối và/hoặc  cung ứng trực tiếp.
Cung ứng trực tiếp (Direct sourcing)
Những nỗ lực nhập cuộc vào thị trường EU trực tiếp bằng cách chú trọng đến người tiêu dùng về lý thuyết là một phương án lựa chọn song rẩt rủi ro. Mặc dù người tiêu dùng mua sản phẩm trực tuyến, song họ có xu hướng sử dụng một nguồn hàng đáng tin cậy. Nguồn cung cấp này có nhiều khả năng là từ trang thông tin điện tử của một hãng bán lẻ nổi tiếng hoặc của một công ty sản xuất. Hình thức bán hàng trực tiếp phổ biến hơn là tiếp cận một trong các hãng bán lẻ lớn. Một số các hãng bán lẻ lớn chủ động thuê nhân công ở các nước sản xuất để tìm kiếm các nguồn cung cấp mới và đáng tin cậy. Họ trở thành một lực lượng chiếm ưu thế trong hoạt động kinh doanh da giày. Mỗi một nhà bán lẻ có chính sách mua của riêng mình.
 
Các nhà nhập khẩu/bán buôn
Hầu hết các nhà nhập khẩu có phạm vi khách hàng rất lớn với nhiều ứng dụng rất đa dạng. Nếu các sản phẩm của bạn có thể tham gia nhiều thị trường hoặc các kênh bán hàng, thì tìm một nhà nhập khẩu có thể là sự lựa chọn đúng đắn. Nhà nhập này cần có kiến thức sâu rộng về thị trường. Sự đòi hỏi về mức vốn hạn chế vì nhà nhập khẩu hoặc bán buôn nắm giữ cổ phần của mình, nên sẽ có ít rủi ro tài chính xảy ra nếu bạn thất bại do không có sự liên lạc trực tiếp với những người mua chính (đó là các nhà bán lẻ).
 
Các đại lý
Quyết định có nên sử dụng đại lý hay không có ý nghĩa quan trọng. Đại lý được lựa chọn phải là người trung gian độc lập giữa nhà sản xuất (ở nước ngoài) và nhà bán lẻ. Đại lý này được hưởng hoa hồng do nhà sản xuất trả. Đại lý này thường phụ trách một khu vực địa lý nhất định. Vai trò của các đại lý đang dần suy giảm và hạn chế trong phạm vi ngành nghề chính hoặc ngành nghề độc lập. Đôi khi, các đại lý tự lo việc khởi sự và bán hàng trong kho và trong trường hợp này họ đóng vai trò giống như một nhà bán buôn.
Bạn luôn phải cân nhắc kỹ càng về những điểm bất cập khi làm việc với các nhà nhập khẩu và các đại lý. Theo luật pháp EU, các đại lý (ngược lại với các nhà nhập khẩu) được bảo vệ rất chặt chẽ. Khi đã giao kết với họ, sẽ rất khó qua mặt họ để giao dịch trực tiếp với các khách hàng mà họ đã thiết lập được mối quan hệ.
 
Các nhà phân phối
Các nhà phân phối có nguồn cung chính là một số nhà sản xuất/cung cấp có trách nhiệm đảm bảo đủ mức dự trữ cho nhà phân phối. Đôi khi nhà nhập khẩu cũng có thể đóng vai trò là nhà phân phối, mặc dù điều này không phải lúc nào cũng đúng. Một nhà phân phối có khuynh hướng làm đại diện cho một nhà chế tạo hoặc một nhóm các nhà chế tạo/cung cấp và chịu trách nhiệm bán các mặt hàng da giày cụ thể cho các kênh bán hàng khác nhau.
 
Các nhóm mua hàng
Các nhóm mua hàng đóng vai trò quan trọng trên thị trường da giày. Họ có thể là các nhà kinh doanh đơn lẻ hoặc các nhà bán lẻ hợp sức và cộng tác như là một lực lượng mua và tiếp thị chung. Kênh này có thể thu hút được sự quan tâm đặc biệt của các nhà sản xuất cho rằng sản phẩm của họ phù hợp nhất với ngành nghề độc lập hơn là với các đại lý bán lẻ lớn. Ngoài ra cũng có những mặt hạn chế. Ví dụ, cung cấp cho một nhóm mua cụ thể có thể ngăn cản bạn tiếp cận đến các kênh thị trường khác.
 
4. Các công cụ tiếp thị xuất khẩu
Bước tiếp theo trong kế hoạch xuất khẩu của bạn là lựa chọn các công cụ tiếp thị đối với sản phẩm xuất khẩu, tính chi phí, định giá và xúc tiến xuất khẩu.
 
