Thị trường tinh bột sắn của EU
Trong năm 2006, kim ngạch nhập khẩu tinh bột sắn của EU tăng khoảng 18%, ước đạt 14 triệu EUR, tương đương 32.000 tấn. Trong EU, nhập khẩu mặt hàng này lớn nhất là Đức, chiếm 25% thị phần nhập khẩu của EU và có tốc độ phát triển hàng năm là 46%. Đức nhập khẩu nhiều tinh bột sắn để làm nguồn nguyên liệu cho ngành sản xuất phụ gia thực phẩm trong nước.
Việc sản xuất tinh bột sắn từ các nước đang phát triển hiện đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ phía các công ty chế biến tinh bột của EU. Ngành công nghiệp tinh bột của EU hiện có 24 công ty chế biến tinh bột khoai tây và ngũ cốc. 4 công ty lớn là Cerestar, Roquette, Amylum và Avebe chiếm 80% tổng sản lượng sản xuất của EU. Các nhà sản xuất của EU có năng lực cạnh tranh lớn trên thị trường, do sự bảo hộ của ngành này quá lớn, bất chấp các chính sách dự định giảm doanh thu cận biên. EU hiện đang mong đợi sẽ được cắt giảm thuế nhập khẩu cho các nước đang phát triển nhờ sức ép của quốc tế. Điều này có thể sẽ giúp các nước đang phát triển có thể nâng cao cạnh tranh đối với mặt hàng tinh bột sắn của thị trường EU.
Từ năm 2002-2007, tổng kim ngạch nhập khẩu tinh bột sắn từ các nước đang phát triển vào EU tăng 9%, đạt 7 triệu EUR (tương đương khoảng 22.000 tấn). Hà Lan là nước nhập khẩu tinh bột sắn từ các nước đang phát triển lớn nhất trong EU. Trong thời gian gần đây, Anh và Bỉ đã có tốc độ nhập khẩu tăng mạnh khoảng 32% và 45%.
Thái Lan là nước cung cấp tinh bột sắn hàng đầu cho thị trường EU, chiếm 45% thị phần nhập khẩu. Ngoài Thái Lan, các nước đang phát triển khác chỉ chiếm 2%, trong đó Việt Nam chiếm 1,7% tổng thị phần nhập khẩu tinh bột sắn của EU.
Quy định kỹ thuật:
Cũng giống như nhiều loại thực phẩm và phụ gia thực phẩm khác, tinh bột sắn nhập khẩu vào thị trường EU phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về an toàn vệ sinh, thân thiện với môi trường, đảm bảo tốt cho sức khoẻ... Để có thể đẩy mạnh xuất khẩu tinh bột vào thị trường khó tính này, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải chú ý đáp ứng các yêu cầu cần thiết từ phía nhà nhập khẩu.
Tiêu chuẩn chất lượng: Hệ thống quản lý chất lượng ISO 9000 gần như là yêu cầu bắt buộc đối với các doanh nghiệp thuộc các nước đang  phát triển sản xuất hàng xuất khẩu sang thị trường EU. Thực tế cho thấy ở các nước đang phát triển tại châu Á nói chung và tại Việt Nam nói riêng, hàng của những doanh nghiệp có giấy chứng nhận ISO 9000 thâm nhập vào thị trường EU dễ dàng hơn nhiều so với hàng của các doanh nghiệp không có giấy chứng nhận này.
Tiêu chuẩn vệ sinh thực phẩm: Các công ty chế biến thực phẩm phải tuân thủ các tiêu chuẩn vệ sinh chặt chẽ. Về phương diện này, việc áp dụng hệ thống HACCP (Hazard Analysis Critical Control Point) là rất quan trọng.
Tiêu chuẩn bảo vệ  môi trường: Thị trường EU yêu cầu hàng hoá có liên quan đến môi trường cần dán nhãn theo quy định (nhãn sinh thái, nhãn tái sinh) và có chứng chỉ được quốc tế công nhận. Ví dụ, tiêu chuẩn GAP (Good agricultural Pratice) và các nhãn hiệu sinh thái (Ecolabels) đang ngày càng được phổ biến, chứng tỏ các cấp độ khác nhau về sự thân thiện với môi trường. Ngoài ra, các công ty phải tuân thủ  hệ thống quản lý môi trường (các tiêu chuẩn ISO 14000) và các bộ luật mang tính xã hội về đạo đức. Tiêu chuẩn SA8000 (Social Accountability 8000) sẽ càng trở nên quan trọng trong những năm tới.
Đóng gói:
Tinh bột sắn phải được đóng gói trong các túi giấy hay nhựa PP/PE, mỗi túi có trọng lượng từ 25-50 kg. Các túi phải sạch sẽ, được khâu hoặc dán chắc chắn. Các túi này phải được chèn bằng rơm. Các nước EU rất khuyến khích các nhà sản xuất/nhập khẩu sử dụng các nguyên liệu có thể tái sử dụng, thân thiện với môi trường.
Nhãn hiệu:
Theo Quy định số 2003/89/EC về nhãn hiệu cho nguyên liệu thực phẩm, EU yêu cầu những thông tin đầy đủ về tên sản phẩm, mã hiệu, nguồn gốc nguyên liệu, tên và địa chỉ nhà sản xuất (xuất khẩu) ngày, trọng lượng tịnh và các điều kiện về kho bãi.
Các nhà sản xuất còn phải đáp ứng những thông tin bổ sung như giấy chứng nhận xuất xứ, chứng nhận chất lượng và tính dẻo của sản phẩm.

Nguồn: Vinanet