Sản phẩm xuất khẩu
Trước tiên, bạn cần thiết kế các sản phẩm của mình  phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng và yêu cầu của thị trường EU. Tiêu chuẩn chất lượng đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề này vì chúng sẽ tạo ra sự tin tưởng cho các khách hàng tiềm năng. Các nhà xuất khẩu mới tham gia thị trường EU cần tập trung vào một hoặc hai sản phẩm và chuyên môn hoá sản xuất các mặt hàng này để có thể cung cấp cho khách hàng của mình sản phẩm nổi bật. Khi nhu cầu của người tiêu dùng được thoả mãn, phạm vi sản phẩm có thể được mở rộng. Ví dụ, bảng dưới đây có thể giúp các nhà xuất khẩu xác định rõ tình hình cung cấp của mình, đông thời đưa ra những điều kiện tiên quyết cơ bản theo từng loại sản phẩm khi giao dịch với EU:
Bảng. Ví dụ về những yêu cầu đối với sản phẩm xuất khẩu
Sản phẩm
Chủng loại
Nhãn hàng
Các yêu cầu cơ bản về sản phẩm
Những yêu cầu về tổ chức
Giày đế mềm
Sản xuất đại trà
- Sản phẩm tiêu chuẩn
- Nhãn hiệu của mình hoặc
-  Gia công theo giấy phép
- Bền và chống trơn trượt
- Hợp thời trang
- Những yếu tố về môi trường
- Giá cả và nguyên vật liệu
- Nhân viên bán hàng và tiếp thị
- Đáp ứng theo yêu cầu của người tiêu dùng
- Nhanh và đáng tin cậy
Giày gót thấp
Sản xuất theo đơn đặt hàng
- Sản phẩm độc đáo
- Nhãn hiệu của mình hoặc
- Gia công theo giấy phép
- Dùng thông thương
- Giày lười
- Thử vừa vặn
- Các yếu tố môi trường
- Giá cả và nguyên vật liệu
- Nhân viên bán hàng và tiếp thị
-  Liên hệ chặt chẽ với thị trường
- Phòng phát triển sản phẩm mới
 
Tính chi phí và định giá
Hầu hết các nhà xuất khẩu báo giá bằng đồng euro cho các khách hàng châu Âu. Giá và lợi nhuận chịu sự chi phối bởi một vài yếu tố tuỳ thuộc vào bạn đang ở khâu bán hàng nào trong dây chuyền phân phối. Các nhà bán buôn và các nhà nhập khẩu khác tính chi phí dựa vào giá CIF và áp dụng các biên lề. Chi phí mua hàng được đưa lên bờ (landed cost) đối với nhà nhập khẩu là giá FOB cộng với phí giao hàng, bảo hiểm và thuế nếu được áp dụng. Nếu các nhà xuất khẩu thấy biên lợi nhuận của mình quá thấp, họ sẽ cố gắng giảm thiểu các chi phí hoặc điều chỉnh các biên lề. Nếu điều này là không thể, không nên tiến hành hoạt động xuất khẩu. Các biên lề rất khác nhau, tuỳ vào chủng loại sản phẩm và kênh bán lẻ. Các nhà bán lẻ giày dép  tăng giá giá từ 100% trở lên.
 
Các nhà cung cấp có thể thường sửng sốt với mức giá tăng mà một số nhà bán lẻ đưa ra, dù chi phí sản xuất hạ, chi phí khác trong chuỗi phân phối tăng và các chi phí này ngày càng chiếm một phần lớn hơn trong giá bán so với chi phí sản xuất được tính vào. Theo quan điểm của các nhà xuất khẩu, trong cơ cấu chi phí sản xuất giày da, nguyên vật liệu chiếm 70%, giá nhân công: 15% và 15% còn lại là chi phí và lợi nhuận. Khi định giá xuất khẩu, cần lưu ý một số điểm sau:
• Đặt mục tiêu đưa ra mức giá mà thị trường có thể chấp nhận được. Đừng vượt “các mức giá” hiện hành trên thị trường đối với các sản phẩm tương tự. Mức giá đưa ra cần tương ứng với giá của các đối thủ cạnh tranh;
• Mức giá đưa ra cần phải phản ánh được mức độ chất lượng sản phẩm, việc giao hàng và xúc tiến bán hàng của công ty bạn;
• Ghi nhớ rằng không dễ gì có thể tăng giá khi bạn đã nhất trí giao hàng với mức giá đã định;
• Định giá là sự kết hợp kiến thức hiểu biết về các chi phí nội địa và cách tính các chi phí phát sinh khi xúc tiến các hoạt động của doanh nghiệp bạn trên thị trường;
• Giá thương thảo tuỳ thuộc vào các thuật ngữ trong thương mại quốc tế, phương thức thanh toán, các điều khoản tín dụng và rủi ro tiền tệ, khối lượng và phương tiện vận chuyển. Tỉ giá hối đoái thường biến động và hầu hết người mua đều tiên liệu trước được điều này.
 
Xúc tiến bán hàng
Trong ngành da giày, có một số kỹ thuật xúc tiến bán hàng quan trọng mà bạn nên vận dụng trong các hoạt động tiếp thị của mình. Đây không phải là một danh sách hoàn chỉnh song những yếu tố chính vẫn là:
 
Catalogue hoặc sách giới thiệu
Điều cân thiết là bạn có thể giới thiệu các bức ảnh sắc nét về từng sản phẩm của mình cùng với thông tin về các đặc điểm kỹ thuật chính và những lợi ích thiết thực có liên quan đến mỗi sản phẩm. Bạn sẽ sử dụng hình ảnh này gửi cho khách hàng (có thể trong chiến dịch gửi thư) hoặc giới thiệu trong một buổi trình bày.
Ngoài ra, bạn cần tìm hiểu đối thủ cạnh tranh của mình giới thiệu catalogue của mình. Bạn sẽ biết được nhiều loại sách giới thiệu khác nhau tại các cuộc hội chợ.
 
Website
Lập trang thông tin điện tử là một hình thức phổ biến trong ngành gia dày. Đặc biệt khi chữ tín và lòng tin đang được xem là những thử thách lớn đối với các nhà xuất khẩu từ các nước đang phát triển, thì trang web của doanh nghiệp bản có thể giúp giải quyết phần nào vấn đề này. Một trang web giới thiệu được các sản phẩm được xác định rõ, các lợi thế cạnh tranh (như tính năng USP, chất lượng, giảm chi phí và độ tin cậy khi giao hàng) và một danh sách những người tiêu dùng khác cùng góp phần tạo ra một môi trường đáng tin cậy.
 
Quảng cáo
Chi phí quảng cáo có thể đắt đỏ, song việc lựa chọn kỹ càng tạp chí da giày phù hợp nhất có thể là một phương pháp hiệu quả để đến được với những khách hàng tiêu dùng tiềm năng mới. Hãy chú ý rằng chi phí thực hiện quảng cáo không nên vượt quá chí thuê chỗ đặt quảng cáo. Một cách khác là có thể sử dụng báo chí để được quảng cáo miễn phí bằng cách cung cấp cho báo giới một thông cáo báo chí. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng được bảo đảm được giữ chỗ.
 
Tham gia hội chợ thương mại
Đây là biện pháp có hiệu quả cao để tiếp cận các khách hàng tiêu dùng tiềm năng. Vì  cách làm này có thể rất tốn kém, nên cần phải lên kế hoạch một cách hợp lý để đạt được hiệu quả tối đa khi tham gia hội chợ. Cụ thể là,  bạn cần lập một danh sách các khách hàng tiềm năng có thể tham dự hội chợ. Bạn cần liên hệ với họ trước và cố gắng hẹn gặp để họ có thể ghé thăm gian hàng của bạn. Ngoài ra, bạn cần thảo luận với các chuyên gia về cách bài trí gian hàng và cần ghi  lại tất cả các cuộc găp mặt để có thể tiếp tục duy trì liên lạc sau hội chợ. Hàng năm, có nhiều hội chợ về da giày được tổ chức tại EU, trong đó phải kể đến các hội chợ lớn sau đây:
• Hội chợ Giày quốc tế GDS được tổ chức vào tháng 3 vào tháng 9 hàng năm tại  Düsseldorf, Đức (http://www.gds-online.com)
 • Hội chợ MIDEC tổ chức vào tháng 2 và tháng 9 hàng năm tại thủ đô Paris, Pháp (http://www.midec.com)
• Hội chợ MICAM tổ chức vào tháng 3 và 9 hàng năm tại thành phố Milan, Italia (http://www.micamonline.com)
 
5. Tài chính
Hiển nhiên bạn muốn biết liệu hoạt động xuất khẩu có đem lại lợi nhuận hay không. Trên thực tế, bạn chỉ cần làm một phép tính đơn giản: doanh thu - chi phí = chỉ tiêu lợi nhuận. Hãy cố gắng tính đến mức độ ảnh hưởng của các hoạt động đến doanh thu và khả năng sinh lợi nhuận. Điều cuối cùng là bạn nên đưa ra dự báo về doanh số bán xuất khẩu trong khoảng thời gian từ một đến ba năm.
 
Nguồn: CBI

Nguồn: Vinanet